Nội dung và phương pháp thẩm định là nhân tố quan trọng có ảnh hưởng tới chất lượng thẩm định tài chính dự án. Nội dung thẩm định đầy đủ với phương pháp thẩm định hợp lý, khoa học là điều kiện để cho một kết quả thẩm định toàn diện, chính xác về hiệu quả tài chính dự án trong thời gian ngắn nhất. Một số vấn đề cần hoàn thiện về nội dung và phương pháp thẩm định để nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án tại NHNo&PTNT Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh:
- Thẩm định tổng vốn đầu tư và các nguồn tài trợ: ngân hàng cần quan tâm đúng mức tới nội dung thẩm định tổng mức vốn đầu tư của dự án, cần thẩm định lại kỹ lưỡng ngay cả khi tổng mức vốn đầu tư của dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Thẩm định tổng vốn đầu tư: áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp tổng hợp chi phí hoặc kết hợp cả hai phương pháp. Áp dụng phương pháp so sánh đối với những dự án có tính chất đơn giản hoặc những dự án mới trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư chưa có dự toán chi tiết để đánh giá tính hợp lý của tổng vốn đầu tư. Áp dụng phương pháp tổng hợp chi phí đối với những dự án phức tạp, đã có thiết kế tổng dự toán nhằm xác định tính hợp lý của từng hạng mục chi phí mà khách hàng đưa ra. Khi áp dụng phương pháp này, cần ứng dụng chương trình phần mềm tính dự toán để đảm bảo cho kết quả chính xác trong thời gian nhanh nhất.
Đối với phần vốn lưu động đầu kỳ cho các dự án có sản xuất, cần xác định cụ thể trên cơ sở kế hoạch sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ, thị trường các yếu tố đầu vào của dự án. Cần lưu ý khi tính khoản chi phí dự phòng cho hoạt động đầu tư đối với những dự án có thời gian triển khai đầu tư xây dựng kéo dài, khi đó, các chi phí dự phòng do yếu tố trượt giá cần được tính cho từng năm theo tiến độ bỏ vốn đầu tư.
+ Thẩm định các nguồn tài trợ dự án: cần phải phân tích, đánh giá về năng lực tài chính hiện tại, kế hoạch tài chính trung dài hạn và phương án huy động nguồn tài trợ một cách kỹ lưỡng để đưa ra kết luận đáng tin cậy về tính khả thi và chi phí vốn của các nguồn vốn này.
- Thẩm định doanh thu, chi phí hàng năm của dự án: ngoài tổng vốn đầu tư, thì doanh thu và chi phí hàng năm là hai chỉ tiêu quyết định tới việc tính toán các chỉ tiêu hiệu quả tài chính của dự án, do đó, cần xác định chính xác hai chỉ tiêu này.
+ Xác định đầy đủ các lợi ích và chi phí của dự án. Khi xác định lợi ích của dự án phải tính đầy đủ các nguồn thu của dự án từ sản phẩm chính, sản phẩm phụ và các nguồn thu bất thường như thu từ thanh lý tài sản. Khi xác định chi phí cần tính đầy đủ các chi phí từ chi phí nguyên vật liệu, nhân công, quản lý, bán hàng, khấu hao, lãi vay ... Đối với các yếu tố kỹ thuật cần có ý kiến tư vấn chuyên môn.
+ Phân bổ các chi phí phát sinh một các hợp lý khi xác định kết quả kinh doanh. Đối với chi phí khấu hao, đây là khoản chi phí không phải chi ra bằng tiền, chủ đầu tư có thể điều chỉnh để làm thay đổi lợi nhuận kế toán hàng năm. Do đó, cần xác định đúng giá trị tài sản cố định, phương pháp và thời gian khấu hao tài sản theo các quy định pháp luật. Giá trị tài sản gồm giá trị ban đầu tài sản, giá trị định giá lại sau khi sửa chữa, tu bổ. Tỷ lệ các chi phí lãi vay, quản lý, bán hàng phải phù hợp theo kế hoạch kinh doanh của khách hàng và quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Đánh giá tác động của lạm phát, tỷ giá đến doanh thu, chi phí của dự án: cần dựa trên số liệu thống kê và phân tích dự báo về tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá, xu hướng thị trường để xác định tác động tới dự án.
- Lập báo cáo tài chính dự kiến hàng năm của dự án: hiện ngân hàng mới chú trọng vào việc thẩm định báo cáo kết quả kinh doanh hàng năm của dự án, vì việc lập báo cáo này không quá phức tạp và số liệu từ báo cáo này phục vụ trực tiếp cho việc xác định nguồn trả nợ và dòng tiền của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, ngân hàng cần đưa thêm nội dung thẩm định bảng cân đối kế toán và lưu chuyển tiền tệ của dự án khi thẩm định dự án. Từ đó, đánh giá được nhu cầu vốn lưu động của dự án, tính hợp lý của các chính sách quản lý tiền mặt, dự trữ hàng hóa, chính sách khách hàng, xác định các chỉ tiêu tài chính doanh nghiệp cơ bản theo từng năm của dự án và đánh giá chính xác về sự vận động các luồng tiền của dự án.
- Xác định dòng tiền dự án: dòng tiền dự án có thể được xác định theo các quan điểm khác nhau, với tư cách là người tài trợ vốn, ngân hàng cần quan tâm tới hiệu quả của toàn bộ số vốn đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau, do đó, khi ngân hàng thẩm định tài chính DAĐT cần thống nhất là đứng trên quan điểm tổng đầu tư. Để xác định chính xác dòng tiền của dự án, cần chú ý các nội dung sau:
+ Tăng giảm vốn lưu động hàng năm và thu hồi vốn lưu động ròng: khoản thu hồi vốn lưu động này sẽ được cộng vào dòng tiền năm cuối cùng của dự án, ngân hàng không nên cộng vào năm dự án trả hết nợ (vì thông thường thời gian vay nợ ngắn hơn thời gian vận hành dự án).
+ Khoản thanh lý tài sản cố định cuối đời dự án được xem là một khoản thu nhập bất thường của dự án và phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu này trong năm phát sinh.
+ Dòng tiền ròng của dự án cho thấy luồng tiền ra vào dự án thực tế, do đó, trong trường hợp dòng tiền ròng âm thì ngân hàng cần xem lại kế hoạch thu nợ vay đối với khách hàng. Đối với những dự án được thẩm định là có hiệu quả và đủ nguồn trả nợ từ lợi nhuận và khấu hao, tuy nhiên, dòng tiền ròng của thời kỳ phải trả nợ âm, thì ngân hàng có thể điều chỉnh tiến độ thu nợ để đảm bảo khả năng trả nợ đúng kế hoạch của dự án.
+ Lựa chọn thời điểm tính toán dự án: thực tế có thể mất nhiều năm để xây dựng hoàn thiện và đưa dự án vào khai thác, do đó, khi xác định dòng tiền dự án không nhất thiết phải đưa tất cả chi phí đầu tư về năm 0, mà nên để theo tiến độ thực tế để giảm bớt sai số khi tính dòng tiền.
- Xác định tỷ suất chiết khấu: cần thống nhất nguyên tắc và cách xác định tỷ suất chiết khấu theo tính chất của dự án, để đảm bảo sự thống nhất về kết quả tính toán.
Về nguyên tắc, tỷ suất chiết khấu được xác định là bình quân gia quyền chi phí vốn của các nguồn vốn tài trợ cho dự án. Tuy nhiên, để xác định chính xác chi phí của từng nguồn vốn rất phức tạp, đặc biệt là nguồn vốn tự có và vốn khác vì cần phải có sự so sánh với các doanh nghiệp tương tự, triển vọng phát triển ngành và kỳ vọng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, trên quan điểm của ngân hàng, điều ngân hàng quan tâm là khả năng trả nợ của dự án. Để đảm bảo khả năng trả nợ thì dự án phải đảm bảo mức sinh lời tối thiếu bằng với lãi suất vay vốn ngân hàng, tức là dự án có NPV không âm khi chiết khấu dòng tiền với tỷ suất r bằng với lãi suất vay vốn. Do đó, trong trường hợp không đủ cơ sở xác định chi phí vốn đối với nguồn vốn tự có và vốn khác, có thể áp dụng mức lãi suất vay vốn ngân hàng làm tỷ suất chiết khấu dòng tiền dự án.
Vấn đề đặt ra tiếp theo là lựa chọn mức lãi suất ngân hàng như thế nào là phù hợp. Điều này lại tùy thuộc vào tính chất từng dự án như thời gian thực hiện dự án,
thời gian đề nghị vay vốn, số tiền đề nghị vay vốn, lĩnh vực đầu tư dự án ... theo nguyên tắc chung là mức độ rủi ro càng cao thì phải lựa chọn tỷ suất chiết khấu càng cao, vì tỷ suất chiết khấu cũng chính là mức sinh lời kỳ vọng của dự án, nó phải đủ để bù đắp cho các rủi ro tiềm ẩn đối với ngân hàng. Lãi suất cho vay của ngân hàng có thể được xác định là bình quân lãi suất cho vay trung dài hạn 3 - 5 năm gần nhất cộng với một tỷ lệ % nhất định, được quy định trong từng thời kỳ và tùy theo lĩnh vực đầu tư dự án, thời gian vay vốn, số tiền vay vốn và xu hướng biến động của thị trường vốn. Ngoài việc áp dụng tỷ lệ chiết khấu không đổi trong cả đời dự án, tùy từng trường hợp, ngân hàng có thể xem xét áp dụng tỷ lệ chiết khấu thay đổi để đảm bảo phản ánh đầy đủ các biến động của môi trường kinh tế tới dự án.
Xác định tỷ suất chiết khấu đối với dự án sử dụng cả vốn bằng vnd và usd: cần tính đến yếu tố biến động tỷ giá .
- Xác định và đánh giá các chỉ tiêu hiệu quả tài chính dự án: ngân hàng cần áp dụng nhiều hơn các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả tài chính dự án. Ngoài các chỉ tiêu phổ biến như NPV, IRR, thời gian hoàn vốn, cần xác định thêm các chỉ tiêu về điểm hòa vốn, chỉ số doanh lợi PI, chỉ số khả năng trả nợ DSCR, ... Bên cạnh đó, cần có quy định về thứ tự ưu tiên lựa chọn các chỉ tiêu tài chính khi đánh giá lựa chọn dự án, đặc biệt khi kết quả phân tích có sự mâu thuẫn. Các quy định về chỉ tiêu tài chính phải xem xét cần được linh hoạt tùy theo tính chất, quy mô từng dự án và điều kiện thẩm định.
- Đánh giá khả năng trả nợ của dự án: được phản ánh thông qua chỉ tiêu tỷ số khả năng trả nợ của dự án, được tính bằng nguồn trả nợ hàng năm của dự án/nợ phải trả hàng năm (cả gốc và lãi). Nguồn trả nợ của dự án thông thường gồm lợi nhuận sau thuế và khấu hao, trong trường hợp nguồn thu những năm đầu của dự án còn thấp, không đủ trả nợ theo kế hoạch thì chủ đầu tư cần chứng minh là có nguồn khác khả thi để trả nợ. Khi nguồn thu khác là từ hoạt động của doanh nghiệp, thì cần đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc đầu tư dự án này đối với hoạt động hiện tại của doanh nghiệp.
- Phân tích rủi ro của dự án hay tính chắc chắn về hiệu quả tài chính của dự án: cần quy định đây là nội dung bắt buộc cần khi thẩm định tài chính DAĐT. Khi phân tích rủi ro dự án, cần áp dụng linh hoạt các phương pháp phân tích độ nhạy, phân tích tình huống, phân tích mô phỏng. Khi áp dụng phương pháp phân tích độ nhạy, cần phân tích ảnh hưởng của nhiều yếu tố tới các chỉ tiêu hiệu quả tài chính. Các giả định về tình huống biến động của các yếu tố cần có căn cứ, dựa trên các phân tích, dự báo đáng tin cậy. Phương pháp phân tích độ nhạy đơn giản, dễ thực hiện nhưng có hạn chế nhất định vì không thể hiện được mối quan hệ giữa các yếu tố biến đổi và không tính đến phân bố xác suất của các nhân tố, do đó, cần thiết áp dụng phương pháp phân tích tình huống, phân tích mô phỏng để đảm bảo đánh giá rủi ro chính xác hơn. Cần ứng dụng các công cụ hỗ trợ trong việc phân tích rủi ro dự án, phổ biến nhất là ứng dụng chương trình excel với các công cụ: Data table để phân tích sự biến động của chỉ tiêu hiệu quả tài chính khi có một hoặc nhiều yếu tố liên quan thay đổi; Goal seek để phân tích tìm giá trị của một yếu tố biến đổi và giá trị của chỉ tiêu tài chính bị ảnh hưởng (ví dụ: NPV = 0 khi giá bán bằng bao nhiêu); Scenario - phân tích tình huống. Bên cạnh đó, nên đưa vào sử dụng các phần mềm hỗ trợ phân tích rủi ro dự án như chương trình phân tích rủi ro.