Khái niệm “dạy học theo vấn đề”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng dạy học theo vấn đề để dạy học chương chuyển hóa vật chất và năng lượng trong tế bào (sinh học 10 THPT)​ (Trang 25 - 29)

8. Cấu trúc của luận văn

1.3.1. Khái niệm “dạy học theo vấn đề”

DHTVĐ là một phương pháp dạy học hay là một hình thức tổ chức dạy học? Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời được chấp nhận rộng rãi, vì có nhiều quan điểm khác nhau. Trước hết, chúng ta tìm hiểu quá trình sử dụng thuật ngữ “Dạy học theo vấn đề”.

Ở nhiều nước, các nhà giáo dục đã dùng các thuật ngữ sau: - Dạy học nêu vấn đề (Problem posing instructon).

- Dạy học giải quyết vấn đề (Problem solving instruction).

- Dạy học đặt và giải quyết vấn đề (Problem posing and solving instruction). Dạy theo vấn đề (Problem based instruction) viết tắt là PBI hoặc Học theo vấn đề (Problem based Learning) viết tắt là PBL.

* Dạy học nêu vấn đề (Problem posing instructon).

Ở Việt nam từ năm 1960, giáo viên đã làm quen với thuật ngữ “dạy học nêu vấn đề”. Dùng thuật ngữ “Dạy học nêu vấn đề” có nghĩa là tập trung vào khâunêu ra vấn đề, tạo tình huống có vấn đề để tạo động lực tâm lý thu hút chú ý của học sinh vào nhiệm vụ nhận thức.

Có ý kiến cho rằng dùng thuật ngữ “nêu vấn đề” là chưa thành công vì có thể gây hiểu lầm là giáo viên chỉ nêu ra vấn đề để học sinh tham gia giải quyết, do đó đề nghị thay “nêu vấn đề” bằng “gợi vấn đề” [6]. Thực ra, cần tập dượt cho học sinh biết phát hiện vấn đề, tự mình đặt ra vấn đề để giải quyết, đó mới là nét cơ bản của cách dạy học này.

Như vậy, trước những năm 90 của thế kỷ XX, trong dạy học quen dùng thuật ngữ “dạy học nêu vấn đề”. Thuật ngữ này dùng trong giai đoạn mà xu thế chung là “đặt giáo viên vào trung tâm của quá trình dạy học”, hơn nữa trong giai đoạn đó các nhà sư phạm quan tâm nhiều đến kỹ thuật tạo ra tình huống có vấn đề.

* Dạy học giải quyết vấn đề (Problem solving instruction).

Dùng thuật ngữ “Dạy học giải quyết vấn đề” có nghĩa là nhấn mạnh khâu giải quyết vấn đề đặt ra, coi đây là khâu chủ yếu. Nếu học sinh được tham gia vào khâu này thì sẽ vừa nắm vững kiến thức, vừa nắm vững phương pháp đi tới kiến thức đó để phát triển tư duy.

* Dạy học đặt và giải quyết vấn đề (Problem posing and solving instruction). Gần đây một số nhà sư phạm dùng thuật ngữ “dạy học đặt và giải quyết vấn đề” tức là coi trọng cả hai khâu tập dượt cho học sinh phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề gặp phải, đó là một năng lực cần có trong cuộc sống hiện đại [6].

* Dạy học theo vấn đề (Problem based instruction)

Richard I. Arends dùng thuật ngữ “dạy học theo vấn đề (Problem based instruction) viết tắt là PBI, gần đây ông lại dùng thuật ngữ “Học theo vấn đề” (Problem based Learning) [21].

Tên khác của dạy học theo vấn đề là: “dạy học theo dự án” (Project based Learning); “học trong thực tế” (authentic learning) và “dạy học theo phương pháp móc nối” (anchored instruction).

DHTVĐ khác với dạy học truyền đạt của GV - phương pháp mà ở đó giáo viên giữ vai trò là chính. Để thực hiện được dạy học theo vấn đề thì giáo viên phải đưa ra vấn đề, tạo ra tình huống có vấn đề và hệ thống câu hỏi kèm theo để tạo điều kiện thuận lợi cho HS trong việc nhận thức, qua trao đổi về vấn đề và qua định hướng của giáo viên bằng các câu hỏi.Điều quan trọng nhất giáo viên phải đưa ra được khung nội dung cần truyền đạt nhờ đó giúp học sinh tự nhận thức và phát triển qua tranh luận.

DHTVĐ chỉ xảy ra khi GV tạo được không khí trao đổi trung thực, cởi mở trong lớp học. Trong một khía cạnh nào đó dạy học theo vấn đề gần giống với phương pháp dạy học bằng trao đổi (hỏi đáp). Chú ý rằng DHTVĐ đề tương tự với dạy học theo hội thoại mà học sinh tự tìm thấy kiến thức thông qua sự tìm tòi của học sinh chứ không phải là do GV truyền đạt. Bằng phương pháp này GV sẽ trình bày được các khía cạnh chi tiết cuả bài học.

Theo chúng tôi, các thuật ngữ “dạy học nêu vấn đề”, “dạy học giải quyết vấn đề”, “dạy học đặt và giải quyết vấn đề” hay “dạy học theo vấn đề”... là những cách gọi khác nhau của cùng một nội hàm với những cách tiếp cận khác nhau mang tính lịch sử. Mỗi cách tiếp cận nhấn mạnh vào một khâu nào đó của quá trình phát hiện vấn đề - giải quyết vấn đề - kết luận. Trong cuốn sách này chúng tôi thống nhất dùng thuật ngữ “dạy học theo vấn đề”.

DHTVĐ đề không chỉ thuộc phạm trù phương pháp dạy học, mà nó còn thuộc phạm trù nội dung và hình thức tổ chức dạy học. Riêng trong phạm vi phương pháp dạy học, nó có khả năng thâm nhập vào hầu hết các phương pháp dạy học khác và làm cho tính chất của chúng trở nên tích cực hơn.

Các thuật ngữ “dạy học nêu vấn đề”; “dạy học giải quyết vấn đề”; “dạy học đặt và giải quyết vấn đề” và “dạy học theo vấn đề”. Những định nghĩa về “dạy học nêu vấn đề” là định nghĩa chung cho các khái niệm có cùng một nội hàm.

Theo V.Okon “Dạy học nêu vấn đề là tập hợp những hành động như tổ chức tình huống có vấn đề, phát biểu các vấn đề … giúp đỡ cần thiết cho học sinh trong việc giải quyết vấn đề, kiểm tra những phép giải đó và cuối cùng điều khiển quá trình hệ thống hoá và củng cố những kiến thức thu được” [15].

Định nghĩa này của V.Okon nêu đầy đủ các khâu của dạy học nêu vấn đề: tổ chức tình huống có vấn đề; phát biểu vấn đề; giải quyết vấn đề; kiểm tra những cách giải quyết vấn đề.

Theo T.V Cuđriaxep "Dạy học nêu vấn đề bao gồm việc tạo ra trước học sinh những tình huống có vấn đề làm cho các em ý thức được và giải quyết những tình huống này có trong quá trình hoạt động chung của học sinh và giáo viên, với tính tự lực cao nhất của học sinh và dưới sự chỉ đạo chung của giáo viên".

Định nghĩa của T.V Cuđriaxep về dạy học nêu vấn đề lại chú ý nhiều hơn tới yếu tố tạo ra một tâm lý phấn khởi trong quá trình nhận thức của học sinh thông qua việc nêu vấn đề và giải quyết vấn đề.

Theo I.Lecne, “Dạy học nêu vấn đề giúp học sinh không những với vấn đề, cách giải quyết các vấn đề với bản chất của chúng, với lĩnh vực và biện pháp ứng dụng chúng, cũng giống như khi tiến hành phương pháp dạy học giải thích minh hoạ, mà còn giúp tìm hiểu cả logic, đôi khi có chứa mâu thuẫn của sự tìm tòi những cách giải quyết này”.

I.Lecne đã quan tâm nhiều đến yếu tố hình thành phương pháp nhận thức của học sinh.

Theo I.F. Kharlamop “Dạy học nêu vấn đề là sự tổ chức quá trình dạy học bao gồm việc tạo ra tình huống có vấn đề trong giờ học, kích thích học sinh nhu cầu giải quyết những vấn đề nảy sinh, lôi cuốn các em vào hoạt động nhận thức tự lực nhằm nắm vững kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo mới, phát triển tính tích cực trí tuệ và hình thành cho các em năng lực tự mình thông hiểu và lĩnh hội thông tin khoa học mới”.

I.F.Kharlamop cho rằng cần phải bổ sung vào những định nghĩa trên một nội dung là: “học sinh không những phải lĩnh hội kiến thức một cách tích cực hơn mà còn phải thông hiểu bản thân quá trình học tập, nắm vững các biện pháp và thủ thuật học tập”.

Theo N.M.Skatkin, cái lõi của dạy học nêu vấn đề là tạo ra tình huống có vấn đề, tiến hành giải quyết vấn đề được đặt ra, kết quả là học sinh tiếp nhận tri thức một cách chủ động, tích cực [11].

Dạy học theo vấn đề là một tiếp cận lý luận dạy học hiện đại, nó không phải là một phương pháp dạy học cụ thể đơn nhất mà là một phức hợp dạy học chuyên biệt hoá, tức là một tập hợp nhiều phương pháp dạy học liên kết chặt chẽ và tương tác với nhau, trong đó phương pháp xây dựng bài toán nhận thức giữ vai trò trung tâm chủ đạo, gắn bó các phương pháp dạy học khác nhau trong tập hợp lại thành hệ thống toàn vẹn [19].

Trong module Dạy học dựa trên giải quyết vấn đề các tác giả đã dịnh nghĩa DHTVĐ (dạy học dựa trên giải quyết vấn đề) “là dạy học dựa trên vấn đề thực tiễn có liên quan đến người học và có liên quan đến nội dung học tập đã được quy định trong “chuẩn kiến thức, kĩ năng”. Trên cơ sở đó người học tự chiếm lĩnh tri thức và phát triển các năng lực như lập kế hoạch, tự định hướng học tập, hợp tác, các kĩ năng tư duy bậc cao, kỹ năng sống”…[10]

Như vậy, DHTVĐ là một mô hình dạy học lấy người học làm trung tâm, thông qua một hệ thống vấn đề nhận thức có chứa mâu thuẫn. HS tự tiến hành nghiên cứu, tích hợp lý thuyết, thực hành, kĩ năng và thái độ, động cơ để tự mình giải quyết những vấn đề đó, dưới sự hỗ trợ, định hướng của GV. Qua đó kích thích học sinh tích cực, tự giác và chủ động hơn trong việc dành lấy kiến thức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vận dụng dạy học theo vấn đề để dạy học chương chuyển hóa vật chất và năng lượng trong tế bào (sinh học 10 THPT)​ (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)