Nhận xét và đánh giá chung

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng tại thành phố tuyên quang, tỉnh tuyên quang (Trang 31 - 32)

Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.3. Nhận xét và đánh giá chung

Tổng quan các vấn đề từ lý luận, thực tiễn và nghiên cứu liên quan đến phòng cháy rừng ngoài nước và trong nước cho thấy:

- Trên thế giới nghiên cứu về PCCCR được bắt đầu từ thế kỷ XX. Các kết quả nghiên cứu về bản chất của cháy rừng cũng chỉ ra 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển cháy rừng là thời tiết, loại rừng và hoạt động kinh tế - xã hội của con người và cũng khẳng định rằng, chưa có một yếu tố nào khác ngoài ba yếu tố trên. Về các kết quả nghiên cứu về dự báo nguy cơ chữa cháy rừng đều khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa điều kiện thời tiết với độ ẩm vật liệu cháy có khả năng xuất hiện cháy rừng. Hầu hết các phương pháp dự báo nguy cơ chữa cháy rừng đều tính đến đặc điểm diễn biến hàng ngày của các yếu tố khí tượng. Đến nay, vẫn chưa có phương pháp dự báo chung cho cả thế giới. Đối với các công trình phòng cháy rừng hiện nay, vẫn chưa đưa ra được phương pháp xác định tiêu chuẩn kỹ thuật cho các công trình phòng cháy rừng. Các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phòng cháy rừng trong thời gian qua, cũng chủ yếu làm giảm nguồn vật liệu cháy bằng các biện pháp trồng rừng hỗn giao và làm giảm nguồn vật liệu cháy bằng đốt trước.

- Trong nước nghiên cứu về phòng cháy rừng bắt đầu từ năm 1981, có nhiều phương pháp dự báo nguy cơ chữa cháy rừng khác nhau, trong đó vẫn

chưa tính đến đặc điểm của các trạng thái rừng, đặc điểm tiểu khí hậu và những yếu tố kinh tế - xã hội có liên quan ảnh hưởng tới cháy rừng ở địa phương. Đối với các công trình phòng cháy rừng hiện nay, còn rất ít nghiên cứu về hiệu lực các công trình cũng như phương pháp phòng cháy rừng. Song các công trình này, được xây dựng dựa vào tài liệu nước ngoài là chính. Đối với các biện pháp kỹ thuật lâm sinh phòng cháy rừng có nhiều mô hình trồng rừng hỗn giao giữa các loài cây trồng và có thể xem ba công trình thử nghiệm đốt trước vật liệu cháy rừng là tiêu biểu nhất. Tuy nhiên, các tác giả vẫn chưa định lượng được hiệu quả cũng như xác định được ảnh hưởng của đốt trước vật liệu cháy đến hoàn cảnh sinh thái và năng suất rừng, tính thuyết phục của biện pháp đốt trước vật liệu cháy rừng chưa cao.

Hiện nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào về PCCCR ở thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Trong quá trình xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của thành phố Tuyên Quang chưa bố trí được hợp lý các công trình PCCCR, hoặc tăng cường được những trang bị cần thiết và tổ chức được lực lượng PCCCR hợp lý ở các khu vực khác nhau trong địa bàn thành phố,... Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các hoạt động PCCCR của địa phương. Do đó cần có nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực này để giúp thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang có những giải pháp hiệu quả lâu dài trong công tác QLBVR nói chung và PCCCR nói riêng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy rừng tại thành phố tuyên quang, tỉnh tuyên quang (Trang 31 - 32)