Theo Tuấn Sơn (2006, Sức cạnh tranh - nhà xuất bản Lao động xã hội, Hà Nội), năng lực cạnh tranh của sản phẩmlà khả năng sản phẩm đó tiêu thụ được nhanh trong khi có nhiều người cùng bán loại sản phẩm đó trên cùng thị trường. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm được đo bằng thị phần của sản phẩm đó. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm phụ thuộc vào chất lượng của nó, giá cả, tốc độ cung cấp, dịch vụ đi kèm, uy tín của người bán, thương hiệu, quảng cáo, điều kiện mua bán, ...
Năng lực cạnh tranh của sản phẩm được đo bằng thị phần của sản phẩm cụ thể trên thị trường. Cạnh tranh sản phẩm thể hiện những lợi thế của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh.
Các chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh của sản phẩm bao gồm các chỉ tiêu cơ bản và các chỉ tiêu cụ thể.
Các chỉ tiêu cơ bản bao gồm giá thành và giá cả sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hệ thống phân phối và uy tín DN. Chỉ tiêu uy tín DN có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh sản phẩm, cho thấy mối quan hệ giữa năng lực cạnh tranh DN ảnh hưởng cơ bản và lâu dài đến năng lực cạnh tranh sản phẩm. Các chỉ tiêu đánh giá cụ thể năng lực cạnh tranh của sản phẩm bao gồm các
chỉ tiêu định lượng và các chỉ tiêu định tính.
- Các chỉ tiêu định lượng bao gồm những chỉ tiêu cơ bản: 1 - Thị phần của sản phẩm trên thị trường trong từng năm so với đối thủ cạnh tranh, có thể tính thị phần khi so với toàn bộ thị trường, so với phân đoạn (phân khúc) thị trường mà DN lựa chọn, so với đối thủ cạnh tranh mạnh nhất; 2 - Mức sản lượng, doanh thu tiêu thụ của mặt hàng đó trong từng năm so với đối thủ cạnh tranh; 3 - Mức chênh lệch về giá của mặt hàng so với đối thủ cạnh tranh.
- Các chỉ tiêu định tính bao gồm những chỉ tiêu cơ bản: 1 - Mức chênh lệch về chất lượng của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh; 2 - Mức độ hấp dẫn của sản phẩm về mẫu mã, kiểu cách so với các đối thủ cạnh tranh; 3 - Ấn tượng về hình ảnh nhãn hiệu hàng hóa của nhà sản xuất ra mặt hàng đó so với hàng hóa cùng loại của các đối thủ cạnh tranh.