Về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, chưa đầy đủ và đồng bộ cho các hoạt động về công nghệ. Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ. Các cơ chế chính sách hiện nay về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực công nghệ tài chính trong thanh toán, chưa đầy đủ và đồng bộ cho các lĩnh vực tài chính khác. Chính phủ đã ban hành luật giao dịch điện tử năm 2005, luật công nghệ thông tin năm 2006 và mới nhất là luật an ninh mạng; Nghị định 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định 35/2007/NĐ-CP ngày 08/03/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động Ngân hàng; Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 18/2018/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng song những quy định đó vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động và phát triển dưới xu thế CMCN 4.0. Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách liên quan đến các dịch vụ, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới, hiện đại, tiền ảo, thẻ ảo, tiền điện tử... là những vấn đề mới, phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Về trình độ dân trí, đại bộ phận dân chúng chưa được phổ cập kiến thức về bảo mật thông tin cá nhân và những kiến thức cơ bản về sử dụng các sản phẩm dịch vụ công nghệ nói chung và ngân hàng nói riêng. Điều này tạo ra những lỗ hổng trong bảo mật thông tin tài khoản của người dùng và của cả các ngân hàng. Ngoài ra, khách hàng ngần ngại sử dụng vì họ e ngại hoặc cho rằng dịch vụ này không an toàn, chắc chắn. Đây là khó khăn gặp phải của khá nhiều ngân hàng khi thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ.
Về cơ sở hạ tầng công nghệ ngân hàng của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ liên quan đến bảo mật. Do nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng CNTT rất lớn, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều tổ chức đang trong tiến trình sáp nhập, hoặc tái cơ cấu,... ảnh hưởng đến kế
hoạch phát triển chung và kế hoạch phát triển hạ tầng CNTT của từng ngân hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo an toàn thông tin của các ngân hàng.
Về chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng còn hạn chế, chưa đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu mong muốn của khách hàng. Rủi ro về hoạt động có thể phát sinh do Hệ thống ngân hàng điện tử không đảm bảo sự thống nhất và đáng tin cậy cần thiết, do tấn công của những kẻ đột nhập hệ thống điện tử từ bên ngoài hoặc bên trong nhằm tác động lên các sản phẩm hoặc hệ thống của ngân hàng. Ngoài ra, những rủi ro hoạt động còn có thể phát sinh do nhầm lẫn của khách hàng do các Hệ thống ngân hàng điện tử bị thiết kế hoặc triển khai không hoàn chỉnh. Rủi ro uy tín là rủi ro dư luận đánh giá xấu về ngân hàng gây khó khăn nghiêm trọng cho ngân hàng trong việc tiếp cận các nguồn vốn hoặc khách hàng rời bỏ ngân hàng.
Về chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam chưa xây dựng được chiến lược đào tạo nguồn nhân lực ngành ngân hàng, chiến lược phát triển của ngân hàng chưa thực sự phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực của chính các ngân hàng, thiếu các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngân hàng do chưa có sự phối hợp giữa đào tạo chuyên gia công nghệ thông tin và chuyên gia tài chính ngân hàng. Còn có lỗ hổng nhất định về kiến thức trong đào tạo: Thực tế cho thấy nguồn nhân lực vẫn còn có những lỗ hổng về kiến thức chuyên ngành, quản trị, quản lý và đầu tư, bên cạnh đó, khối kiến thức bổ trợ như ngoại ngữ, tin học, giao tiếp đối với khách hàng vẫn còn yếu kém. Chương trình đào tạo còn mang nặng tính hàn lâm, chưa mang tính ứng dụng cao cho nên sinh viên khi ra trường còn phải đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu công việc thực tế, thiếu tính hiện đại, liên thông quốc tế, kiến thức vẫn còn những môn học của thời kỳ bao cấp.
Nguồn nhân lực được đào tạo còn thiếu kỹ năng mềm: Khả năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng ứng xử...của nguồn nhân lực ngành ngân hàng còn nhiều yếu kém, đặc biệt là sinh viên mới ra trường.
Chưa có sự liên kết chặt chẽ hai nhà, giữa các trường học và các ngân hàng: Suy cho cùng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng để cung cấp cho ngân hàng, doanh nghiệp và xã hội, nguồn nhân lực được đào tạo ra phải đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngân hàng. Tuy nhiên thời gian qua, chưa có sự tham gia sâu rộng của các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ngân hàng.
Về việc tuyển dụng, đặc biệt là tại một số NHTM nhà nước còn chưa thực sự khách quan, công tâm, cơ chế thi đua khen thưởng còn có tính chất chủ quan, cào bằng, chưa thực sự là động lực thúc đẩy người lao động hăng hái thi đua hoàn thành nhiệm vụ.
Chưa xây dựng được dự báo chuẩn về nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.
Chưa có bộ quy tắc chuẩn mực về các chức danh công việc và tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với đội ngũ cán bộ ngân hàng.
Về an ninh, bảo mật của Hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán và vấn đề bảo mật thông tin, về phòng chống các loại tội phạm công nghệ cao gặp nhiều hạn chế về trình độ, năng lực, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin… cũng là những vấn đề làm đau đầu các nhà quản trị ngân hàng. Nhiều đơn vị chưa có bộ phận an ninh thông tin chuyên trách, chưa xây dựng kịch bản và qui trình phản ứng cụ thể trước các sự cố an ninh CNTT trong đơn vị; Chưa có bộ phận điều phối ứng cứu sự cố anh ninh trong toàn Ngành.
Có thể thấy, CMCN 4.0 là xu hướng phát triển tất yếu của hoạt động ngân hàng trong thời gian tới. Với thị trường nhiều tiềm năng và những hạn chế đã nói trên, Việt Nam cần một hệ thống giải pháp cụ thể và nhanh để thúc đẩy Hệ thống ngân hàng phát triển theo kịp các nước trong khu vực.
TÓM TẮT CHƯƠNG 2
Trong chương 2, luận văn đã khái quát về Hệ thống ngân hàng Việt Nam từ sơ lược lịch sử hình thành, danh sách ngân hàng hiện có đến tình hình hoạt động và quy mô của Hệ thống ngân hàng. Từ đó thấy được thực trạng tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến Hệ thống ngân hàng, để tác giả có cái nhìn toàn diện hơn về Hệ thống ngân hàng dưới xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0 có những mặt tích cực và tiêu cực nào. Đồng thời có những đánh giá chung về kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế. Điều này làm cơ sở để đưa đưa ra được những định hướng và giải pháp cũng như một số khuyến nghị cho Hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển kịp với xu thế chung trước làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0.
CHƯƠNG 3 KHUYẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM DƯỚI XU THẾ CÁCH MẠNG
CÔNG NGHIỆP 4.0