chuyên môn hóa trong công tác thẩm định dự án vay vốn
Hiện tại, chi nhánh đang thực hiện mô hình hiện đại hóa ngân hàng TA2. Theo mô hình này, công tác thẩm định dự án vay vốn được tiến hành song song 2 bộ phận: QHKH và QLRR. Mô hình này có ưu điểm là hai bộ phận này thẩm định dự án ở hai quan điểm: một bên dựa vào quan điểm vì lợi nhuận từ hoạt động tài trợ và một bên là quan điểm an toàn của hoạt động tài trợ dự án. Sự thống nhất của hai bộ phận về hiệu quả dự án là cơ sở để đi đến quyết định tài trợ dự án. Tuy nhiên nó cũng có hạn chế là thời gian thẩm định kéo dài, sự ỷ lại của hai bên khiến cho chất lượng thẩm định không cao. Mỗi phòng tiến hành công tác thẩm định một cách độc lập và lập hai báo cáo thẩm định tách biệt. Tuy nhiên, do phòng QHKH được trực tiếp tiếp xúc với khách hàng xin vay vốn khi thẩm định, cho nên khó tránh khỏi việc đánh giá mang tính chủ quan. Trong khi đó, phòng QLRR dựa chủ yếu vào hồ sơ của khách hàng xin vay vốn, mà không được trực tiếp tiếp xúc với khách hàng. Chính vì vậy, thường dẫn đến những kết luận không thống nhất, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng của công tác thẩm định DAĐT. Vì vậy, để phát huy được ưu điểm và hạn chế được nhược điểm của mô hình tổ chức này thì lãnh đạo mỗi bộ phận phải có trách nhiệm kiểm soát thật kỹ báo cáo thẩm định của mỗi bộ phận và phải quy định rõ trách nhiệm của từng bộ phận.
+ Đối với khâu thẩm định tại bộ phận QHKH: Hiện tại, đội ngũ cán bộ QHKH đang được phân bố tại các phòng giao dịch, phòng QHKH cá nhân, QHKHDN. Công tác tiếp nhận hồ sơ, quản lý doanh nghiệp cũng đang được thực hiện tại phòng giao dịch và Phòng QHKHDN. Trong khi lực lượng cán bộ QHKH còn mỏng, kinh nghiệm còn ít, lại phải kiêm nhiệm đồng thời nhiều nhiệm vụ: thẩm định tín dụng
92
doanh nghiệp, cá nhân, bán các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Điều này đã dẫn tới chất lượng tín dụng nói chung bị ảnh hưởng. Thời gian tới, chi nhánh cần tái cấu trúc lại cơ cấu tổ chức theo hướng chuyển giao các khách hàng doanh nghiệp về phòng QHKHDN. Các phòng Giao dịch chỉ tập trung phục vụ khách hàng cá nhân và bán các sản phẩm dịch vụ cho DN. về phương án luân chuyển nhân sự: Song song với việc tái cấu trúc lại khối QHKH, ban lãnh đạo chi nhánh cần đưa các cán bộ QHKH có trình độ và kinh nghiệm về phòng QHKHDN, tách phòng QHKHDN thành 2 phòng, là phòng QHKHDN lớn và phòng QHKH DNNVV. Tại phòng QHKH DNNVV cần tiến hành nghiên cứu, cải tiến quy trình nghiệp vụ thẩm định tín dụng ngân hàng DNNVV trên cơ sở phân tích rõ các đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này.
+ Đối với khâu thẩm định tại bộ phận QLRR: bộ phận QLRR vừa thực hiện thẩm định rủi ro đối với hoạt động tín dụng vừa kiểm soát rủi ro nội bộ nên công việc cũng có sự chồng chéo. Để tăng hiệu quả lao động, đảm bảo tính chuyên môn hóa, thì nên tách phòng QLRR thành 2 phòng hoặc thành 2 tổ riêng: một bộ phận làm công tác chuyên môn, QLRR tín dụng tức là một khâu trong quy trình cấp tín dụng; một bộ phận làm nhiệm vụ là QLRR tác nghiệp, kiểm tra nội bộ, thực hiện các công tác báo cáo định kỳ cũng như báo cáo đột xuất mà các ban ngành yêu cầu.