Nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả của các trang trại ở Văn Bàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại ở huyện văn bàn tỉnh lào cai (Trang 69 - 72)

4. Những đóng góp của luận văn

3.2.4. Nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả của các trang trại ở Văn Bàn

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các trang trại ở Văn Bàn trong đó phải kể đến các nguyên nhân sau:

- Một là: Thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh

Thiếu vốn - là vấn đề đang gặp phải ở hầu hết các trang trại ở Văn Bàn, mặc dù Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ nhưng quá trình thực hiện ở địa phương còn gặp nhiều vấn đề tồn tại. Vốn của các trang trại hiện tại phần lớn là vốn tự có của gia đình tích luỹ qua nhiều năm góp lại, còn lại vay anh em, bạn bè, người thân. Vốn vay ngân hàng rất ít, một mặt do cơ chế, mặt khác do thời gian và lãi suất tiền vay chưa phù hợp với chu kỳ kinh

doanh của các cây trồng trong trang trại, đặc biệt là cây lâm nghiệp. Đây là một vấn đề nan giải đối với các chủ trang trại cần được địa phương, Nhà nước quan tâm.

Do thiếu vốn nên ảnh hưởng rất nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của trang trại như: tư liệu sản xuất chủ yếu thô sơ, thủ công, chưa đầu tư được những cây giống, con giống tốt, hệ thống tưới nước... để cho năng suất cao. Về quy mô vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của trang trại nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển KTTT. Vì vậy, dẫn đến tình trạng sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của trang trại.

- Hai là: Trình độ của chủ trang trại chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất kinh doanh.

Số liệu tổng hợp từ kết quả điều tra cho thấy, trình độ của chủ trang trại hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển KTTT. Chủ các trang trại đều là nông dân, trình độ học vấn và trình độ chuyên môn còn hạn chế. Bên cạnh đó việc đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ chưa được quan tâm. Vì thế bước vào kinh doanh trong cơ chế thị trường không khỏi có những lúng túng, bế tắc, đôi khi mò mẫm trong sản xuất kinh doanh nên hiệu quả chưa cao.

Hình thành chủ yếu do tự phát, trình độ chủ trang trại còn nhiều hạn chế, bởi vậy việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong trang trại của mình là hết sức khó khăn. Nhưng nhìn rộng ra ta thấy đây không chỉ là khó khăn của riêng chủ trang trại mà xét trên phạm vi rộng hơn của địa phương như xã, huyện, tỉnh... Đây cũng là một vấn đề nan giải mà họ đang gặp phải trong việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế địa phương. Trong cơ chế thị trường, việc xác định trồng cây gì, nuôi con gì với cơ cấu như thế nào đang là bài toán khó đối với các chủ trang trại và các địa phương.

Hiện tại, các chủ trang trại với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", thực hiện "nông lâm kết hợp" đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh để tạo thu nhập, tránh rủi ro, lãi từ hoạt động này bù lỗ cho các hoạt động khác. Tuỳ theo thế mạnh từng trang trại (địa hình, vị trí, khả năng về vốn v.v) chủ trang trại xác định hướng kinh doanh phù hợp, phần lớn vẫn đang trong quá trình mò mẫm, tìm tòi, thử nghiệm để tìm ra hướng kinh doanh ổn định. Do đó dẫn đến tình trạng nguồn thu vụn vặt, khó khăn cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản và tìm thị trường tiêu thụ.

- Ba là: Yếu tố thị trường

Thị trường là một yếu tố quan trọng đối với sản xuất kinh doanh của KTTT. Trong đó có cả yếu tố thị trường đầu vào và thị trường đầu ra.

+ Thị trường đầu vào: Năng suất cây trồng vật nuôi và chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố đầu vào, gồm: cây, con giống, vật tư, phân bón, khoa học kỹ thuật, dịch vụ v.v. Thực tế ở Văn Bàn cho thấy, các yếu tố đầu vào cho sản xuất chưa được các chủ trang trại thực sự quan tâm. Ví dụ giống cây ăn quả được đưa vào trồng tràn lan, không rõ nguồn gốc, vì vậy sau vài năm chất lượng quả kém lại phải chặt bỏ hoặc bán với giá rẻ đặc biệt là các giống cây được đầu tư từ các chương trình, dự án, gây lãng phí lớn cho sản xuất và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Đối với vật nuôi, do chu kỳ kinh doanh ngắn, người sản xuất có thể thấy ngay được kết quả và kịp thời điều chỉnh nên tổn thất ít hơn.

+ Thị trường đầu ra cho các sản phẩm của trang trại: Vấn đề thị trường tiêu thụ các sản phẩm của trang trại cho đến nay đang còn là bài toán chưa có lời giải. Hiện tại địa phương chưa có tổ chức nào đứng ra hướng dẫn hoặc chịu trách nhiệm tiêu thụ các sản phẩm cho các trang trại, một phần cũng do sản phẩm của trang trại đa dạng, manh mún. Đây là công việc các trang trại tự đảm nhận hoàn toàn, sản phẩm có thể bán ngay tại vườn, tại nhà hoặc đem ra chợ. Việc bán các sản phẩm của trang trại thường bị tư thương ép giá nên ảnh hưởng đến thu nhập của trang trại.

- Bốn là: Một số vấn đề khác

+ Cơ sở hạ tầng: Nhìn chung chưa phát triển, nhiều trang trại ở xa khu dân cư do không có đường vào bằng các phương tiện cơ giới mà chỉ có thể đi bộ, ghồng gánh sản phẩm hoặc dùng trâu bò để kéo làm cho chi phí vận chuyển rất lớn, giá thành sản phẩm tăng, đặc biệt là các nông sản, hoa quả v.v...

+ Việc đào tạo bồi dưỡng cho các chủ trang trại những kiến thức về quản lý, về khoa học kỹ thuật chưa được địa phương quan tâm.

+ Chủ trương, chính sách chưa đồng bộ, quá trình thực hiện còn gặp nhiều lúng túng làm hạn chế đến sự phát triển của trang trại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại ở huyện văn bàn tỉnh lào cai (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)