Kỹ thuật và các thuật toán phát hiện sự thay đổi ở các giai đoạn khác nhau của các đối tượng trên ảnh viễn thám đã được thiết lập dựa trên sự phát triển công nghệ viễn thám về các đặc tính không gian, phổ, nhiệt và thời gian. Hai phương pháp phổ biến phát hiện sự thay đổi trên dữ liệu ảnh vệ tinh đó là so sánh sự khác biệt trên ảnh và sau phân loại.Trong nghiên cứu này, phương pháp so sánh sau phân loại được áp dụng để phát hiện thay đổi hiện trạng sử dụng đất và độ che rừng. Dữ liệu ảnh Landsat được sử dụng để phân tích thay đổi gồm các ảnh Landsat năm 2001, 2008 và 2015 đánh giá sự thay đổi hiện trạng đất lâm nghiệp khu vực nghiên cứu.
Ảnh viễn thám sau khi được tham chiếu hệ toạ độ thực, các đối tượng được lựa chọn cho phương pháp phân loại đối tượng là những đối tượng trên ảnh có dạng hình đồng nhất. Đề tài sử dụng các quy tắc dựa trên các thuộc tính đối tượng gồm dạng vùng, độ chặt, kích thước, tỷ lệ kênh phổ và mức độ trật tự sắp xếp để loại bỏ một số đối tượng nhiễu không mong muốn hay phần đất liền hoặc đối tượng nước. Rừng là một bộ phận của hệ thống tự nhiên, bởi sự tồn tại và phát triển của nó phụ thuộc những quy luật tự nhiên, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau trong hệ thống tự nhiên như địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, sinh vật v.v... Do quan hệ chặt chẽ với các yếu tố tự nhiên nên theo quan điểm hệ thống có thể xem những giải pháp quản lý rừng như là những giải pháp điều khiển hệ thống tự nhiên theo hướng thúc đẩy sinh trưởng, phát triển và hình thành năng suất của hệ sinh thái rừng. Rừng cũng là một bộ phận của hệ thống kinh tế vì sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với các hoạt động kinh tế của con người như trồng rừng, khai thác lâm sản, làm nương,
đốt rẫy, săn bắt động vật, v.v...các hoạt động này lại phụ thuộc vào mức sống, cơ cấu ngành nghề, nhu cầu thị trường, khả năng đầu tư, lợi nhuận…Ngoài ra, rừng cũng tác động mạnh mẽ tới các yếu tố kinh tế thông qua cung cấp nguyên liệu, năng lượng và thông tin cho nhiều hoạt động kinh tế của con người. Nó có tác động tới nhiều yếu tố của hệ thống kinh tế từ sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu dùng, tích luỹ…Vì quan hệ chặt chẽ với các yếu tố trong hệ thống kinh tế nên có thể quản lý rừng bằng việc tác động vào những yếu tố kinh tế. Đây là lý do vì sao việc nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế đến hiệu quả của các hoạt động quản lý rừng và xây dựng những giải pháp kinh tế cho quản lý rừng được xác định như một trong những nhiệm vụ chủ yếu của đề tài.
Trong đề tài này các giải pháp quản lý rừng luôn hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và được lồng ghép với những hoạt động phát triển kinh tế xã hội khác. Đề tài hướng vào xây dựng những giải pháp quản lý rừng dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững của địa phương nên nó được thực hiện theo logic chung của những nghiên cứu phát triển, đó là phân tích thực trạng của quản lý rừng, xác định những nguyên nhân chủ yếu cản trở hoặc thúc đẩy cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng, xác định những nguyên nhân chủ yếu cản trở hoặc thúc đẩy cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ rừng. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp lôi cuốn cộng đồng vào hoạt động quản lý rừng phù hợp với địa phương. Đây là lý do vì sao trong đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu có sự tham gia, một trong những phương pháp chủ đạo của những nghiên cứu phát triển hiện nay.