Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, Kính thưa các vị đại biểu,
Do các ý kiến của tôi cũng trùng khá nhiều với các đại biểu đã phát biểu trước tôi, tôi xin đóng góp gọn một số vấn đề mà tôi thấy cần phải bổ sung thêm và có những kiến nghị để thực hiện một số nội dung mà tôi đóng góp như sau.
Vấn đề thứ nhất là phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nếu căn cứ vào tên gọi và phạm vi đối tượng thì tôi thống nhất với phát biểu vừa rồi của đại biểu Đăng Trừng, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên chúng tôi xét thấy pháp luật phải điều chỉnh các sự việc phát sinh ở trong xã hội, mà trong xã hội như các đại biểu đã phân tích, có một số đối tượng trong đơn vị hành chính sự nghiệp, người nước ngoài ở Việt Nam chúng ta, đồng thời ở các lĩnh vực khác và người dân khiếu nại không chỉ dừng ở lĩnh vực hành chính. Qua thực tiễn trong Báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2010 cho rằng ngành Kiểm sát thụ lý hơn 4.314 đơn thư, trong đó 3.354 vụ việc thì phần lớn đơn khiếu nại là trong hoạt động tư pháp mà nội dung chủ yếu đó là kháng cáo đối với bản án quyết định sơ thẩm của tòa án chưa có hiệu lực; khiếu nại đối với quyết định hành vi của thủ trưởng cơ quan điều tra, quyết định hành vi của người tiến hành tố tụng, của viện kiểm sát; khiếu nại liên quan đến người được giao tham gia tố tụng. Chúng tôi muốn nói đó là một thực tiễn đặt ra. Nếu chúng ta thực hiện Luật khiếu nại hành chính như đại biểu Đăng Trừng thì chúng tôi thống nhất, nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu và pháp
luật tôi đề nghị các cơ quan pháp luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nghiên cứu các đối tượng có liên quan đến lĩnh vực, các đối tượng khác mà chưa được điều chỉnh thì cũng cần phải quan tâm nghiên cứu chứ chúng ta không thể bỏ được. Đó là vấn đề chúng tôi quan tâm.
Vấn đề thứ hai là khiếu nại đông người. Chúng tôi thống nhất với nhiều đại biểu là cần đưa khiếu nại đông người vào phạm vi điều chỉnh của luật vì nhiều lý lẽ đặt ra. Trong đó chúng tôi có nói là pháp luật phải điều chỉnh các hiện tượng xảy ra trong cuộc sống và trong khiếu nại đông người này đề nghị cho phép thực hiện khiếu nại theo ủy quyền như ủy quyền của luật sư trong thời gian vừa qua. Muốn như vậy thì cần phải hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ủy quyền đúng pháp luật với những trình tự, thủ tục và thực hiện các loại khiếu kiện đông người mà các đại biểu trước tôi đã phân tích nhiều dạng khiếu kiện cùng nội dung hoặc khác nội dung, v.v. từ đó sẽ giảm đi hiện tượng tụ tập đông người, giảm lượng đơn thư và hạn chế sự phức tạp và sự lợi dụng của kẻ xấu lợi dụng điểm này. Đó là ý kiến thứ hai chúng tôi đề nghị thêm.
Ý kiến thứ ba là vấn đề đối thoại. Chúng tôi đồng ý với nhiều đại biểu trong đó có đại biểu Nhân ở Đồng Tháp, vấn đề đối thoại là cần thiết để người ra quyết định hành chính gặp gỡ đối tượng khiếu nại và đối tượng bị khiếu nại để hiểu và phân tích vấn đề để ra quyết định đúng đắn khách quan và chính xác, cũng như đồng chí Nhân nói là chúng ta chỉ căn cứ vào "Trương Long - Triệu Hổ" mà "Trương Long - Triệu Hổ" này là giả thì gây thiệt hại quyền lợi của người dân và gây bức xúc. Chúng tôi chứng kiến không ít những trường hợp quyết định của cơ quan hành chính, Phó chủ tịch ủy ban đến Chủ tịch ủy ban, ra quyết định lần 1 cũng sai, quan điểm lần 2 cũng sai, đó là do mấy ông "Trương Long - Triệu Hổ" giả, tấu sai và đi xác minh sai gây bức xúc trong người dân mà chúng ta ký quyết định là không gặp gỡ và không đi giám sát thực tiễn thì đây là một vấn đề rất khó khăn. Vấn đề đối thoại như vậy cũng xử lý đảm bảo việc thực hiện đưa tính đúng đắn và giảm phức tạp vừa qua, đồng thời chúng tôi cũng đề nghị phải có cơ chế xử lý đối với các thanh tra viên báo cáo sai sự thật và báo cáo gây thiệt hại cho người công dân mà lâu nay tôi nghiên cứu thấy rất ít xử lý này để làm sao đảm bảo sự công bằng đối với các cơ quan xét xử . Ví dụ thẩm phán khi xử sai vượt tỷ lệ cho phép thì trong bổ nhiệm phải được xem xét lại, còn thanh tra viên cũng lãnh chế độ bồi dưỡng dưỡng liêm mà không làm tròn trách nhiệm mà đi đến các quyết định của cơ quan hành chính sai, mà việc vừa qua thì xử lý này cũng chưa đúng mức và cũng còn nhẹ, do đó chúng tôi đề nghị phải đi đôi với việc xử lý này.
Vấn đề thứ tư, đó là hành vi bị cấm, trong Điều 7, tôi đồng ý với rất nhiều đại biểu bổ sung thêm một số hành vi, trong đó có đại biểu Sỹ Lợi đã nêu. Nhưng ngoài ra tôi đề nghị bổ sung thêm một hành vi bị nghiêm cấm, đó là việc lợi dụng, sử dụng trẻ em tham gia khiếu kiện gây những hình ảnh hết sức phản cảm và bức xúc. Điều đó ảnh hưởng đến các em trong quá trình phát triển, các em sẽ suy nghĩ gì khi mà cùng tham gia với những người khiếu kiện đó. Như vậy lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tin vào vấn đề gì mà mấy em bị lệch lạc những vấn đề đó thì chúng tôi nghĩ cần phải có một hành vi nghiêm cấm đối với vấn đề này.
Một vấn đề nữa đó là vấn đề xem xét rút khiếu nại đối với các người công dân bị khiếu nại, đây là vấn đề tôi thấy cũng cần khuyến khích. Bởi vì nếu mà rút khiếu nại thì làm nhẹ đi, làm giảm đi trong quá trình xử lý, nhưng mà nếu không khéo và không có những điều kiện ràng buộc gì đó thì người ta cứ thoải mái cứ khiếu nại, cứ tố cáo, mặc dầu tố cáo là chưa đúng, là sai, hoặc với một ý đồ không tốt làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước phải tập trung xử lý, xác minh và mất nhiều thời gian, trong khi điều hành kinh tế - xã hội hiện nay rất cần phải tập trung để xử lý nhiều vấn đề, nhưng mà thời gian vừa qua các cơ quan đứng đầu tập trung cho xử lý khiếu nại, tố cáo công dân phải nói là rất mất nhiều thời gian, không có tập trung cho các quyết sách lớn của đất nước, của địa phương, nhưng tập trung ở khiếu nại, tố cáo những dạng này chúng ta không cónhững chế tài cụ thể để xử lý nghiêm minh, bảo vệ quyền lợi công dân, nhưng đồng thời chúng ta phải tạo điều kiện cho những người thực thi công vụ người đứng đầu Nhà nước làm tròn trách nhiệm của mình. Tôi xin hết.