Theo Điều 47 (1) và Điều 63 (1), bên bị vi phạm có quyền gia hạn cho bên vi phạm một khoảng thời gian vượt quá thời hạn thực hiện nghĩa vụ ban đầu trong hợp đồng của bên vi phạm. Quy định này tương tự với quy định “Nachfrist” trong pháp luật Đức nên thường được các học giả gọi là “Nachfrist’62. Vai trò chính được xem xét của nó thường là hỗ trợ cho chế tài hủy bỏ hợp đồng. Hết thời hạn gia hạn này mà bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ hoặc bày tỏ rõ ràng rằng sẽ không thực hiện, bên có quyền có thể tuyên bố hủy bỏ hợp đồng mà không cần viện dẫn một vi phạm cơ bản (Điều 49 (1) (b) và Điều 64 (1) (b)). Ngoài ra, trong phạm vi nghiên cứu đề tài này, tác giả nhận thấy gia hạn thực hiện nghĩa vụ còn là quy định bổ sung cho quyền buộc thực hiện đúng hợp đồng theo Điều 46 và 62.
Khi gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ, bên có quyền phải đưa ra thông báo cho bên kia. Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn rằng bên bị vi phạm bắt buộc phải gia hạn thêm một khoảng thời gian thực hiện nghĩa vụ cho bên vi phạm mới có quyền yêu cầu buộc thực hiện đúng hợp đồng.
Thời gian gia hạn thêm phải phù hợp với yêu cầu theo Điều 47 (1) và Điều 63 (1), cụ thể phải là một khoảng thời gian “hợp lý”. Tính “hợp lý” được tính toán theo các yếu tố như: tính chất hàng hóa, khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên vi phạm, khoảng cách địa lý giữa các bên, thời gian các bên thỏa thuận ban đầu…và các yếu tố khác tùy từng trường hợp miễn rằng xem xét theo nghĩa vụ của bên vi phạm, bên này hoàn toàn đủ khả năng và bằng nỗ lực của mình hoàn thành nghĩa vụ bị vi phạm. Hai tuần cho việc giao 3 cái máy từ Đức đến Ai Cập được cho là quá ngắn bởi khoảng thời gian 7 tuần mới được xem là hợp lý63. Trong khi đó, 3-4 tuần để bên bán giao xe từ Đan Mạch đến Đức được xem là hợp lý64.
Thời điểm kết thúc thời gian được gia hạn hoặc thời điểm bên bị vi phạm nhận được câu trả lời về việc bên vi phạm không thực hiện nghĩa vụ chính là thời điểm chấm dứt tính khả thi của yêu cầu buộc thực hiện đúng hợp đồng.
1.3.2 Quyền tự khắc phục vi phạm của bên bán
Quyền tự khắc phục vi phạm của bên bán, bản thân nó là một quyền và không phải là điều kiện cho yêu cầu buộc thực hiện đúng hợp đồng. Quyền này của bên bán cùng mục đích với chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng đang được xem xét, đó là duy trì hợp đồng cũng như mối quan hệ “thiện chí” giữa các bên.