2014
2.2.1. Quản lý vàng tiền tệ
Việc quản lý vàng tiền tệ tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm, thể hiện qua Điều 38 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt số 01/1997/QH10 do Quốc hội ban hành ngày 12/12/1997. Để làm rõ hơn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, ngày 30/08/1999, Chính phủ ban hành nghị định số 86/1999/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, trong đó quy định:
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán quốc tế, bảo toàn dự trữ ngoại hối nhà nước.
Bộ Tài chính là cơ quan kiểm tra việc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước của Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ứng từ Quỹ dự trữ ngoại hối cho ngân sách nhà nước để đáp ứng các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước.
Theo quy định tại nghị định số 86/1999/NĐ-CP, vàng trong dự trữ ngoại hối nhà nước là vàng tiêu chuẩn quốc tế, được Ngân hàng Nhà nước mua từ thị trường trong nước và nước ngoài. Lượng vàng này được dùng để lập Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng và Quỹ dự trữ ngoại hối. Tỷ lệ vàng trong hai quỹ này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Quỹ dự trữ ngoại hối được sử dụng trong các trường hợp sau:
Điều hoà nguồn ngoại hối với Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng khi cần thiết; Thực hiện các nghiệp vụ đầu tư được quy định trong Nghị định này;
Tạm ứng cho ngân sách nhà nước để đáp ứng nhu cầu ngoại hối đột xuất, cấp bách của Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng được sử dụng trong các trường hợp sau: Can thiệp thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước;
Điều hoà nguồn ngoại hối với Quỹ dự trữ ngoại hối khi cần thiết;
Thực hiện các nghiệp vụ đầu tư được quy định trong Nghị định 86/1999/NĐ- CP.
Ngày 13/12/2005, Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, một lần nữa khẳng định trách nhiệm của Ngân hàng
Nhà nước và Bộ Tài chính trong việc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, trong đó có quản lý vàng tiền tệ.
Năm 2010, Quốc hội ban hành Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12, thay thế hoàn toàn cho Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2003. Tuy nhiên, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước vẫn không đổi.
Ngày 18/03/2013, căn cứ vào tình hình nền kinh tế và chính sách quản lý vàng vào thời điểm hiện tại, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh số 06/2013/PL- UBTVQH13 sửa chữa, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Do lúc này, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng nên Điều 31 của Pháp lệnh ngoại hối 2005 về “Quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng” được thay đổi thành “Quản lý vàng là ngoại hối”, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước từ “quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng” thành “quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng”. Điều 34 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thêm vào điều khoản về việc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ và đột xuất về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
Năm 2014, nhận thấy nghị định 86/1999/NĐ-CP về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước không còn thích hợp ở thời điểm hiện tại và cần được thay thế, Chính phủ đã ban hành nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/05/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước với những điều khoản chi tiết hơn và thắt chặt hơn về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Trách nhiệm chính về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước vẫn thuộc Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính ngoài việc kiểm tra việc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước còn phải có trách nhiệm gửi toàn bộ số ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước.
Vàng trong dự trữ ngoại hối nhà nước không nhất thiết phải là vàng tiêu chuẩn quốc tế. Do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chủ trương không bình ổn giá vàng nên Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng nay đổi tên thành Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng, tuy nhiên, mục đích sử dụng của quỹ này cũng như trước, để can thiệp thị trường vàng, nhưng không “bình ổn giá” như trước. Do Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu nên nghị định này cũng có quy định về việc xuất nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước tại điều 19 của nghị định 50/2014/NĐ-CP.
Tuy có sự thay đổi về cách quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước giữa hai nghị định nhưng nguyên tắc chung của việc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước từ xưa đến nay là bảo toàn, thanh khoản và sinh lời.
Việc Chính phủ đã ban hành nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/05/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước với những điều khoản chi tiết hơn và thắt chặt hơn về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thay cho nghị định số 86/1999/NĐ-CP cho thấy việc quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước đã được chú trọng hơn và điều chỉnh cho thích hợp với tình hình hiện tại.
Các quy định về cơ cấu dự trữ, các nghiệp vụ được phép thực thi để tăng mức sinh lời cho dự trữ cũng được quy định chi tiết hơn, điều này chứng tỏ việc quản lý dự trữ ngoại hối ngày càng minh bạch. Tuy nhiên, hiện chi tiết về Quỹ bình ổn tỷ giá và quản lý thị trường vàng và Quỹ Quỹ dự trữ ngoại hối chưa được công bố rộng rãi.
2.2.2. Quản lý vàng phi tiền tệ