Nguyễn Hữu Nhơn Đồng Tháp

Một phần của tài liệu 15-11c (Trang 26 - 27)

Kính thưa Chủ tọa, Kính thưa Quốc hội,

Trên cơ bản tôi nhất trí với Ban soạn thảo, nhận thấy Ban soạn thảo có rất nhiều cố gắng để làm như thế nào chúng ta giải quyết tốt dự án luật này. Trong dự án luật này tôi thấy cốt lõi là Chương III vấn đề giải quyết khiếu nại trong đó cơ bản là thẩm quyền giải quyết, trong thực tế vừa qua cái lòng vòng của chúng ta cũng do thẩm quyền giải quyết nhưng mà nó không ảnh hưởng lớn về thủ tục hành chính, quyết định hành chính chủ yếu là do nội dung chúng ta giải quyết. Chúng ta nói nôm na luật hình thức của chúng ta cũng không vấn đề gì chủ yếu là nội dung, tức là những chính sách, pháp luật về nội dung giải quyết, phần lớn là công dân khiếu kiện nội dung, chúng ta giải quyết không có thống nhất, không có triệt để, không có đảm bảo đến lợi ích và quyền hợp pháp của công dân, cho nên họ khiếu nại rất là dai dẳng, tôi cho đó là cơ bản.

Trong điều khoản của Ban soạn thảo dự kiến Mục 1 về thẩm quyền giải quyết khiếu nại rất là đơn sơ, nhưng tôi cho đây là cốt lõi nhất, linh hồn của sửa đổi hình thành dự án luật này nhưng mà lại đơn giản. Trong này lòng vòng bốn cấp, tức là cấp xã, cấp huyện, tỉnh, cấp Trung ương và chúng ta cũng đi hai hướng, nếu nhánh hành chính song song sang nhánh tư pháp tức là tòa án vẫn như cũ, chỉ có bớt bỏ thì thanh tra Chính phủ, Tổng thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tham gia giải quyết nhưng lần này thì Tổng thanh tra thoát nạn tức là không có trực tiếp nữa mà chỉ có giúp cho Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc giải quyết này, chỉ còn lại 4 cấp là cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và ở Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tôi nghĩ chỉ còn 4 cấp thôi, nhưng trong này phần thẩm quyền giải quyết thì trong này có nói cấp xã giải quyết, nhưng giải quyết lần 2 thì tôi nghĩ cấp Ủy ban nhân dân xã không nên giải quyết lần 2 mà Ủy ban nhân dân xã nên giải quyết lần thứ nhất và gặp gỡ cử tri, như Trung ương quy định trong Điều 36 tôi nghĩ rằng chúng ta nên bắt buộc, giải quyết lần đầu nên gặp gỡ người khiếu nại và người bị khiếu nại. Vì thực tế Nhà nước chúng ta nói nôm na coi như 2 hệ thống xét xử, Tòa án người ta giải quyết thì có nguyên đơn, bị đơn, gặp cả 2 bên còn hệ hành chính chúng ta giải quyết thì không gặp cả bên khiếu nại mà chúng ta thông qua "Trương Long, Triệu Hổ" tức là người giúp việc cho chúng ta đi tâu, về báo lại có đúng sự thật hay không, khách quan hay không rồi chúng ta nhắm mắt chúng ta quyết, cho nên mới không khách quan. Cho nên gặp gỡ cử tri ngay từ đầu tiếp xúc, gặp gỡ đối thoại với người khiếu nại và người bị khiếu nại, tôi đề nghị ngay từ đầu nên gặp trực tiếp giải quyết mà người ra quyết định giải quyết hành chính nên gặp trực tiếp, không được ủy quyền và không cử người đại diện cho mình. Tức là người ra quyết định hành chính thì mình phải gặp người khiếu nại và người bị khiếu nại giải quyết mới thỏa đáng và mới thấu tình đạt lý, nó mới không

đùn đẩy kéo dài thời gian. Tôi nghĩ trong thiết kế Mục 1 của thẩm quyền giải quyết này nên chi tiết và đầy đủ, phân định rõ trách nhiệm của từng cấp trong giải quyết cho nó cụ thể, rõ ràng mới giải quyết các bước, nếu không Mục 1 thẩm quyền giải quyết này mà thiết kế đơn giản như vậy, tôi nghĩ rằng cũng dẫn đến vòng lẩn quẩn lòng vòng như hiện hành. Đó là phần thứ nhất tôi quan tâm.

Phần thứ hai về tiếp công dân thì tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo chúng ta nên xác định cho rõ. Ở đây là chúng ta tiếp công dân là tiếp công dân khiếu nại, chứ không phải là tiếp công dân bình thường, cho nên đề nghị không có kiểu tiếp công dân chung, Trung ương, Đảng, Nhà nước, dân cử, tổ chức chính trị, đoàn thể gì hết, tiếp công dân bình thường là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, toàn trong hệ thống chính trị cùng tiếp, tiếp như bình thường. Còn tiếp dân ở đây là tiếp trong tình trạng khiếu nại, cho nên không đưa Trung ương Đảng vào đây. Bởi vì giải quyết có mấy loại. Giải quyết công dân, tiếp công dân là người tiếp công dân giải quyết trực tiếp công việc đó đối với công dân. Người ta rất bức xúc, người ta khiếu nại, người ta đến gặp mình để giải quyết - đó là một loại. Loại thứ hai là gặp công dân để xử lý, tiếp đơn, nghe công dân trình bày, chuyển đơn tất nhiên là đại biểu dân cử, đại biểu Quốc hội chúng ta, đại biểu Jội đồng nhân dân. Một loại tiếp dân nữa là để động viên, xoa dịu, an ủi nên đây đâu phải là giải quyết mà người giải quyết là cơ quan hành chính là người ra quyết định hành chính mới là người giải quyết, chứ còn tôi nghĩ trong thiết kế Chương V này, cuối cùng tiếp công dân mà nhập chung vào hết, nói Đảng, Nhà nước, cơ quan dân cử chung chung hết thì tôi nghĩ là không hiệu quả mà phải theo chức năng, quyền hạn của mỗi cơ quan được luật định, cho phép anh làm những gì, gặp công dân để làm những gì thì mới có hiệu quả chứ cứ nhập chung như Đảng, Nhà nước, v.v. là không hiệu quả.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần thiết kế lại và không đưa Trung ương Đảng vào đây. Ở đây chúng ta tiếp công dân với trạng thái là tiếp công dân khiếu nại, họ đang bức xúc, bực bội. Cho nên chúng ta phải tiếp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà luật định đã được giao.

Xin hết ý kiến.

Một phần của tài liệu 15-11c (Trang 26 - 27)