Trước khi bị cấm hoàn toàn vào năm 2010, hoạt động giao dịch vàng qua tài khoản ở nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước quản lý, thông qua quyết định số 03/2006/QĐ-NHNN được ban hành vào ngày 18/01/2006 và quyết định số 11/2007/QĐ-NHNN được ban hành vào ngày 15/03/2007. Điều kiện để được cấp phép mở tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài đối với doanh nghiệp và tổ chức tín dụng như sau:
Có ít nhất 01 năm kinh nghiệm hoạt động thuộc một trong những lĩnh vực sau: hoạt động kinh doanh mua, bán vàng; hoạt động huy động và cho vay vàng; hoạt động xuất, nhập khẩu vàng.
Tổ chức tín dụng phải có giấy phép hoạt động ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Doanh nghiệp phải có vốn tự có tối thiểu 100 tỷ đồng.
Trạng thái vàng trên tài khoản giao dịch vàng đối với tổ chức tín dụng, tính theo giá vàng quy đổi, thì trạng thái không vượt quá+ 20% so với vốn tự có và đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng, tính theo giá vàng quy đổi, thì trạng thái không vượt quá + 100% so với vốn tự có.
Giao dịch vàng qua tài khoản được bắt đầu ở Việt Nam khi sàn giao dịch vàng đầu tiên được thành lập, đó là sàn giao dịch vàng của Ngân hàng Á Châu, được hình thành vào ngày 25/5/2007 với tên gọi ban đầu là Trung tâm giao dịch vàng Sài gòn và gồm 9 thành viên, là các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng quy mô lớn. Từ tháng 12/2007, sàn giao dịch này mở rộng sang các khách hàng cá nhân (Hoàng Thế Thỏa, 2014).
Do đặc thù dùng đòn bẩy tài chính khá lớn, vì khách hàng chỉ bỏ ra 7% giá trị của tống giá trị vàng mua hoặc bán qua sàn vàng, nên mô hình đầu tư này thu hút đông đảo nhà đầu tư cá nhân tham gia. Nhu cầu giao dịch vàng qua sàn vàng tăng kéo theo sự ra đời của hàng loạt các sàn vàng sau đó như như sàn giao dịch vàng của các ngân hàng thương mại như Việt Á, Phương Nam, Đông Á, Sacombank, sàn vàng Phố Wall, sàn vàng Thế giới... Có khoảng hơn 20 sàn vàng, được thành lập theo 4 dạng:
Do ngân hàng thương mại thành lập và nhà đầu tư mở tài khoản tại ngân hàng như Trung tâm giao dịch Vàng Á Châu, Phương Nam, Sacombank, Việt Á
Do các tổ chức, cá nhân hình thành và nhà đầu tư tham gia đóng tiền vào một tài khoản đứng tên công ty thành lập sàn, như Trung tâm giao dịch vàng Phố Wall, Châu Á, 24K...
Do các tổ chức cùng với ngân hàng tham gia góp vốn thành lập qua hình thức công ty và nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng, như Trung tâm giao dịch Vàng Việt Nam...
Do các công ty tổ chức, nhà đầu tư kinh doanh trực tiếp vàng bằng USD ra nước ngoài, như Kim Thiệu, Kim Minh Đạt ... (Lệ Chi, 2010)
Hoạt động đầu tư trên sàn vàng là kinh doanh chênh lệch giá, giữa giá mua vào và giá bán ra. Vì vậy đây không phải là hoạt động sản xuất vật chất để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nhưng thu hút một lượng vốn khổng lồ với doanh số giao dịch mỗi ngày lên đến hàng ngàn tỷ đồng ở mỗi sàn, cùng với việc giá vàng biến động thất thường, điều này tiềm ẩn rủi ro rất cao cho cả nhà đầu tư và các đơn vị kinh doanh sàn vàng. Các sàn vàng cũng tham gia như một nhà đầu tư, lợi nhuận cho sàn vàng đến từ hai nguồn, đó là chênh lệch giá mua và giá bán trong hoạt động tự doanh và tiền phí giao dịch, tiền lãi vay.
Tại thời điểm này, chưa có văn bản pháp luật nào chế tài loại hình kinh doanh này nên các sàn giao dịch vàng hoạt động theo Luật doanh nghiệp, và những quy định do mình đặt ra. Chính vì thế lợi ích của nhà đầu tư không được bảo vệ. Hệ quả là đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư và sàn vàng dẫn đến kiện tụng.
Nhận ra những nguy hiểm tiềm ẩn của loại hình kinh doanh này, ngày 30/12/2009, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 369/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Tại thông báo này khẳng định, “vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, các hoạt động kinh doanh liên quan đến vàng đều có ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ và bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.” Chính vì thế, thông báo này yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tại Việt Nam dưới mọi hình thức và hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, trong vòng 90 ngày kể từ ngày ra thông báo.
Ngay sau đó, vào ngày 06/01/2010, theo chỉ đạo của thông báo số 369/TB- VPCP, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư số 01/2010/TT-NHNN về việc bãi bỏ quyết định 03/2006/QĐ-NHNN và 11/2007/QĐ-NHNN liên quan đến việc kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước và nước ngoài. Các tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp buộc phải tất toán và đóng trước ngày 30/03/2010. Bên cạnh đó, tất cả các sàn giao dịch vàng trong nước cũng phải chấm dứt hoạt động, trễ nhất là vào ngày 30/03/2010. Nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư là ngân hàng, doanh nghiệp trong việc tất toán trạng thái vàng trong nước và cân đối với trạng thái vàng ở nước ngoài, ngày 26/03/2010, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng thể hiện ở nội dung Công văn số 315/VPCP-KTTH ngày 25/3/2010, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư số 10/2010/TT-NHNN, gia hạn việc tất toán và đóng tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài đến ngày 30/06/2010. Ngày 29/06/2010, Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 17/2010/TT-NHNN theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 4423/VPCP-KTTH ngày 26/6/2010, tiếp tục gia hạn việc đóng và tất toán tài khoản
giao dịch vàng ở nước ngoài tới ngày 31/07/2010. Mốc thời gian này đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn việc kinh doanh vàng qua tài khoản nước ngoài tại Việt Nam.
Việc cấm hoạt động giao dịch vàng qua tài khoản tại Việt Nam cũng như việc cương quyết đóng cửa các sàn giao dịch vàng trong nước là một quyết định đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước phù hợp với bối cảnh nền kinh tế, trình độ phát triển của thị trường vàng và hệ thống pháp luật. Vì trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nền kinh tế cần vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự hoạt động của các sàn vàng thu hút một lượng vốn lớn, nhưng không tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội. Trong khi đó, không phải nhà đầu tư nào cũng nhận thức được sự nguy hiểm của thị trường vàng thế giới với biên độ dao động không giới hạn, thường các nhà đầu tư đầu tư theo tâm lý bầy đàn, không trang bị đủ kiến thức chuyên môn về loại hình đầu tư này. Quan trọng nhất là khung pháp lý cho loại hình đầu tư này chưa có, các nhà đầu tư không biết rằng lợi ích của mình không được bảo vệ và hoạt động của sàn vàng không bị chế tài bởi văn bản luật rõ ràng.
Hoạt động giao dịch vàng qua tài khoản nước ngoài của các tổ chức tín dụng có liên quan đến hoạt động huy động, cho vay vàng của tổ chức tín dụng, sẽ được đề cập ở phần sau.
Việc giao dịch vàng qua tài khoản là một bước phát triển mà thị trường vàng nào cũng phải đạt đến, nhưng tùy theo tình hình thực tế của nền kinh tế mà lựa chọn mức độ và loại hình giao dịch vàng qua tài khoản nhằm tối ưu lợi ích của mô hình này và hạn chế tối đa tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế, ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư.