* Môi trường kinh tế -chính trị -xã hội, sự hội nhập thị trường tài chính Việt Nam
Nền kinh tế là một hệ thống bao gồm nhiều hoạt động kinh tế có quan hệ chặt chẽ, ràng buộc lẫn nhau. Trong nền kinh tế, hoạt động của các CTTC là cầu nối cho các hoạt động khác nên hoạt động của TCTD đặc biệt nhạy cảm với các biến đông kinh tế. Sự ổn định hay bất ổn của nền kinh tế, một tỷ
lệ lạm phát ở tầm kiểm soát như thế nào, mức tăng trưởng của nền kinh tế cao hay thấp. đều ảnh hưởng đến khả năng tình hình tài chính của CTTC, đồng thời cũng tác động đến các kế hoạch, đến việc hoạch định chính sách và hệ thống các biện pháp của CTTC.
Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ ổn định, mức lạm phát trong tầm kiểm soát, thu nhập của bộ phận dân cư cao sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho các CTTC khi tiến hành mở rộng hoạt động và tìm kiếm thị trường để huy động vốn và cho vay, đồng thời phát triển thêm các dịch vụ mới để tăng thêm hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, CTTC đều chịu tác động của môi trường kinh doanh nhất định. Môi trường kinh doanh của CTTC bao gồm các yếu tố như: số lượng các TCTD, tổ chức tài chính cùng tham gia hoạt động trên một địa bàn, mức độ cạnh tranh, các dịch vụ do các tổ chức này cung ứng đang ở mức độ nào, chất lượng như thế nào. Đánh giá được tình hình của môi trường kinh doanh cho phép CTTC nhận biết mình đang ở vị trí nào, cần có những biện pháp gì trong quá trình hoạt động từ đó có những ứng xử cho phù hợp trong kinh doanh.
Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, điều này mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các hoạt động nói chung và hoạt động của các CTTC nói riêng. Khi Việt Nam dỡ bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ theo lộ trình gia nhập WTO, các CTTC sẽ chịu tác động lớn từ các yếu tố chu chuyển vốn, đầu cơ. Bên cạnh đó, sẽ phải cạnh tranh không chỉ với các NHTM trong nước mà sẽ với cả các ngân hàng nước ngoài trong bối cảnh họ có nhiều lợi thế hơn về năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý, công nghệ và dịch vụ hiện đại. Trong môi trường kinh doanh phức tạp này đòi hỏi CTTC phải có những nỗ lực thay đổi cho phù hợp, nếu không sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
* Môi trường pháp lý, chính sách tài chính của Nhà nước và Chính phủ.
Đây là nhân tố thuộc môi trường bên ngoài có tác động lớn nhất và thường xuyên nhất tới hoạt động của CTTC. Do ảnh hưởng to lớn của hoạt
động tài chính tới nền kinh tế mà mỗi TCTD trong đó có CTTC đều chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật ngay từ khi mới thành lập. Luật pháp tạo ra cơ sở pháp lý cho các hoạt động của CTTC. Đó là những quy định bắt buộc các CTTC phải tuân theo, đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động của CTTC.
Nếu các quy định của pháp luật không đầy đủ, không rõ ràng và thiếu tính đồng bộ, nhất quán sẽ gây khó khăn cho các hoạt động của TCTD nói chung và CTTC nói riêng. Ngược lại, một hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn chỉnh sẽ là hành lang pháp lý vững chắc cho CTTC trong hoạt động của mình. Khi đó, pháp luật sẽ tác dụng tích cực, trở thành động lực giúp CTTC hoạt động hiệu quả hơn.
Chính phủ tác động đến CTTC với vai trò là người quản lý và giám sát của toàn hệ thống thông qua vai trò của NHTW. Chính phủ đồng thời cũng là người hoạch định đường lối phát triển chung của ngành và điều phối nỗ lực chung của toàn hệ thống các TCTD. Chính phủ có thể có những chính sách tác động đến cung, cầu đến ổn định chính sách kinh tế vĩ mô đến sựu phát triển của thị trường chứng khoán, đến các điều kiện nhân tố sản xuất, các ngành liên quan và phụ trợ của ngành.
* Sự phát triển của hệ thống tài chính.
Sự phát triển của các công cụ thị trường tài chính như : phát hành cổ phiếu (Công ty, NHTM), trái phiếu (Kho bạc, NH, Công ty) tạo điều kiện cho các chủ thể trong nền kinh tế huy động vốn, tạo điều kiện tăng VCSH, thay đổi thị phần huy động và cho vay ảnh hưởng làm thay đổi lợi nhuận và việc nâng cao năng lực tài chính của CTTC.
Cơ chế hoạt động của thị trường tài chính như : chính sách tiền tệ, hoạt động của thị trường tiền tệ liên ngân hàng, chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối, quản lý lãi suất, sự phát triển của thị trường chứng khoán... cũng là một trong các nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tài chính của CTTC.
* Môi trường văn hóa, xã hội
Khi đề cập đến khía cạnh này, CTTC cần xem xét các yếu tố không thể định lượng được nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của CTTC như: phong tục, tập quán, thói quen giữ tiền mặt, giữ tiền tại nhà hoặc mua vàng bạc, đá quý để tích lũy, trình độ văn hóa, nhận thức của người dân về hoạt động của CTTC... So với ngân hàng, hoạt động của các CTTC còn non kém, chưa đủ lực cạnh tranh về vốn, nhân lực, công nghệ. Các tổ chức, người dân cũng chỉ nghĩ đến ngân hàng trong các giao dịch tài chính. Điều này là bất lợi lớn đối với các CTTC trong huy động vốn, mở rộng tín dụng và phát triển các dịch vụ tài chính khác. Do đó, CTTC phải tìm hiểu rõ tính chất, đặc điểm của khách hàng để có chính sách khách hàng, chính sách marketing phù hợp nhằm thực hiện tốt công tác huy động vốn.