- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu lực thực thi các quy định pháp luật.
Từ khi gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc cải cách và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, Quốc hội khóa 11 (2002 - 2007) đã thông qua 84 văn bản Luật, Quốc hội khóa 12 (2007 - 2011) đã thông qua 67 Luật, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá 13(2011-2016) đã thông qua 11 dự án luật và 9 nghị quyết.. .thuộc nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, còn tồn tại tình trạng Luật, Nghị định đã ban hành nhưng lại chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện, hoặc tình trạng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành cũng mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn giữa luật, nghị định, thông tư hướng dẫn, gây khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật.
Do đó, trong thời gian tới Chính phủ cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định pháp luật, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu lực thực thi các văn bản pháp luật, đảm bảo sự ổn định của môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và ngân hàng. Các Bộ chủ quản cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực mình quản lý và có các chế tài xử lý đối với các đơn vị không thực hiện đúng quy định.
- Nâng cao chất lượng công tác thống kê, báo cáo về thực trạng nền kinh tế, thực trạng các ngành, địa phương. Các Bộ chủ quản thực hiện thống kê định kỳ hàng quý, hàng năm lĩnh vực mà mình phụ trách, công bố công khai các thông tin này để phục
vụ cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng tra cứu trong quá trình hoạt động.
- Nâng cao chất lượng quy hoạch, định hướng phát triển ngành, địa phương, lĩnh vực và công khai các thông tin này, tăng cường vai trò định hướng và quản lý của các Bộ chủ quản và cơ quản quản lý nhà nước.
Chất lượng quy hoạch và định hướng phát triển ngành hiện chưa tốt, dẫn tới tình trạng đầu tư tràn lan, không hiệu quả do dư thừa hoặc thiếu những lĩnh vực cần thiết, hoặc tình trạng thay đổi quy hoạch, thiếu định hướng phát triển. Điều này làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định định hướng đầu tư phát triển dài hạn, dẫn đến chạy theo nhu cầu trước mắt của thị trường; công tác thẩm định dự án của ngân hàng cũng gặp phải khó khăn nhất là khâu thẩm định nhu cầu thị trường, làm tăng tính bất ổn định của những dự báo, giảm chất lượng thẩm định.
- Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trong việc thẩm định và phê duyệt dự án, nhằm nâng cao chất lượng và độ tin cậy của các quyết định phê duyệt đầu tư. Cần có sự phân công công việc, trách nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị tham gia thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, từ đó, các đơn vị tham gia phải chủ động nâng cao chất lượng thẩm định dự án đối với lĩnh vực mình phụ trách. Thực tế các dự án xin vay vốn ngân hàng hiện nay, hiệu quả dự án theo kết luận của cơ quan quản lý Nhà nước khác rất nhiều so với kết quả thẩm định của ngân hàng, dẫn đến tình trạng, ngân hàng chỉ xem các kết quả thẩm định của cơ quan Nhà nước như là việc chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý, còn ngân hàng để đảm bảo an toàn cho mình vẫn phải thực hiện thẩm định lại toàn bộ dự án trước khi cho vay, điều này gây lãng phí nguồn lực xã hội.