Huỳnh Văn Tiếp TP Cần Thơ

Một phần của tài liệu 15-11c (Trang 29 - 31)

Kính thưa Quốc hội,

Các năm qua tình hình giải quyết khiếu nại tuy có nhiều tiến bộ nhưng việc giải quyết khiếu nại của người dân không giảm mà càng ngày càng tăng. Theo thống kê qua giải quyết cho thấy năm 2010 có 7.411 đơn khiếu nại là đúng, chiếm 15,4% và có 14.826 đơn khiếu nại có đúng, có sai, chiếm 30,8%. Từ số liệu thống kê trên cho thấy việc ban hành các quyết định hành chính còn nhiều quyết định chưa đúng pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân. Thực tế vừa qua việc đối thoại lần đầu để ra quyết định và lần hai để ra quyết định thì ít thực hiện.

Tôi thống nhất với Tờ trình của Chính phủ là cần ban hành Luật khiếu nại riêng, theo tôi quan điểm xây dựng Luật khiếu nại lần này phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại. Đồng thời phải đề cao trách nhiệm của cá nhân, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc ra quyết định giải quyết khiếu nại, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại và hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Đi vào cụ thể, tôi thống nhất Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, Khoản 2, Khoản 3 quy định: cố tình không giải quyết khiếu nại, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại gây hậu quả khó khắc phục hoặc giải quyết khiếu nại trái pháp luật, bao che cho người khiếu nại, can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết khiếu nại. Tình hình thực tế vừa qua vấn đề trên đã xảy ra và hiện nay có nhiều trường hợp người dân khiếu nại kéo dài không được giải quyết, giải quyết trái pháp luật hoặc bao che cho việc khiếu nại, công dân khiếu nại nhưng không được giải quyết chuyển lòng vòng hoặc có quyết định giải quyết không tổ chức thực hiện. Đây có phải là các hành vi bị cấm và được xử lý ở Điều 8 và Điều 41 của dự thảo, theo tôi là chưa khả thi cao vì người xem xét và là cơ quan xem xét giải quyết khiếu nại không thực hiện bao che, không kỷ luật hoặc xử lý cao hơn vì họ đều là những người nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước. Theo tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét cần có một cơ quan xử lý sai phạm nghiêm để xử lý tốt hơn.

Vấn đề tiếp theo, theo tôi không cần phải có khiếu nại lần đầu và lần 2 mà khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi vi phạm hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra tòa theo quy định của Luật tố tụng hành chính, Luật tố tụng hành chính tới đây ta đã ban hành vì tòa hành chính xét xử đảm bảo tính khách quan và đem lại niềm tin cho công dân hơn, rút ngắn thời gian giải quyết lòng vòng như thời gian qua. Đồng thời trong quá trình giải quyết xét xử, tòa có thể ra quyết định buộc hủy quyết định những quyết định tòa thấy sai và buộc phải khôi phục quyền.

Ở Điều 41 thì nhiều đại biểu đã phát biểu, tôi đề nghị áp dụng xử lý vi phạm các quy định về tình hình khiếu nại thì nâng lên áp dụng hình thức kỷ luật khiếu nại, cảnh cáo, hạ bậc lương với các khoản đã nêu trong điều luật từ khoản không tiếp nhận, nhất là khoản làm sai lệch hồ sơ trong quá trình giải quyết khiếu nại, ra quyết định khiếu nại trái pháp luật. Thực tế mà nói làm rõ việc cố tình vi phạm là rất khó, cho nên vừa qua nhiều người lợi dụng không bắt được việc cố tình này mà

đã làm sai phạm nhiều vấn đề, gây bức xúc trong dân. Tôi đề nghị áp dụng Khoản 1 ở trên ghi thêm là "cảnh cáo, kỷ luật" với trường hợp ở các khoản đã ghi. Còn ở Khoản 2 là "kỷ luật, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc" đối với trường hợp cố tình.

Vấn đề tiếp theo, ở Chương VII, tôi thống nhất với đại biểu vừa phát biểu là việc giám sát công tác giải quyết khiếu nại tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm là đại biểu Quốc hội cũng như thường trực hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà thực hiện giám sát thi hành pháp luật về khiếu nại. Xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu 15-11c (Trang 29 - 31)