nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Một là, hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ cần được thực hiện toàn diện từ lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và bảo vệ môi trường.
Thực chất của phát triển NNHC là phát triển các loại nông sản sạch, phát triển các nông sản có giá trị gia tăng cao; thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ quy hoạch, giống, kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất - dịch vụ, quản lý… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của nông sản; quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong quá trình phát triển NNHC, nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp là chủ thể chính; chính quyền các cấp giữ vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc ban hành và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào NNHC, liên kết với nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, cung cấp thông tin, dịch vụ, khai thác tối đa các tiềm năng đất đai, lao động của Thủ đô, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gia tăng giá trị nông sản; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cư dân sản xuất NNHC, cải thiện môi trường sinh thái và bảo đảm lợi ích doanh nghiệp.
Hai là, hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Để các chủ thể tham gia phát triển NNHC đồng thuận, thống nhất, ngày càng liên kết chặt chẽ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị hàng nông sản hữu thì cần xây dựng mối quan hệ lợi ích bình đẳng, cùng có lợi, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể trong sản xuất NNHC. Thực tế cho thấy, chỉ khi tham gia sản xuất NNHC có lợi hơn, hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất sẽ giúp giảm chi phí sản xuất do hầu hết các khâu được cơ giới hóa, tăn g khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Từ đó, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, giúp các chủ thể thu được lợi nhuận cao hơn so với khi không tham gia sản xuất NNHC thì các chủ thể mới có nhu cầu tham gia sản xuất, kinh doanh hàng nông sản hữu cơ và tự nguyện gắn bó lâu dài với nhau. Vì vậy, hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh là điều rất cần thiết để duy trì và phát triển được mối liên kết lâu dài.
Do đó, cần tạo ra cơ chế phân phối lợi ích hài hòa cho các chủ thể, đảm bảo sự đồng thuận và thống nhất lợi ích với nhau. Cụ thể: thông qua việc định hướng, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ hàng nông sản hữu cơ, cần kiểm soát và nâng cao chất lượng nông sản hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ. Từ đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho các chủ thể. Nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội luôn khuyến khích và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi liên kết, đồng thời đề xuất Thành phố có thêm chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NNHC trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Ba là, hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ.
Điều này rất quan trọng, tác động trực tiếp đến động lực tham gia phát triển NNHC của các chủ thể. Do đó, hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông nghiệp hữu cơ cần dựa trên cơ sở đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh NNHC. Nói cách khác, chính là đảm bảo tôn trọng các quy luật của thị trường, dựa trên cơ sở pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ, với một thể chế rõ ràng về quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong mối liên kết tạo cơ sở đảm bảo hài hòa quan hệ lợi ích giữa các chủ thể.
Các chủ thể tham gia phát triển NNHC có những quyền sau: Một là, quyền được hợp tác, liên kết trong những lĩnh vực, ngành nghề sản xuất nông nghiệp mà pháp luật không cấm; Hai là, được hưởng các chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác của Nhà nước theo quy định; Ba là, được sử dụng tài sản đầu tư trên đất và tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; Bốn là, được cung cấp thông tin
về chính sách hỗ trợ liên kết của Nhà nước, giá cả thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, khoa học kỹ thuật, công nghệ và các dịch vụ công ích khác phục vụ liên kết; Năm là, được lựa chọn phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp phát sinh trong thực hiện hợp đồng, dự án liên kết theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia phát triển NNHC chính là: Một là, tuân thủ các quy định của Nhà nước về sản xuất và tiêu thụ nông sản hữu cơ và bảo vệ môi trường sức khỏe con người, cây trồng... trong quá trình thực hiện liên kết; Hai là, đảm bảo đúng quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia phát triển NNHC theo quy định của pháp luật; Ba là, các chủ thể tham gia sản xuất, kinh doanh NNHC có nghĩa vụ trao đổi, thương lượng và thống nhất giải quyết nhằm chia sẻ những khó khăn và rủi ro bất khả kháng trong quá trình hợp tác với nhau.
Để hài hòa lợi ích trong phát triển NNHC thì Nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất, vừa định hướng chính sách cho các loại hình dịch vụ phát triển, thu hút sự đầu tư của các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng nông sản hữu cơ, đồng thời hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong sản xuất - tiêu thụ - tiêu dùng sản phẩm NNHC.
Phát triển NNHC là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp của Thành phố Hà Nội, là một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô. Do đó, để hài hòa quan hệ lợi ích trong phát triển NNHC hiện nay đòi hỏi phải có sự đồng thuận và nỗ lực to lớn của các cấp, các ngành của Thành phố. Chính quyền các cấp tiếp tục phát huy và giữ vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc ban hành và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp.
Bốn là, phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp ch t chẽ với hoàn thành các chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Phát triển NNHC ở Hà Nội đã và đang hình thành các trung tâm sản xuất lớn, chủ yếu thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội, nơi đang đẩy mạnh
thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, mà cốt lõi là thay đổi và nâng cao năng lực sản xuất kinh tế của người dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cải thiện mọi mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, có môi trường tự nhiên bền vững, đồng thời vẫn giữ gìn được những nét bản sắc tốt đẹp của người dân mỗi địa phương. Những mục tiêu của nông thôn mới có nhiều điểm tương đồng với mục tiêu của NNHC. Do đó, các cấp ủy chính quyền địa phương ở Hà Nội cần kết hợp phát triển NNHC gắn với các chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, văn minh, bền vững, nhằm một mặt phát huy được lợi thế về đất đai và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của người dân, mặt khác, có thể thêm nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ cho việc chuyển đổi phương thức canh truyền thống của người dân theo hướng hiện đại, bền vững.