Trần Việt Hưng Hoà Bình

Một phần của tài liệu 15-11c (Trang 31 - 32)

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia vào dự thảo Luật khiếu nại với nội dung như sau:

Thứ nhất, tôi nhất trí với việc bổ sung thêm đối tượng là viên chức vào phạm vi điều chỉnh của luật.

Thứ hai, tôi đồng ý với đại biểu Phương Hoa (Nam Định) đề nghị bổ sung phần giải thích một khoản ở Điều 3 về quyết định giải quyết khiếu nại để làm rõ việc khi giải quyết với các cơ quan phải ra quyết định hành chính để tạo điều kiện cho người dân khởi kiện ra tòa.

Thứ ba, về việc gửi đơn khiếu nại lần đầu đối với người khiếu nại quy định tại Khoản 1, Khoản 9, tôi đề nghị trong dự thảo có ghi rõ "xét thấy việc quyết định hành vi hành chính có phương hại đến lợi ích của mình, người khiếu nại có thể gửi đơn trực tiếp đến người ra quyết định hành vi hành chính hoặc khởi kiện ra tòa". Theo quan điểm của tôi, tôi đề nghị nếu là hành chính thì không gửi đến người ra quyết định, mà gửi thẳng lên cấp trên của người ra quyết định hành vi hành chính. Thực tế cho thấy trong thời gian vừa qua, nếu gửi đơn khiếu nại hoặc để giải quyết cho những người đầu tiên giải quyết hầu như không có kết quả, người đã ra quyết định hành vi hành chính khi giải quyết việc đó hầu như đã tìm mọi cách để ra giải quyết và bao biện cho việc làm của mình. Do đó, hiệu quả trong này không cao, tốn thời gian và tốn tiền bạc của Nhà nước.

Thứ tư, tôi đề nghị Ban soạn thảo có thể nghiên cứu và quy định việc khi nộp đơn khiếu nại, người khiếu nại phải nộp một khoản lệ phí. Vì: Thứ nhất, nâng cao trách nhiệm của người khiếu nại đối với yêu cầu của mình, tránh tình trạng viết đơn khiếu nại tràn lan. Thứ hai, qua công tác giải quyết khiếu nại hàng năm cho thấy, thông thường khiếu nại đúng chỉ có khoảng 20%, khiếu nại có đúng, có sai trên 30%, còn lại là sai hoàn toàn. Do vậy, nếu không nộp khoản phí này thì cơ quan Nhà nước mà đi giải quyết gần 50% số lượng việc khiếu nại hoàn toàn sai thì rất tốn kém về kinh phí, những vụ đơn giản thì vài triệu, những vụ phức tạp có thể vài chục triệu thậm chí là hơn. Trong khi đó kinh phí hành chính rất hạn hẹp, tôi nghĩ rằng việc đó chúng ta phải dành một kinh phí gì đó để chi vào việc đó hữu hiệu hơn cho Nhà nước và quản lý Nhà nước.

Nội dung thứ năm là về giải quyết khiếu nại đông người, tôi đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu và đề xuất vào những cái sau:

Thứ nhất là cần phải quy định rõ và cụ thể về trình tự, thủ tục, quyền giải quyết khiếu nại đông người ngay trong luật để giải quyết vấn đề khiếu nại đông người này.

Thứ hai là có cơ chế hành chính cụ thể đối với những hành vi lợi dụng khiếu nại để trục lợi gây mất trật tự an toàn xã hội, vì khiếu kiện đông người thực chất là có những cuộc khiếu kiện giăng cờ biểu ngữ đi dọc đường cũng như đến tại trụ sở cơ quan thì biến tướng, thực chất đó là cuộc biểu tình và tôi đồng ý với đại biểu Thúy ở Đà Nẵng là chúng ta cũng phải hoàn thiện dần, sau đó đưa quy định vào để điều chỉnh vấn đề này.

Thứ ba trong việc giải quyết khiếu nại đông người, tôi đề nghị phải quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan khi tham gia giải quyết khiếu nại đông người. Hiện nay chúng ta cũng chưa quy định cụ thể mà tính chất chung chung, do đó trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại đông người cũng chưa được hiệu quả lắm, nên tôi đề nghị như vậy.

Vấn đề thứ sáu, tôi đề nghị cần có quy định cụ thể về việc cùng một việc khiếu nại, nhưng đủ điều kiện để cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên cũng như cơ quan Tòa án thụ lý thì chúng ta phải có quy định cụ thể trong việc đó để làm sao tránh tình trạng công dân vừa gửi cho cơ quan hành chính Nhà nước và vừa gửi cho Tòa án thì Tòa án cũng vừa thụ lý thì nó đủ điều kiện để thụ lý và cơ quan hành chính Nhà nước cũng thụ lý để giải quyết theo thủ tục hành chính. Báo cáo Ban soạn thảo, đề nghị phải quy định rõ để tránh tình trạng có những khiếu nại khi công dân gửi tới thụ lý hai lần, giải quyết rất tốn kém, rất mất thời gian.

Cuối cùng về công tác giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Tôi đề nghị cần quy định cụ thể chế tài như ý kiến của đại biểu Hà, đoàn Hà Nội, đó là phải quy định rõ khi vi phạm phải thực hiện theo đúng Điều 41 của Luật khiếu nại, tố cáo. Bởi vì thực tế việc chuyển đơn cũng như thực hiện kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong thời gian vừa qua chưa thực sự nghiêm túc. Tất cả những kết luận giám sát cũng như chuyển đơn đề nghị giải quyết của các cơ quan hầu như không được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và người có thẩm quyền giải quyết một cách đúng thời gian, đúng quy định của pháp luật. Do đó tôi đề nghị phải nâng cao chế tài để phát huy tác dụng của công tác giám sát của Quốc hội, cũng như các cơ quan của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội hơn nữa trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trên đây là một số ý kiến của tôi tham gia vào dự thảo Luật khiếu nại. Xin cảm ơn Quốc hội. Xin hết.

Một phần của tài liệu 15-11c (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(45 trang)
w