Hiện nay, ngoài phương thức cho vay trực tiếp thông thường, một loại hình cho vay mà cần chú trọng là phương thức CVTD gián tiếp. Có khá nhiều khách hàng có nhu cầu mua sắm hàng hoá vượt quá khả năng chi trả hiện tại của họ; nhưng vì nhiều lý do, họ ngại tìm đến ngân hàng. SHB cần nhận thức được điều này để từ đó có những biện pháp phù hợp nhằm thu hút những khách hàng tiềm năng này.
SHB có thể kết hợp với các Trung tâm thương mại, đại lý bán hàng trong việc tài trợ vốn tiêu dùng cho khách hàng. Thông qua các công ty bán hàng này, SHB nắm bắt được nhu cầu của khách hàng và đưa ra các thông tin về sản phẩm CVTD theo phương thức này; theo đó SHB sẽ tài trợ cho người tiêu dùng một phần tiền còn thiếu hụt khi người tiêu dùng mua hàng của các công ty, đại lý bán hàng. Áp dụng phương thức cho vay này, SHB có thể thu hút một khối lượng lớn khách hàng tiềm năng, phát triển phạm vi hoạt động của mình. Tuy nhiên, với các khoản cho vay này, ngân hàng không trực tiếp giao dịch với khách hàng mà thông qua các công ty, đại lý bán hàng thay mặt ngân hàng xem xét khách hàng và đề xuất ngân hàng cho khách hàng vay. Các công ty đại lý bán hàng không có đủ nghiệp vụ chuyên môn về lĩnh vực cho vay và họ luôn có xu hướng muốn bán nhiều sản phẩm hàng hoá của họ nên họ thường bỏ qua một số bước, thẩm định sơ sài, vô trách nhiệm, gây thiệt hại cho ngân hàng. Do đó, ngân hàng phải thận trọng khi lựa chọn các công ty, đại lý bán hàng phù hợp, có uy tín để cung ứng loại hình cho vay gián tiếp này.
Việc nâng cao và đa dạng hoá các loại hình sản phẩm dịch vụ của ngân hàng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược marketing ngân hàng đồng bộ. Từ đó, ngân hàng có cơ hội quảng bá, khuyếch trương, giới thiệu về các sản phẩm mà ngân hàng cung ứng nhằm phát triển hoạt động thị trường CVTD...