Kính thưa Quốc hội,
Tôi tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật, về sự cần thiết ban hành luật, về phạm vi điều chỉnh, cơ cấu của dự thảo, những quy định này có nhiều
điểm mới mang tính tích cực để giải quyết vấn đề khiếu nại mà lâu nay đã có nhiều tồn tại. Tôi xin tham gia một số vấn đề cụ thể:
Thứ nhất, về khiếu kiện đông người, Tờ trình của Chính phủ lý giải không chấp nhận khiếu kiện đông người vì cho rằng khiếu kiện đông người diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, có nội dung chung, có nội dung riêng, có tố cáo, có khiếu nại, cách giải quyết đối với từng vụ việc khác nhau. Như vậy cần hướng dẫn người viết đơn để giải quyết riêng, đặc biệt cho rằng đó là vấn đề nhạy cảm, vấn đề gây rối ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội. Giải thích như vậy tôi cho rằng có những điểm được, nhưng có nhiều điểm xuất phát từ thực tiễn chưa thỏa đáng, chưa thuyết phục, chưa thấy rõ nguyên nhân của tình hình, có phần né tránh và giải quyết như thế này tôi cho rằng có khi kéo dài, phức tạp gây tốn kém không phục vụ tốt cho công tác cải cách thủ tục hành chính. Theo tôi đây là vấn đề cần nghiên cứu để phân biệt các dạng khiếu kiện đông người khác nhau, đông người nhưng có nội dung khác nhau. Trong Tờ trình cũng nêu được có rất nhiều dạng khác nhau, chúng ta phải gom lại một số dạng cụ thể, đông người nhưng có nội dung giống nhau chung. Nhiều đại biểu trước tôi đã phát biểu đó là những nội dung liên quan đến giá đất, thu hồi đất, đền bù, quy hoạch sử dụng đất, sử dụng đất lúa vào mục đích đích khác. Trong trường hợp thứ hai như tôi đã nêu trên, giả sử có những trường hợp 100 người khiếu nại thì việc giải quyết khiếu nại phải có 100 hồ sơ, 100 lần thu thập tài liệu chứng cứ và tuân theo những thủ tục lặp đi, lặp lại giống nhau, 100 lần phải tiếp xúc và trao đổi với người ta và rồi cuối cùng mới thống nhất thì cũng có 100 quyết định, rõ ràng không cần thiết. Chúng ta không sợ lợi dụng kích động và trên thực tế có việc này, bởi vì chúng ta có pháp luật, chúng ta có bộ máy cơ quan Nhà nước, chúng ta tuyên truyền, giải thích làm cho mọi người hiểu rõ và thực hiện theo những quy định. Chúng ta chỉ ngại do trình độ đội ngũ cán bộ, rồi trách nhiệm của cán bộ công chức chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn, chưa hết trách nhiệm, thậm chí còn có việc làm sai. Chính vì vậy tôi đề nghị nghiên cứu kỹ và làm rõ vấn đề này để quy định vào trong điều luật.
Vấn đề thứ hai là trình tự giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 9. Tôi tán thành như dự thảo Khoản 1, Điều 9, đó là vấn đề phù hợp, tạo điều kiện cho người khiếu kiện thực hiện quyền tự do thực hiện hình thức giải quyết của mình. Song ở khoản này có điểm tôi chưa nhất trí, vì trong dự thảo có quy định "hoặc quá thời hạn mà khiếu kiện, khiếu nại không được giải quyết thì khiếu nại đến thủ trưởng trực tiếp cấp trên của người đã ra quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc kiện ra Tòa án hành chính", cái đó là đúng rồi. Theo tôi cần bỏ đoạn này và không quy định ở trong dự án luật vì quyết định hành chính, hành vi hành chính nếu như người ta khiếu kiện đến mình để giải quyết mà anh không giải quyết, để quá hạn thì điều đó ta không thể chấp nhận được. Đây là vấn đề cần phải tôn trọng người khiếu nại, tôn trọng pháp luật và anh không thực hiện trong phạm vi thời gian luật quy định, thì đó là không tròn nhiệm vụ công vụ được giao. Nhiều nơi diễn ra tình trạng như vậy thì không tuân thủ pháp luật không nghiêm là đúng rồi nhưng có một việc là dồn lên cấp trên, sẽ có nhiều vụ việc sẽ trở thành vấn đề phức tạp. Chính vì vậy, tôi đề nghị phải bỏ đoạn này, có nghĩa là không chấp nhận
hành vi quá thời hạn của người đã giải quyết, đã ra quyết định hành chính, hành vi hành chính mà không giải quyết, dù là phía sau có chế tài đối với họ.
Vấn đề thứ ba, chúng tôi thấy có một số điểm trong dự án luật cũng chưa thật khả thi mà một số đại biểu trước tôi đã phát biểu.Nhưng tôi xin nói riêng ở Điều 41: "xử lý vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại", điều này quy định thì cần thiết và tôi cho đây cũng là một điểm mới. Các hành vi quy định tại Khoản 1 tôi cho rằng cũng tương đối đầy đủ, nhiều hành vi ở khoản này cần được xử lý hình thức kỷ luật và với hình thức khiển trách là được. Nhưng ở đây liên quan đến Khoản 2, tôi cho rằng những hành vi diễn ra ở Khoản 1 không có hành vi nào là vô ý cả mà đây là cố ý, trong dự án luật nói là cố tình, tôi cho rằng là cố ý thôi. Có nhiều hành vi được quy định ở Khoản 1 cần được xem xét xử lý ở hình thức kỷ luật cao hơn.
Thứ hai, cần phải quy định cụ thể hơn, trường hợp nào xử lý ở Khoản 1, trường hợp nào xử lý ở Khoản 2, quy định như trong dự thảo tôi thấy hết sức khó, như thế là chung và sau này khó giải quyết. Cho nên tôi đề nghị cần nghiên cứu sâu hơn, đề cập cụ thể hơn với tình tiết, mức độ và tính chất khác nhau thì có thể giải quyết tốt được những việc quy định Điều 41 này. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.