Theo M. Porter (1980), một ngành (sản phẩm hay dịch vụ) là một nhóm DN sản xuất những sản phẩm hay dịch vụ mà những sản phẩm/dịch vụ này cạnh tranh trực tiếp với nhau. Ngành còn được định nghĩa là một nhóm các công ty chào bán một sản phẩm hay một danh mục sản phẩm hoàn toàn thay thế nhau được.
Khái niệm ngành khá trừu tượng và khó có thể tách bạch rõ ràng phạm vi ngành nên cạnh tranh ngành có ý nghĩa gần với cạnh tranh nhóm sản phẩm (như cạnh tranh ngành dệt may thực ra là cạnh tranh nhóm sản phẩm dệt may). Năng lực cạnh tranh của một ngành là khả năng đạt năng suất cao, sử dụng đầu vào thấp nhất để tạo được nhiều đầu ra nhất trong một ngành. Cũng có cách tiếp cận khác, năng lực cạnh tranh của một ngành là khả năng của ngành đó trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Cách tiếp cận này sát với thực tiễn khi người ta đánh giá so sánh năng lực cạnh tranh của một ngành giữa các quốc gia khác nhau.
Một số tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh ngành là mức lợi nhuận bình quân ngành, tỷ trọng của ngành trong cơ cấu kinh tế, các sản phẩm mũi nhọn của ngành, hệ số lợi thế so sánh hiện hữu (RCA - Revealed Comparative Advantage: xác định trên cơ sở tỷ lệ giữa tỷ trọng xuất khẩu một mặt hàng của một quốc gia trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó của quốc gia với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng đó của thế giới so với tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới trong một năm), tỷ lệ nội địa hóa, số lượng các bằng phát minh và sáng chế trong ngành, mức vốn đầu tư, tốc độ phát triển của ngành công nghiệp cơ bản và công nghiệp hỗ trợ.
Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh ngành, có thể chia theo các nhóm nhân tố sau: điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; trình độ phát triển khoa học - công nghệ; nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng; trình độ tổ chức quản lý ngành; thể chế kinh tế - xã hội.