Kinh nghiệm của tỉnh Lâm Đồng

Một phần của tài liệu Quan hệ lợi ích trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 72 - 74)

Lâm Đồng là một trong số ít các tỉnh được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng cho phép phát triển ngành nông nghiệp. Dựa vào những lợi thế đó, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra định hướng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại bền vững. Từ những định hướng của chính quyền địa phương, trong những năm qua ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đã có sự phát triển mạnh mẽ, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 51.799 ha, chiếm 20% diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Những lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất như: trồng rau ứng dụng công nghệ cao đạt doanh thu 400-500 triệu đồng/ha/năm (cá biệt rau thủy canh đạt 8-9 tỷ

đồng/ha/năm); trồng hoa đạt doanh thu 800 triệu -1,2 tỷ đồng/ha/năm... [50]. Cùng với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng đang được người sản xuất và người tiêu dùng hướng tới. Với ưu thế là các vùng đất tự nhiên chưa thâm canh, không bị nhiễm hóa chất nông nghiệp, có nguồn sinh khối phong phú đáp ứng tốt yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc và sản xuất rau, củ, quả. Ngoài ra, trong những năm qua chính quyền Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là cơ sở để định hướng, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chứng nhận nông nghiệp hữu cơ và làm cơ sở để các địa phương xây dựng các kế hoạch phục vụ công tác quản lý Nhà nước về kiểm tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ.

Tuy nhiên, cho đến nay phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm hạn chế: Một là, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất khắt khe, chi phí sản xuất cao, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa ổn định. Vì thế đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hai là, mô hình sản xuất

nông nghiệp hữu cơ còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát và chưa có định hướng rõ ràng về lĩnh vực sản xuất (cây trồng, vật nuôi cụ thể). Thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa phát triển, trong khi việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn do việc xin chứng nhận của các tổ chức quốc tế. Các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa đủ mạnh, thiếu sự công nhận, thừa nhận của quốc tế. Ba là, hạ tầng kỹ thuật và phụ trợ (chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung cấp vật tư đầu vào cho NNHC như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) cho phát triển nông nghiệp hữu cơ còn thiếu do đó chưa khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bốn là, Lâm Đồng là tỉnh đi đầu của cả nước về ứng dụng nhà kính trong phát triển nông nghiệp. Nhưng hướng đi này cũng có những mặt tiêu cực nhất định như: là một trong những nguyên nhân khiến nhiệt độ trung bình của tỉnh nóng lên dẫn đến tình trạng ngập lụt, môi trường đất đai, nguồn nước, không khí đều ít nhiều bị ô nhiễm... Do đó, khi tỉnh định hướng chuyển sang phát triển NNHC đã dẫn đến tình trạng “xung đột lợi ích” của những hộ nông dân, doanh nghiệp, HTX đang phát triển nông nghiệp theo hướng cũ với lợi nhuận cao, doanh thu bình quân lên đến 350 triệu

đồng/ha/năm, nhiều diện tích đạt từ 2 đến 7 tỷ đồng [1]. Từ đó, thực tế triển khai NNHC ở tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Nhìn chung, quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển NNHC đã được quan tâm. Tuy nhiên, chưa thật sự tương xứng và lợi ích các bên vẫn còn có sự xung đột. Chính quyền muốn phát triển NNHC để bảo vệ môi trường sinh thái và tạo ra một hệ sinh thái bền vững, nhưng các chủ thể sản xuất kinh doanh lại bị ảnh hưởng đến lợi nhuận thu được. Bên cạnh đó, các chủ thể phát triển NNHC còn chịu một số thiệt thòi về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phụ trợ cũng như thiếu sự hỗ trợ, xúc tiến thương mại của chính quyền địa phương. Do đó, quan hệ lợi ích giữa Nhà nước và các chủ thể phát triển NNHC chưa đạt được mức tối ưu và do đó, chưa phát huy cao nhất được lợi thế của mỗi bên.

Một phần của tài liệu Quan hệ lợi ích trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 72 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(161 trang)
w