Phân tích điều kiện tự nhiên và tài nguyên rừng ảnh hưởng đến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định cơ sở khoa học phục vụ cho công tác quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện đà bắc tỉnh hòa bình​ (Trang 29 - 33)

quy hoạch phát triển lâm nghiệp huyện Đà Bắc

3.1.2.1. Vị trí địa lý

Đà Bắc là huyện miền núi nằm phía tây bắc tỉnh Hòa Bình, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Hòa Bình khoảng 15 Km.

Tọa độ địa lý:

- Vĩ độ bắc: Từ 190 25' - 210 55' - Kinh độ đông: Từ 104055' - 105 018' Ranh giới hành chính tiếp giáp với các địa phương:

Phía Bắc giáp huyện Phù Yên - Sơn La và huyện Thanh Sơn - Phú Thọ. Phía Nam giáp Thành phố Hòa Bình, huyện Cao Phong và huyện Tân Lạc Phía Đông giáp Thành phố Hòa Bình.

Phía Tây giáp huyện Mai Châu – tỉnh Hòa Bình và huyện Mộc Châu - tỉnh Sơn La

3.1.2.2. Địa hình, địa thế

Nhìn chung, Đà Bắc có địa hình khá phức tạp, chia cắt nhiều bởi hệ thống khe suối, núi cao. Độ cao trung bình tuyệt đối trên 1000m như núi Ba Chi, núi Biều, Phu Canh... Độ dốc bình quân 300, có nhiều vực thẳm và suối sâu dẫn nước ra hồ Sông Đà. Chính vì vậy giao thông đi lại, giao lưu bên ngoài cũng như trong các xã, các khu vực với nhau còn rất khó khăn. Hướng nghiêng chính của địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam.

3.1.2.3. Khí hậu, thủy văn a. Khí hậu

Theo quan trắc của đài khí tượng thuỷ văn huyện Đà Bắc thì khí hậu của Đà Bắc trong vòng 5 năm trở lại đây có một số đặc điểm chính sau:

Là huyện nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ không khí bình quân năm 23,20C, nhiệt độ bình quân cao nhất 350C vào tháng 6-7, thấp nhất 60C vào tháng 1 năm sau.

Độ ẩm không khí bình quân 85%, cao nhất 89% vào tháng 4, thấp nhất 80% vào tháng 1.

Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mưa bình quân 1.600 mm, chiếm 92% tổng lượng mưa cả năm.

Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa bình quân 135 mm, chiếm khoảng 8% tổng lượng mưa cả năm.

Sương mù thường xuyên xuất hiện từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Mùa hè có gió đông và tây nam là chủ yếu, mùa đông có gió bắc và đông bắc xuất hiện từng đợt, mỗi đợt kéo dài từ 5 - 7 ngày có xuất hiện rét đậm rét hại.

b. Thuỷ văn

Huyện Đà Bắc có mạng lưới suối lớn như suối Nhạp chảy qua 2 xã Tân Pheo và Giáp Đắt; suối Chầm xã Tân Minh; suối Sổ xã Trung Thành. Một số hồ lớn như hồ Cang xã Đoàn Kết; hồ Nà Tàm xã Cao Sơn; hồ Cháu, hồ Cót, xã Tu Lý; hồ Mu Công ở Thị trấn Đà Bắc. Tuy nhiên do độ dốc lớn nên khả năng dự trữ và cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt bị hạn chế rất nhiều. Khi có mưa to thường xảy ra lũ cục bộ.

Những đặc điểm khí hậu thủy văn kể trên gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế xã hội của huyện Đà Bắc, đặc biệt trong sản xuất Nông lâm nghiệp.

3.1.2.4. Địa chất, đất đai

Do điều kiện địa hình bị chia cắt phức tạp, núi non hiểm trở, độ dốc lớn, cấu thành địa chất phức tạp nên đất đai của huyện không thuần nhất. Nhìn chung đất của huyện Đà Bắc được hình thành trên các loại đá mẹ chính như Đá Vôi, Sa thạch, Phiến thạch:

- Nhóm đất Feralit màu nâu phát triển trên đá vôi có kết cấu hạt mịn, tầng dày trên 120 cm.

- Nhóm đất Feralit màu vàng nhạt phát triển trên đá sa thạch có kết cấu hạt thô, tầng dày trên 80 cm.

- Nhóm đất Feralit màu vàng nhạt phát triển trên đá phiến thạch có kết cấu hạt mịn, tầng dày trên 130 cm.

- Đất Feralit biến đổi do trồng lúa nước.

Đất lâm nghiệp chủ yếu gồm 2 loại chính là đất Feralit màu vàng nhạt và đất Feralit màu nâu, có tầng dày từ 80 - 130 cm, đất tốt phù hợp với các loại cây lâm nghiệp dài ngày.

3.1.2.5. Tài nguyên động, thực vật rừng a. Tài nguyên thực vật rừng

Những năm trước đây do công tác quản lý bảo vệ rừng chưa được quan tâm, rừng bị tàn phá nghiêm trọng, kéo theo các loài thực vật cũng bị suy giảm đáng kể. Theo tài liệu điều tra về thực vật của khu bảo tồn Thiên nhiên Phu Canh và một số tài liệu của các chương trình dự án phòng hộ sông Đà thì rừng tự nhiên huyện Đà Bắc thuộc kiểu rừng rậm thường xanh nhiệt đới, thực vật rừng phong phú và đa dạng, có thể chia thành các kiểu phụ sau:

- Kiểu phụ rừng rậm thường xanh cao nguyên, phân bố ở độ cao từ 800m - 1000m, tập trung chủ yếu ở một số xã như xã Đoàn Kết, xã Đồng Chum, xã Đồng Ruộng, xã Tân Pheo... Thực vật rừng sinh trưởng phát triển tốt, còn nhiều loài cây gỗ quý như Pơ mu, chò chỉ, chò nâu, sến mật, giổi, de, lát, lim v.v... Rừng trung bình, trữ lượng gỗ từ 150 - 180 m3/ha.

- Kiểu phụ rừng thường xanh núi đất: Phân bổ ở độ cao dưới 800 m, có đặc điểm là rừng nguyên sinh đã bị khai thác chọn, tác động ở nhiều mức độ khác nhau; những cây gỗ quý đã bị khai thác kiệt, chỉ còn lại phần lớn những cây gỗ kém giá trị kinh tế như: Dẻ, ngát, ràng ràng, kháo, bứa, muồng, vàng anh v.v... Rừng chủ yếu là rừng nghèo, rừng phục hồi, trữ lượng gỗ 35 - 45 m3/ha.

- Kiểu phụ núi đá vôi: Núi đá hiểm trở, rừng có 2 tầng: Tầng trên chủ yếu cây sến, trai, nghiến, táu v.v.., tầng dưới chủ yếu hoắc quang, đinh

thối, sến mủ v.v... tập trung ở các xã Đồng Nghê, xã Suối Nánh, xã Đồng Ruộng, xã Trung Thành..

Thực vật rừng khá phong phú, riêng cây thân gỗ có khoảng 995 loài, trong 180 họ, thuộc 3 ngành (Dương xỉ, hạt trần, hạt kín) và 2 lớp: Một lá mầm và 2 lá mầm.

b. Tài nguyên động vật rừng

Động vật rừng của Đà Bắc trước đây cũng tương đối phong phú, tuy nhiên đi đôi với việc các diện tích rừng tự nhiên bị suy giảm và sự tác động tiêu cực của con người đến tài nguyên rừng, nên hiện nay động vật rừng trên địa bàn huyện giảm cả về chất lượng và số lượng. Qua các tài liệu nghiên cứu về động vật rừng có tại hạt Kiểm lâm và bằng phương pháp điều tra thu thập trong nhân dân thì động vật rừng có xương sống trong khu bảo tồn thiên nhiên và một số khu rừng tự nhiên tập trung tại các xã, đã xác định được 300 loài trong 88 họ và 25 bộ, số bộ, họ có nhiều loài nhất là bộ gặm nhấm, bộ sẻ, bộ linh trưởng. Hiện nay một số loài động vật lớn như hổ, báo không thấy xuất hiên; các loài gấu, khỉ số lượng còn lại rất ít ở những khu rừng núi đá, những khu rừng cao xa hiểm trở.

3.1.2.6. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên a. Thuận lợi

Đà Bắc có vị trí thuận lợi về giao thông thuỷ do nằm ven hồ sông Đà tạo điều kiện tốt cho giao lưu kinh tế hàng hoá, bên cạnh đó huyện còn có tiềm năng lớn về diện tích nuôi trồng thuỷ sản, đất đai thích hợp cho phát triển lâm nghiệp.

Là một trong những huyện có nguồn tài nguyên rừng còn nhiều trong tỉnh, tổ thành loài thực vật phong phú, là nơi còn lưu giữ được các nguồn gen thực vật quý hiếm, có giá trị cao về tài nguyên đa dạng sinh học.

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lượng tích nhiệt hàng năm lớn, số giờ nắng trong năm nhiều, nền nhiệt độ tương đối ổn định, lượng mưa hàng năm cao, rất thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.

b. Khó khăn

Bên cạnh những điều kiện tự nhiên thuận lợi, huyện cũng phải đối phó với những khó khăn do điều kiện tự nhiên mang lại, đó là tình trạng thiên tai, lũ lụt, tình trạng đói nghèo, vấn đề áp lực của phát triển kinh tế xã hội đối với đất đai.

Địa hình một số xã chia cắt mạnh, mưa lớn kéo dài, dễ gây ra sụt lở đất, lũ quét thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến tài sản của nhân dân. Đồng thời gây khó khăn nhất định trong công tác phát triển sản xuất lâm nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xác định cơ sở khoa học phục vụ cho công tác quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện đà bắc tỉnh hòa bình​ (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)