6. Cấu trúc của đề tài
1.1.4. Khái niệm về bài tập và vai trò của HTBT phát triểnNLGT cho HS
4 dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng
1.1.4.1. Khái niệm bài tập
Xoay quanh khái niệm về bài tập cũng có những quan niệm, định nghĩa khác nhau. Theo Nguyễn Hữu Châu: “Bài tập (Assigment) là những nhiệm vụ, công việc được giao cho mỗi nhóm hoặc mỗi cá nhân trong khuôn khổ một chương trình học tập nhằm rèn luyện kĩ năng hay tăng cường kiến thức cho người học” [2]. Trong sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo, thuật ngữ bài tập xuất hiện rất nhiều như: bài tập Toán, bài tập Tiếng Việt, bài tập Tiếng Anh... Theo nghĩa này, bài tập được hiểu là dạng bài học mô phỏng lại kiến thức và thao tác thực hành đã được giới thiệu nhằm mục đích vận dụng lí thuyết và rèn luyện kĩ năng cần thiết theo chương trình môn học. Theo đó, bài
tập được sử dụng chủ yếu trong hoạt động thực hành mà nhiệm vụ giải bài tập là một hình thức thực hành. Tuy nhiên, trước xu hướng đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy cao độ tính tích cực, tự giác, độc lập, sáng tạo trong nhận thức của người học thì phạm vi ứng dụng của bài tập rộng hơn nhiều. Nhiều quan điểm hiện nay cho rằng, bài tập không chỉ được dùng với mục đích giúp người học vận dụng những tri thức đã học, rèn luyện kĩ năng tương ứng mà còn giúp họ hình thành tri thức mới và phát triển các kĩ năng khác. Kế thừa và chọn lọc từ những quan niệm trên đây, tác giả luận văn cho rằng: Bài tập là các nhiệm vụ học tập mà GV đặt ra cho người học thực hiện, được trình bày dưới dạng câu hỏi hay những yêu cầu hoạt động buộc người học tái hiện những kiến thức, giải quyết vấn đề trên cơ sở những điều đã biết hoặc kết nối những kiến thức, giải quyết vấn đề dựa trên việc tìm kiếm phương pháp mới qua đó nắm vững tri thức, rèn luyện và phát triển kĩ năng.
Bài tập phát triển là một trong ba kiểu bài tập được phân loại dựa vào mục tiêu dạy học. Theo quan điểm của triết học, khái niệm “phát triển” chỉ sự thay đổi (tăng lên) về quy mô và chất lượng của một sự vật, hiện tượng. Với con người, phát triển vừa là mục đích, vừa là cách thức để thỏa mãn các nhu cầu tăng lên không ngừng, giúp con người nâng cao năng lực và góp phần hoàn thiện bản thân.
Từ quan niệm trên đây, có thể hiểu bài tập phát triển NLGT là kiểu bài tập hướng đến mục tiêu nâng cao NLGT cho HS bằng việc vận dụng tri thức về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội… nhằm tạo ra những biến đổi về chất (giá trị) trong nhận thức và hành động khi thực hiện kĩ năng giao tiếp.
1.1.4.2. Hệ thống bài tập và vai trò của HTBT phát triển NLGT cho HS lớp 4 dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng
Bài tập Tiếng Việt được coi như là một trong những đơn vị nội dung định hướng cho việc dạy học Tiếng Việt. Thông qua việc thiết kế HTBT và hướng dẫn HS làm bài tập, GV có thể kiểm tra kết quả hoạt động dạy của mình, HS
củng cố được những tri thức tiếng Việt vừa mới tiếp nhận và nắm vững các kĩ năng sử dụng tiếng Việt, từ đó nâng cao NLGT. Ngày nay, việc dạy học Tiếng Việt được xác định phải gắn bó chặt chẽ với việc hình thành và nâng cao khả năng giao tiếp cho HS. Điều này không chỉ là mục đích mà nó còn là phương thức trong dạy học Tiếng Việt. Việc dạy học Tiếng Việt phải quán triệt nguyên tắc hướng vào hoạt động giao tiếp, phải đảm bảo phục vụ cho việc phát triển NLGT cho HS. Dạy học Tiếng Việt sử dụng phương pháp giao tiếp như là phương pháp tổ chức dạy học cần thiết nhất. Phương pháp giao tiếp là phương pháp hướng dẫn HS vận dụng lí thuyết được học vào thực hiện các nhiệm vụ của quá trình giao tiếp, có chú ý đến đặc điểm các nhân tố tham gia vào hoạt động giao tiếp. Thực hành với bài tập tiếng Việt là một khâu trọng yếu có ý nghĩa quyết định đối với việc hình thành và phát triển NLGT và ứng dụng tiếng Việt trong đời sống của HS. Bởi vậy, bài tập Tiếng Việt nói chung và bài tập Luyện từ và câu được thiết kế dưới ánh sáng của lí thuyết giao tiếp sẽ thiết thực hiệu quả hơn đối với GV, HS, đặc biệt là HS DTTS.
1.1.4.3. Con đường phát triển NLGT cho HS DTTS
Trong quá trình phát triển NLGT cho HS, nhiều yếu tố tác động và ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giáo dục. Những yếu tố như năng lực giáo viên, tính tích cực và chủ động của HS, môi trường giáo dục và các yếu tố trong quản lý có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển NLGT cho HS dân tộc thiểu số.
Năng lực ngôn ngữ và văn hoá giao tiếp của giáo viên
Năng lực chuyên môn, năng lực ngôn ngữ, kỹ năng sư phạm và kỹ năng giao tiếp của giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng và hiệu quả của quá trình phát triển NLGT cho học sinh. HS tiểu học đến trường với sự mới mẻ, bỡ ngỡ, các em tiếp thu kiến thức, học theo, làm theo để hình thành thói quen và vận dụng thói quen đó. Bởi vậy, thầy giáo, cô giáo là “thần tượng”, là chuẩn mực để học tập và làm theo. Các em học và làm theo những gì giáo viên nói và
làm, vì vậy năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm tốt và kỹ năng giao tiếp như lời nói, cử chỉ, thái độ, hành vi ứng xử chuẩn mực và mô phạm của giáo viên sẽ tác động mạnh mẽ đến các em. Bên cạnh đó, yêu cầu giáo dục đòi hỏi giáo viên phải hiểu tâm lý HS tiểu học, hiểu vốn ngôn ngữ của các em để điều khiển và có sự điều chỉnh kỹ năng hành vi của trẻ. Như vậy, năng lực giáo viên thực sự quan trọng, có tính quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục nói chung, giáo dục kỹ năng giao tiếp nói riêng.
Tính tích cực chủ động của học sinh khi tham gia vào quá trình rèn luyện năng lực giao tiếp
Rèn luyện NLGT cho học sinh sẽ không hiệu quả nếu chỉ thông qua thuyết trình, giảng giải của giáo viên. Để quá trình giáo dục có hiệu quả thì phải tiến hành đồng thời giữa hoạt động của giáo viên và thông qua hành động, việc làm cụ thể của học sinh. Do đó, đòi hỏi học sinh phải tự giác, tích cực tham gia vào quá trình học tập, rèn luyện, phải có ý chí vượt khó, kiên trì và thường xuyên tập luyện. Với bản chất tâm lý con người là hoạt động nên kỹ năng giao tiếp của học sinh chỉ được hình thành thông qua hoạt động và bằng hoạt động. Quá trình hình thành NLGT được thực hiện theo cơ chế chuyển từ ngoài vào trong, giai đoạn đầu có thể mang tính cưỡng chế sau chuyển dần thành hành vi tự nguyện, tự giác. Vì vậy, đòi hỏi giáo viên có thái độ nghiêm nghặt trong quá trình tập luyện, rèn luyện NLGT cho học sinh, đồng thời có nghệ thuật giáo dục ý thức, động cơ tập luyện, tạo môi trường tập luyện an toàn, hiệu quả để thu hút người học tham gia. Hiệu quả của quá trình giáo dục nói chung, phát triển NLGT nói riêng, ngoài tác động có tính quyết định của giáo viên, đòi hỏi có sự tích cực, chủ động tham gia quá trình giáo dục của HS. Vai trò đó không thể thiếu và không kém phần quan trọng trong các quá trình giáo dục.
Môi trường rèn luyện năng lực giao tiếp
Môi trường rèn luyện NLGT cho học sinh tiểu học đóng vai trò là điều kiện cần và đủ để rèn luyện NLGT cho học sinh đạt hiệu quả cao. Môi trường
giáo dục bao gồm môi trường vật chất và môi trường tinh thần. Môi trường vật chất bao gồm các yếu tố vật chất như cơ sở vật chất, sân bãi, kinh phí... phục vụ cho việc giáo dục, rèn luyện NLGT cho học sinh; môi trường tinh thần là các yếu tố nhóm lớp, các quan hệ xã hội do giáo viên, cha mẹ, người lớn và môi trường cộng đồng tạo nên. Để rèn luyện NLGT cho học sinh có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa các môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội, trong việc tổ chức giáo dục kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Thầy cô giáo, cha mẹ học sinh và cộng đồng địa phương phải có sự thống nhất trong việc rèn luyện NLGT có văn hoá cho thế hệ trẻ. Môi trường giáo dục có vai trò quan trọng không nhỏ trong quá trình giáo dục và giáo dục có hiệu quả.
1.1.4.4. Phương pháp dạy học Tiếng Việt cho HS dân tộc Tày
Dạy Tiếng Việt cho HSDT Tày phải dựa trên đặc điểm tâm lý của HSDT Tày và hệ thống bài tập đưa ra phải gần gữi, quen thuộc với các em HS dân tộc Tày, mang đặc trưng vùng miền.
Thực tế, để phát triển NLGT cần rèn luyện cho HS 4 kỹ năng cần thiết là nghe, nói, đọc, viết để phát triển NKGT. Đối với HS dân tộc Tày, khi đến trường có số vốn từ tiếng Việt ít hơn HS dân tộc Kinh. HS người Kinh đã có vốn tiếng Việt cơ bản để tìm hiểu thế giới xung quanh. Các em được học một ngôn ngữ đã sử dụng trong khoảng 5 năm trước khi tới trường với một vốn từ khoảng 4.000 − 4.500 từ và những cấu trúc câu cơ bản. Ngoài ra, các em có thời gian và cơ hội sử dụng tiếng Việt liên tục với nhiều người và nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống ngoài nhà trường. Còn HS dân tộc thì khác, trước khi đi học các em mới chỉ nắm vững tiếng Tày và phát triển nhận thức bằng tiếng Tày chứ không phải bằng tiếng Việt. Vốn tiếng Việt của các em rất ít, nếu có một chút vốn tiếng Việt lại chưa chuẩn xác trong cách phát âm và sử dụng. Khi đến trường các em mới bắt đầu học tiếng Việt và các em phải học tiếng Việt trên cơ sở kinh nghiệm của tiếng Tày.