Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp

Một phần của tài liệu những giải pháp cải thiện chỉ số chi phí không chính thức nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh khánh hòa (Trang 28 - 30)

Theo TS. Nguyễn Minh Tuấn (2010, Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) đã đưa ra khái niệm năng lực cạnh tranh của DN như sau: Năng lực cạnh tranh của DN là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút và sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt lợi ích kinh tế cao và đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.

Năng lực cạnh tranh của DN là việc khai thác, sử dụng thực lực và lợi thế bên trong, bên ngoài nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hoá dịch vụ hấp dẫn với người tiêu dùng để tồn tại và phát triển, thu được lợi nhuận ngày càng cao và cải tiến vị trí so với các đối thủ cạnh tranh.

Năng lực cạnh tranh của DN là khả năng DN tạo ra được lợi thế cạnh tranh, có khả năng tạo ra năng suất và chất lượng cao hơn đối thủ cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần lớn, tạo ra thu nhập cao và phát triển bền vững. Chủ thể cạnh tranh là các DN.

Năng lực cạnh tranh của DN là thể hiện thực lực và lợi thế của DN so với đối thủ cạnh tranh trong việc thoả mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi ngày càng cao hơn. Như vậy, năng lực cạnh tranh của DN trước hết phải được tạo ra từ thực lực của DN. Đây là các yếu tố tự thân của mỗi DN, không chỉ được tính bằng các tiêu chí về công nghệ, tài chính, nhân lực, tổ chức quản trị DN, … một cách riêng biệt mà cần đánh giá, so sánh với các đối tác cạnh tranh trong hoạt động trên cùng một lĩnh vực, cùng một thị trường. Những điểm mạnh và điểm yếu bên trong DN cần được đánh giá thông qua việc so sánh một cách tương ứng với các đối thủ cạnh tranh. Trên cơ sở các so sánh đó, muốn cải thiện năng lực cạnh tranh đòi hỏi DN phải tạo lập được lợi thế so sánh với đối thủ này. Nhờ lợi thế ấy, DN có thể thoả mãn tốt hơn các đòi hỏi của khách hàng mục tiêu cũng như lôi kéo được khách hàng của đối thủ cạnh tranh.

Thực tế cho thấy, trong nền KTTT, không có bất kỳ DN nào có khả năng thỏa mãn đầy đủ mọi yêu cầu của các khách hàng khác nhau bởi nguồn lực hữu hạn và DN có lợi thế mặt này nhưng hạn chế mặt khác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà DN không thể tạo dựng được năng lực cạnh tranh cho riêng mình, DN có thể tạo dựng được năng lực cạnh tranh thông qua việc tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ được xem là duy nhất, độc đáo với khách hàng, thỏa mãn nhu cầu của họ bằng những cách thức mà các đối thủ cạnh tranh khác không thể thực hiện được. Điều này đòi hỏi các DN phải tạo ra và giành lấy nhu cầu mới, gia tăng mạnh mẽ về giá trị cho khách hàng, giá cả thấp và giảm chi phí. Nhưng nếu chỉ dựa vào thực lực và lợi thế của mình e chưa đủ, bởi trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, lợi thế bên ngoài đôi khi là yếu tố quyết định. Thực tế chứng minh một số doanh nghiệp rất nhỏ, không có lợi thế nội tại, thực lực bên trong còn yếu nhưng vẫn tồn tại và phát triển trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Để đánh giá năng lực cạnh tranh của một DN cần xác định được các yếu tố phản ánh năng lực cạnh tranh từ những lĩnh vực hoạt động khác nhau và thực hiện đánh giá bằng cả định tính và định lượng. Các DN hoạt động sản xuất kinh doanh ở những ngành, lĩnh vực khác nhau có các phương pháp và tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khác nhau. Tổng hợp các trường phái lý thuyết, trên cơ sở quan niệm năng lực cạnh tranh của DN là khả năng bù đắp chi phí, duy trì lợi nhuận và được đo bằng thị phần của sản phẩm và dịch vụ trên thị trường, năng lực cạnh tranh của một DN có thể được xác định và đánh giá trên 4 nhóm yếu tố sau: 1 - Chất lượng, khả năng cung ứng, mức độ chuyên môn hoá các đầu vào; 2 - Các ngành sản xuất và dịch vụ trợ giúp cho DN; 3 - Yêu cầu của khách hàng về chất lượng hàng hoá, dịch vụ; 4 - Vị thế của DN so với đối thủ.

Một DN có thể sản xuất kinh doanh một hay nhiều sản phẩm, dịch vụ nên người ta còn phân biệt năng lực cạnh tranh của DN với năng lực cạnh tranh của sản phẩm/dịch vụ.

Một phần của tài liệu những giải pháp cải thiện chỉ số chi phí không chính thức nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh khánh hòa (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)