Đặc điểm nhân khẩu học
Đặc điểm nhân khẩu học thường được sử dụng phân tích trong lĩnh vực này bao gồm các khía cạnh như giới tính, độ tuổi, tình trạng hôn nhân, và kích cỡ hộ gia đình.
Một số nghiên cứu thực nghiệm của Chapman (1990), Weber và Musshoff (2012) đã chứng minh lý thuyết xét ở góc độ giới tính thì nữ giới có khả năng ít tạo ra các rủi ro tín dụng hơn là nam giới do họ ít tội phạm, cá tính thận trọng, và ít gây ra các rủi ro đạo đức do đó nữ giới ít tạo ra các khoản nợ xấu hơn nam. Tương tự như vậy, Kinyondo (2009) đã thấy rằng những nhóm tín dụng vi mô có nhóm trưởng là nữ giới thì khả năng trả nợ của nhóm càng cao. Trong khi đó một số nghiên cứu như của Antwi (2012) đã không tìm thấy mối liên hệ này.
Độ tuổi là một yếu tố có mặt trong hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm chứng tỏ tầm quan trọng của biến số này trong vấn đề nghiên cứu. Phần lớn các nghiên cứu có liên quan đã đưa ra giả thiết rằng độ tuổi người vay càng lớn thì rủi ro của khoản nợ càng thấp do tính thận trọng, kinh nghiệm và trải nghiệm tăng lên theo độ tuổi. Chapman (1990) và Kohansal và Mansoori (2009) tìm thấy mối tương quan thuận giữa biến số này và khả năng trả nợ đúng hạn.
Tình trạng hôn nhân là một biến số ít được ưa dùng trong các nghiên cứu thực nghiệm về vấn đề tín dụng cá nhân.Về mặt lý thuyết, thông thường những người đã lập gia đình sẽ ít ưa mạo hiểm và có hành động chín chắn hơn so với những người chưa lập gia đình, vì vậy khả năng trả nợ đúng hạn của họ là cao hơn. Tuy nhiên khi nghiên
20
cứu trên thực nghiệm thì Chapman (1990), Duygan-Bump và Grant (2008) hay Antwi và ctg (2012) và một số tác giả khác không tìm thấy mối liên hệ này.
Biến số quy mô hộ gia đình được cho là tương quan nghịch với khả năng trả nợ do sự lý giải rằng những người chủ nợ phải tốn nhiều thu nhập của mình vào việc nuôi sống các thành viên trong gia đình thay vì dùng nó để trả nợ (Zeller, 1996). Nghiên cứu trên thực nghiệm của Chapman (1990) đã ủng hộ giả thuyết này. Ở một khía cạnh khác, nghiên cứu của Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011) khi tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay đúng hạn của nông hộ tỉnh Hậu Giang – Việt Nam đã đưa ra kết luận rằng nếu trong một nông hộ, càng có nhiều thành viên tạo ra thu nhập thì xác suất trả nợ đúng hạn càng lớn.
Đặc điểm nghề nghiệp
Đặc điểm của nghề nghiệp có thể là một nhân tố ảnh hưởng nhất định tới khả năng trả nợ vay đúng hạn của khách hàng cá nhân. Đối với những cá nhân có nghề nghiệp ổn định, có vị trí xã hội, có kinh nghiệm lâu năm hoặc ở những lĩnh vực đòi hỏi chất xám cao hay có tay nghề vững vàng thì khả năng trả nợ đúng hạn là cao hơn. Điều này là do những cá nhân này có khả năng tạo ra thu nhập ổn định và cao hơn những cá nhân ở lĩnh vực nghề nghiệp khác. Nghiên cứu trên thực tế về vấn đề này không nhiều do phần lớn các nghiên cứu thường tập trung ở một khía cạnh nghề nghiệp. Nghiên cứu của Chapman (1990) đã cho thấy những nghề nghiệp đòi hỏi chất xám cao như giáo sư, nghệ sĩ hay những nghề nghiệp có tính ổn định cao như kế toán viên, nhân viên văn phòng có khả năng trả nợ đúng hạn cao hơn. Trong khi đó cũng trong nghiên cứu này thì những người công nhân không lành nghề thường lâm vào tình trạng trả nợ trễ hạn. Kohansal và Mansoori (2009) đã tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay của nông dân tại tỉnh Khorasan-Razavi của Iran và tìm thấy bằng chứng rằng những nông dân có kinh nghiệm lâu năm hơn thì khả năng trả nợ ngân hàng là cao hơn. Một nghiên cứu của Accquah và Addo (2011) về khả năng trả nợ vay đúng hạn của những ngư dân tại Ghana đã đưa biến số kinh nghiệm vào trong mô hình nghiên cứu nhưng đã không tìm thấy ý nghĩa thống kê của biến số này.
21
Đặc điểm trình độ học vấn
Trình độ học vấn thông thường rất được chú trọng trong quá trình thẩm định cho vay của ngân hàng.Người có trình độ học vấn cao dễ được chấm điểm tín dụng cao hơn khi được tin rằng họ có khả năng tạo ra thu nhập cao hoặc ổn định trong thời gian dài đồng thời khả năng sử dụng khoản vay của họ cũng hiệu quả hơn cũng như là ít ưa thích rủi ro với khoản nợ của mình. Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011) đã tìm thấy bằng chứng ủng hộ giả thuyết này. Tuy nhiên cũng có những nghiên cứu như của Antwi và ctg (2012) đã không ủng hộ giả thuyết này. Như vậy tùy từng lĩnh vực hoặc phạm vi nghiên cứu mà yếu tố này có thể có hoặc không có ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của cá nhân.
Đặc điểm thu nhập
Thu nhập của người đi vay được coi là một trong những yếu tố quan trọng khi muốn tiếp cận khoản vay, đặc biệt là đối với những khoản vay tín chấp.Đây được coi là một yếu tố cấu thành nên nền tảng trả nợ thành công trong tương lai của người vay. Chapman (1990) khi phân loại thu nhập của người đi vay và tìm hiểu ảnh hưởng của biến số này tới khả năng trả nợ đã thấy rằng khả năng trả nợ thành công được sắp xếp theo thứ tự sau: thu nhập cao, thu nhập thấp, và thu nhập trung bình. Đối với những người thu nhập thấp nhưng xác suất trả nợ vẫn lớn hơn người có thu nhập trung bình được lý giải là do tính thận trọng trong việc sử dụng khoản vay của họ vì họ biết khả năng chi trả của họ là rất thấp nên nếu lãng phí khoản vay thì rủi ro không trả được nợ là rất cao. Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011) tìm hiểu khía cạnh thu nhập của tất cả các thành viên trong gia đình và thấy rằng nếu gia đình nào càng có nhiều thành viên có thu nhập cao thì khả năng trả nợ thành công càng lớn. Một số tác giả khác như Kohansal và Mansoori (2009) cũng tìm thấy những bằng chứng ủng hộ giả thuyết trên.
22
Mục đích sử dụng vốn
Rủi ro đạo đức là một hình thức biểu hiện của thất bại thị trường do thông tin bất cân xứng. Trong lĩnh vực tín dụng, điều này xảy ra khi người vay đã sử dụng không đúng mục đích vay ban đầu và người vay đã không kiểm soát được hành vi sử dụng sai mục đích đó. Điều này dẫn tới là rủi ro không trả được nợ vay sẽ tăng lên. Kohansal và Mansoori (2009), Trương Đông Lộc và Nguyễn Thanh Bình (2011) đưa vấn đề này vào trong khảo sát của mình và các tác giả đã tìm ra bằng chứng về việc những người đi vay khi cố tình sử dụng sai mục đích sử dụng ban đầu đã dẫn tới xác suất trả nợ không đúng hạn tăng lên. Một trong những nghiên cứu của Kohansal và Mansoori (2009) lại không tìm thấy mối liên hệ trên khi tìm hiểu về hành vi trả nợ của nông dân và các tác giả cũng không đưa ra thêm các lý giải cụ thể về vấn đề này.