Ngô Minh Hồng TP Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu 15-11c (Trang 38 - 40)

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội, về dự thảo Luật khiếu nại tôi xin có một số ý kiến như sau:

Tôi đồng ý với các ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước tôi về vấn đề quyết định hành chính. Trong Điều 1, Khoản 8 khi chúng ta nói quyết định hành chính thường trong ngữ cảnh có hai nghĩa, một là động từ, hai là một danh từ thể hiện hình thức thể hiện của hành vi hành chính. Thông thường nếu chúng ta không

cẩn thận thì các cơ quan hành chính thường vin vào cớ đây không phải là một quyết định cho nên từ chối giải quyết khiếu nại hoặc tòa án từ chối xử lý như đã từng xảy ra, tôi đề nghị việc này chúng ta phải cẩn thận mặc dù Luật tố tụng hành chính đã cho phép chúng ta xem xét tại văn bản khác không phải dưới hình thức quyết định nhưng có nội dung của một quyết định hành chính.

Điều 4 khi nói về nguyên tắc áp dụng của luật này đối với các cơ quan sự nghiệp công lập và các cơ quan khác ở Khoản 2 và Khoản 3, ở đây có một điều mà tôi nhất trí vì với đặc thù của hệ thống chính trị chúng ta hiện nay rất khó tách bạch, tuy nhiên phải làm thế nào cho rõ. Ví dụ như trong đơn vị sự nghiệp công lập, sáng nay chúng ta đã thông qua Luật viên chức, trong này có mối quan hệ trong nội bộ rõ ràng chúng ta phải giải quyết khiếu nại. Ví dụ như vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, kỷ luật v.v... nhưng cũng có sự giằng kéo đối với pháp luật lao động sẽ chuyển sang tòa lao động. Ở đây chúng tôi xin lưu ý làm như thế nào đó không thì sau này trong thực tiễn sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết, rồi lại có tình trạng đùn đẩy.

Thứ hai là mối quan hệ khác, đó là quan hệ giữa đơn vị công lập với người sử dụng dịch vụ công, ở đây có những luật đã giải quyết, ví dụ như Luật khám bệnh, chữa bệnh đã nói nhưng có những luật khác như Luật giáo dục thì không hề nói đến câu chuyện này, vậy thì quan hệ giữa giáo viên với học sinh, học sinh với thầy hiệu trưởng chẳng hạn như trong báo cáo thẩm tra có nói thì chúng ta giải quyết bằng mối quan hệ nào. Hay Luật công chứng chẳng hạn, Luật công chứng hiện nay chỉ nói về việc người ta có quyền khiếu nại đối với việc từ chối công chứng nhưng còn những hành vi khác của các công chứng viên thì người đứng đầu hoặc cơ quan chủ quản như Sở tư pháp chẳng hạn thì vẫn phải giải quyết mặc dù pháp luật không nói rõ vấn đề này chúng tôi đề nghị cũng cần phải làm rõ.

Thứ hai, Khoản 3 có nói về việc các cấp của cơ quan nhà nước khác, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức kinh tế hướng dẫn việc thực hiện luật này vào giải quyết khiếu nại của đơn vị mình. Tôi nghĩ ở đây có mấy vấn đề không rõ.

Thứ nhất là cơ quan nhà nước khác là những cơ quan nào? có bao hàm tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an, cơ quan quân đội hay không, vì trong đó có những hành vi hành chính nhất định đối với nội bộ trong quản trị của mình.

Thứ hai là những cơ quan này phải ở cấp nào chứ không phải cấp nào cũng được hướng dẫn mà cấp nào cũng hướng dẫn thì chắc chắn sẽ loạn. Tổ chức kinh tế hướng dẫn áp dụng cái này thì tôi nghĩ là không ổn. Đề nghị xem lại Khoản 3.

Về Khoản 5, Điều 10 tôi nghĩ chúng ta không nên nhắc là chúng ta cho hay không cho mà vào cách chúng ta giải quyết vấn đề là chúng ta cho hay không cho và cách giải quyết như dự thảo luật hiện nay là khéo léo. Tuy nhiên cách không đúng ở chỗ là chúng ta không cải cách thủ tục hành chính gì cả bởi vì một quyết định thu hồi đất thì những người khiếu nại cùng có chung một nội dung hết, chỉ có khác tên còn về giá đất, đền bù hỗ trợ tính chất cũng như nhau. Tuy nhiên khi tính cụ thể ra thì nó khác nhau, nhưng chúng ta phải chấp nhận một đơn có nhiều người ký với một tính chất thì chúng ta không nên bắt người ta phải viết nhiều đơn, dân ta trình độ dân trí có hạn, tự nhiên mình làm thế nào đó để dân người ta hiểu là

mình làm khó người ta. Đây là vấn đề tôi nghĩ chúng ta nên chấp nhận một đơn có nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung, tất nhiên khi chúng ta giải quyết phải ra quyết định cho từng người, không có vấn đề gì trong này. Khi khiếu nại đông người, chúng ta không nên nói là cho hay không cho cái đó là quyền của người ta, đây chẳng qua là cách của người ta thể hiện trên một đơn hay nhiều đơn.

Việc khác, về quyền của người khiếu nại, chúng tôi thấy quyền của người khiếu nại trong Điều 14 có những vấn đề không ổn. Khoản 1, Điểm a lại nhắc lại luật cũ mà hạn chế quyền của chúng ta, tại sao có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan không thể tự mình giải quyết khiếu nại phải ủy quyền cho người thân? Cái đó là quyền của người ta, người ta thích thì người ta ủy quyền chứ không bắt buộc phải do nhược điểm thể chất hoặc do lý do khách quan. Lúc đó phải biện luận với cơ quan Nhà nước là tại sao tôi phải ủy quyền? Đó là quyền của người ta, mà quyền là được ủy quyền, ta không nên hạn chế.

Điểm thứ hai, về Điểm 1b, ở đây có những điều chúng ta nói rất đương nhiên, Điểm 1b là được nhờ luật sư tư vấn, cái này là chuyện đương nhiên, người ta có quyền, Điểm 1i, 1k cũng là những việc đương nhiên như được khởi kiện tại Tòa hành chính, được rút đơn, chuyện này là chuyện đương nhiên, ta không nên ghi vào đây như thế này.

Về Điểm 1d, 1đ, tôi nhất trí với đại biểu Trần Đình Nhã, về vấn đề được sao chép, được yêu cầu cơ quan tổ chức quản lý thông tin, cung cấp thông tin, tư liệu. Tôi nghĩ cái này nó làm rối vấn đề, ở đây trong quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước thì nó có rất nhiều, ví dụ người dân người ta biết được về một văn bản tham mưu của một cơ quan chuyên môn nào đó đồng tình với ý kiến của người ta là chắc chắn người ta sẽ đi xin cái này. Theo tôi nên ở mức độ có quyền được yêu cầu cấp bản sao chụp mà người ta biết chắc bản đấy là cái gì thì cơ quan đó phải cấp, chứ còn đến mà yêu cầu sao chép, đến tôi lại phải phục vụ mấy ông này nữa thì còn thời giờ nào mà làm việc. Cho nên, chúng tôi đề nghị cần phải xác định vấn đề này.

Một điểm nữa về Điều 75, tôi đề nghị bỏ ý những quy định trước đây trái vớiluật này đều bãi bỏ, làm sao chúng ta biết cái nào trái với cái này, cái này cũng vi phạm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta phải nêu rõ là cái gì trái, chúng ta bỏ những điều gì, khoản gì, luật nào. Tôi sẽ gửi lại những ý kiến khác sau. Xin hết ý kiến, xin cám ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu 15-11c (Trang 38 - 40)