Đói nghèo là hiện tượng phổ biến của nền kinh tế thị trường và tồn tại khách quan đối với mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Đặc biệt đối với nước ta, quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường xuất phát điểm nghèo nàn lạc hậu nên tình trạng đói nghèo càng không tránh khỏi, thậm chí trầm trọng và gay gắt. Như vậy, hỗ trợ người nghèo trước hết là mục tiêu của xã hội. XĐGN sẽ hạn chế được các tệ nạn xã hội, tạo sự ổn định công bằng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Người nghèo được hỗ trợ để tự vươn lên, tạo thu nhập; từ đó làm tăng sức mua, khuyến khích sản xuất phát triển. Chính vì vậy, quan điểm cơ bản của chiến lược phát triển xã hội mà Đảng ta đã đề ra là phát triển kinh tế, ổn định và công bằng xã hội nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, có nguyên nhân chủ yếu và cơ bản là do thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn. Từ kinh nghiệm thực hiện Chương trình XĐGN ở các địa phương trên phạm vi cả nước cho thấy: vốn, kỹ thuật, kiến thức làm ăn được coi như chiếc “chìa khoá” để người nghèo vượt khỏi ngưỡng nghèo đói. Do không có vốn, nhiều người rơi vào tình thế luẩn quẩn làm không đủ ăn, phải đi làm thuê, vay nặng lãi, bán lúa non, mía non, cầm cố ruộng đất, chặt phá rừng, ... mong đảm bảo được cuộc sống tối thiểu hàng ngày; nhưng nguy cơ nghèo đói vẫn luôn thường trực với họ. Chính vì vậy, khi đáp ứng được nhu cầu vay vốn sẽ tạo ra đòn bẩy quan trọng đối với hộ nghèo.
- Là động lực giúp người nghèo vượt qua nghèo đói: Người nghèo đói do nhiều nguyên nhân như: già, yếu, ốm đau, không có sức lao động, do đông
con, thiếu lao động, do mắc tệ nạn xã hội, do lười lao động, do thiếu kiến thức trong sản xuất kinh doanh, do điều kiện tự nhiên bất thuận lợi, do không được đầu tư, do thiếu vốn, ... Trong thực tế ở nông thôn Việt Nam, bản chất của những người nông dân nghèo là tiết kiệm, cần cù nhưng tích luỹ rất thấp. Do đó, hầu như các hộ nghèo đều thiếu vốn để SXKD. Vì vậy, vốn đối với họ là điều kiện tiên quyết, là động lực đầu tiên giúp họ vượt qua khó khăn để thoát khỏi đói nghèo. Khi có vốn trong tay, với bản chất cần cù của người nông dân, bằng chính sức lao động của bản thân và gia đình, họ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật, công nghệ mới như các giống cây, con giống mới, kỹ thuật canh tác mới và cũng nhờ vay vốn mà hộ nghèo tiếp cận được với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
- Tín dụng ngân hàng làm giảm tệ nạn cho vay nặng lãi: Tệ nạn cho vay nặng lãi đã có từ lâu đời nay; hiện nay vẫn đang tồn tại khá nặng nề ở nông thôn, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Cho vay nặng lãi thể hiện ở lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay của ngân hàng hoặc dưới dạng mua bán sản phẩm non như: lúa non, lạc non, mía non, ... ở thời kỳ giáp hạt. Do nhu cầu cấp bách (thường là do đói kém, ốm đau bệnh tật, chi phí con đi học hoặc nhu cầu đột xuất) nên người nghèo thường phải vay nặng lãi. Tín dụng nặng lãi gây nhiều tác hại cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo; làm cho hộ nghèo càng nghèo thêm. Chính hoạt động tín dụng Ngân hàng, nhất là NHCSXH đã trực tiếp làm giảm tệ nạn cho vay nặng lãi.
- Giúp người nghèo có việc làm, nâng cao kiến thức tiếp cận thị trường, có điều kiện hoạt động SXKD trong nền kinh tế thị trường: Cung ứng vốn vay cho người nghèo theo nguyên tắc thị trường, sau một thời gian Ngân hàng tiến hành thu hồi cả gốc và lãi đã buộc người vay phải tính toán trồng cây gì, nuôi con gì, làm nghề gì và làm như thế nào để có hiệu quả kinh tế cao, tăng thu
nhập cho gia đình và có tiền trả nợ cho Ngân hàng. Để làm được điều đó, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể; hộ vay phải học hỏi kỹ thuật sản xuất, tìm biện pháp để quản lý nguồn vốn vay một cách hiệu quả nhất. Từ đó, tạo cho họ tính năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, tích luỹ được kinh nghiệm trong công tác quản lý kinh tế. Ngoài ra, thông qua vốn tín dụng cho người nghèo đã hỗ trợ phát triển ngành nghề phụ ở nông thôn, như: chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Nhờ vậy, đã giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, hạn chế thời gian nông nhàn. Tận dụng lao động để khai thác ngành nghề truyền thống, khai thác tiềm năng nội lực, tạo cơ hội cho người nghèo tự vận động, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát khỏi đói nghèo hoà nhập cộng đồng.
- Cung ứng vốn cho hộ nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới: Tín dụng cho người nghèo của NHCSXH thực hiện theo các quy định nghiệp vụ như bình xét công khai đối tượng được vay thông qua các Tổ TK&VV tạo ra sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng với các tổ chức chính trị - xã hội và cấp uỷ, chính quyền địa phương. Qua đó, góp phần tăng cường hiệu lực của cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp. Ngoài ra, thông qua vay vốn, các hộ nghèo trong Tổ TK&VV có điều kiện giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm quản lý kinh tế, chia sẻ rủi ro, hoạn nạn, vun đắp thêm tình làng, nghĩa xóm. Đồng thời số lượng các Hội viên sinh hoạt tại các tổ chức Hội đoàn thể ngày càng đông, hoạt động của các tổ chức Hội phong phú hơn về nội dung; các Hội làm dịch vụ uỷ thác cho vay hộ nghèo cũng có thêm khoản thu nhập từ phí uỷ thác Ngân hàng trả theo tỷ lệ và định kỳ nhất định (hàng quý) góp phần xây dựng các tổ chức Hội vững mạnh.
Từ nguồn vốn vay, các hộ nghèo có điều kiện thay đổi phương thức sản xuất, tăng thu nhập; từng bước làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trật tự an ninh, an toàn xã hội được giữ vững; văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có điều kiện phát triển; vệ sinh môi trường được đảm bảo tạo bộ mặt nông thôn mới ở các vùng quê.