3.2.5.1. Giải pháp về tổ chức * Tổ chức quản lý
Trong những năm qua việc triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp theo quyết định 245/1998/TTg của Thủ tướng chính phủ thực hiện chưa được nghiêm túc. Chính quyền cấp cơ sở ở một số nơi chưa thực sự vào cuộc, sự phân công, phân cấp, sắp xếp về mặt tổ chức, bố trí về nhân lực chưa được hợp lý. Từ đó dẫn đến việc triển khai thực hiện không đồng bộ, hiệu quả chưa cao, vì vậy trong giai đoạn tới nhất thiết phải kiện toàn và đổi mới quản lý nhà nước về lâm nghiệp các cấp theo hướng:
- Sắp xếp, phân công công tác quản lý mang tính chuyên trách cao, gắn trách nhiệm của mỗi cán bộ ngành lâm nghiệp đối với quá trình bảo vệ và phát triển lâm nghiệp của huyện. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp quản lý, nhưng cần hạn chế sự chỉ đạo chồng chéo giữa các cấp. Thực hiện phân quyền quản lý cho cấp huyện và xã nhiều hơn để thực hiện tốt mục tiêu xã hội hoá nghề rừng, coi cấp xã là địa bàn cơ sở trong tổ chức điều hành hoạt động sản xuất lâm nghiệp. Bổ sung cán bộ chuyên môn lâm nghiệp cho các đơn vị có chức năng bảo vệ và phát triển lâm nghiệp.
- Tăng cường quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm
- Thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ lâm nghiệp.
- Bổ sung xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ, phát triển 3 loại rừng trên địa bàn huyện.
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá lâm trường quốc doanh nhằm gắn quyền lợi cũng như trách nhiệm của từng thành viên để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển lâm nghiệp.
* Tổ chức thực hiện
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoà Bình là cơ quan trực tiếp tổ chức chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển lâm nghiệp.
Đối với UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban ngành của tỉnh để tổ chức thực hiện, đồng thời chỉ đạo hạt Kiểm lâm làm tốt chức năng tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Các xã triển khai thực hiện nghiêm túc quyết định 245/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Các đơn vị lâm nghiệp và các chủ rừng trên địa bàn huyện phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, kinh doanh rừng phải tuân thủ các quy hoạch, kế hoạch của địa phương, gắn với việc bảo vệ và phát triển bền vững.
3.2.5.2. Giải pháp về chính sách * Chính sách đất đai
Hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng vào mục đích phát triển lâm nghiệp. Cân đối hài hoà giữa các diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất nhằm đảm bảo các chức năng bảo tồn, phòng hộ, cũng như đảm bảo vai trò phát triển kinh tế xã hội. Xác định rõ ranh giới 3 loại rừng ngoài thực địa, tiến hành cắm mốc, bảng để tổ chức quản lý tốt hơn.
* Chính sách đầu tư, thuế
Tăng cường đầu tư vốn ngân sách cho việc bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và sản xuất bao gồm các hạng mục bảo vệ rừng, khoanh nuôi làm
giàu rừng, trồng rừng mới, chăm sóc rừng trồng, xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Trong quá trình thực hiện các nội dung phương án quy hoạch, các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức, lâm trường tham gia trồng rừng trên những diện tích đất trống đồi núi trọc, đất hoang hoá cần được hưởng sự ưu đãi về thuế.
Thực hiện chính sách khuyến khích, kêu gọi đối tác đầu tư, liên doanh, liên kết, thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển vốn rừng, chế biến và tiêu thụ lâm sản. Thực hiện chính sách ưu đãi về thuế đối với các tổ chức, các cá nhân tham gia đầu tư vào trồng rừng và phát triển lâm nghiệp. Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết giữa các nhà máy, cơ sở chế biến với người trồng rừng. Các nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản hợp đồng với các chủ hộ tham gia phát triển lâm nghiệp theo cơ chế cùng đầu tư, cùng hưởng lợi với tỷ lệ lợi nhuận có phần ưu tiên cho người trồng rừng để thu hút người dân tham gia vào bảo vệ và phát triển lâm nghiệp.
* Chính sách hưởng lợi và tiêu thụ sản phẩm
Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hàng hoá nông lâm sản của người dân sản xuất ra, không để tồn đọng gây mất giá trị với thị trường, thiệt hại cho người sản xuất.
Quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân, được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp thực hiện theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ [21]. Chính sách quy định tại điều 7 quyết định 661/QĐ-TTg về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.
Thực hiện cơ chế thông thoáng lưu thông hàng hoá lâm sản trong nước, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo lợi ích người sản xuất và tiêu dùng.
3.2.5.3. Giải pháp về khoa học công nghệ và đào tạo * Về khoa học công nghệ
Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học vào sản xuất cây giống. liên doanh liên kết với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khoa học để tạo những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, giá thành hạ vừa có tác dụng phòng hộ môi trường, vừa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng đủ nguồn giống cho trồng rừng.
Xây dựng các trung tâm sản xuất giống cây trồng để tuyển chọn và cung cấp giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao. Nhập và thử nghiệm một số giống cây trồng mới có năng xuất và chất lượng cao phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của huyện.
Tiến hành điều tra cơ bản về thổ nhưỡng, phân loại đất để lựa chọn cây trồng và áp dụng các giải pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp.
Nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loài cây bản địa có năng suất cao, phục vụ cho trồng rừng kinh doanh gỗ lớn.
Xây dựng mô hình nông lâm kết hợp, mô hình canh tác trên đất dốc để chuyển giao kỹ thuật canh tác bền vững tới các hộ tham gia sản xuất lâm nghiệp.
* Về đào tạo
Đào tạo lại và đào tạo mới đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ công chức của Hạt Kiểm lâm huyện nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.
Mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cho cán bộ lâm nghiệp có đủ năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, chuyển giao kỹ thuật. Đào tạo lại cán bộ lâm nghiệp đương chức về nghiệp vụ quản lý và thị trường. Tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng rừng, làm kinh tế vườn rừng giỏi của các hộ gia đình trong và ngoài huyện, tỉnh.
Qua thông tin đại chúng, phổ biến tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân luật bảo vệ và phát triển rừng, vai trò tác dụng của rừng đối với môi trường, sản xuất và đời sống xã hội.
3.2.5.4. Khuyến lâm
Thực hiện chiến lược đào tạo khuyến nông, lâm và hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đào tạo khuyến nông, lâm đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Đẩy mạnh đào tạo khuyến lâm xã và các tổ chức khuyến lâm tự nguyện ở xã, thôn bản để làm nòng cốt chuyển giao kỹ thuật cho các hộ gia đình tham gia sản xuất lâm nghiệp.
Đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật lâm nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
3.2.5.5. Giải pháp nguồn nhân lực
Xây dựng và thực hiện chiến lược đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ lâm nghiệp các cấp, đặc biệt là ở cấp xã. Coi trọng đào tạo con em dân tộc thiểu số và đào tạo liên thông cán bộ lâm nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa
Lấy hộ gia đình làm động lực thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp địa phương, đặc biệt là các hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.
Sử dụng nguồn lao động tại chỗ và lao động thời vụ làm lâm nghiệp thông qua các hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng và đất rừng trong khu vực.
Gắn liền sản xuất lâm nghiệp với xây dựng xã hội hóa nghề rừng, xây dựng điểm dân cư để ổn định đời sống, ổn định nguồn lao động. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý lâm nghiệp cho các cơ sở trực thuộc.
3.2.5.6. Giải pháp về vốn đầu tư
Kết hợp giữa nguồn vốn ngân sách trung ương với ngân sách địa phương để phát triển sản xuất lâm nghiệp.
Huy động và lồng ghép tất cả các nguồn vốn đầu tư phát triển, kinh doanh rừng của các dự án, các doanh nghiệp có trong địa bàn.
Khuyến khích các chủ rừng tự bỏ vốn hoặc vay vốn với lãi xuất ưu đãi để đầu tư phát triển rừng.
3.2.5.7. Giải pháp về quản lý, sử dụng tài nguyên rừng * Quản lý tài nguyên rừng
Trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế, về phòng hộ môi trường đối với từng loại đất loại rừng, tiến hành đóng mốc phân định ranh giới 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) ngoài thực địa trên cơ sở kết quả quy hoạch, rà soát lại 3 loại rừng.
Có các cơ chế, chính sách rõ ràng đối với việc khai thác, quản lý bảo vệ và trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất để tạo điều kịên thuận lợi cho nhân dân và các tổ chức quản lý, thực hiện.
* Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng
- Đối với rừng đặc dụng
+ Công tác quản lý bảo vệ rừng: Tiến hành bảo vệ nghiêm ngặt diện tích 4.052,1 ha rừng hiện có tại 4 xã: Đồng Chum, Đồng ruông, Đoàn Kết, Tân Pheo; Nghiêm cấm mọi tác động bất lợi vào rừng (thực hiện theo Quy chế rừng đặc dụng đã ban hành).
+ Công tác trồng rừng: Tiến hành trồng 885,8 ha trên các trạng thái đất trống (Ia, Ib) với những loài cây bản địa có giá trị về mặt cảnh quan và nguồn gen quý như: Lim, Lát, Trám, Chò chỉ...
+ Công tác khoanh nuôi phục hồi rừng: Khoanh nuôi phục hồi 366,0 ha tại xã Đồng Chum, Đồng Ruông và Tân Pheo trên đối tượng đất trống có cây gỗ rải rác (đất trống Ic) có đủ mật độ cây tái sinh phục hồi rừng để áp dụng phương thức khoanh nuôi tái sinh tự nhiên
- Đối với rừng phòng hộ
+ Công tác quản lý bảo vệ rừng: Tiến hành bảo vệ nghiêm ngặt diện tích 20.425,9 ha rừng hiện có trên địa bàn toàn huyện (trừ T.T Đà Bắc không có rừng phòng hộ), nghiêm cấm mọi tác động bất lợi vào rừng (thực hiện theo Quy chế quản lý rừng phòng hộ đã ban hành).
+ Công tác trồng rừng: Tiến hành trồng 5.141,13 ha rừng ở 19 xã trên trạng thái đất trống (Ia,Ib) với những loài cây thích hợp có tác dụng phòng hộ đầu nguồn, kết hợp trồng với cây phù trợ.
+ Công tác khoanh nuôi phục hồi rừng: Khoanh nuôi phục hồi 2.219,5 ha rừng tại 15 xã gồm Cao Sơn, Đồng Chum, Đồng Ruộng, Đoàn Kết, Hào Lý, Hiền Lương, Mường Chiềng, Tân Minh, Tân Pheo, Tiền Phong, Toàn Sơn, Trung Thành, Tu Lý, Yên Hoà và Vây Nưa trên đối tượng đất trống có cây gỗ rải rác (đất trống IC) có đủ mật độ cây tái sinh phục hồi rừng để áp dụng phương thức khoanh nuôi tái sinh tự nhiên
+ Công tác khai thác, sử dụng rừng (trên đối tượng rừng trồng): Khai thác những diện tích rừng trồng đã đến tuổi thành thục theo Quy phạm hướng dẫn của Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành về cơ chế quản lý và sử dụng rừng phòng hộ.
- Đối với rừng sản xuất
+ Rừng tự nhiên: Bảo vệ và khai thác rừng được thực hiện theo Quy phạm hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành.
+ Công tác trồng rừng: Tiến hành trồng rừng trên các trạng thái đất trống và trồng rừng thay thế trên những diện tích khai thác, cây trồng chính: Keo, Bạch đàn, Mỡ....
+ Công tác khoanh nuôi phục hồi rừng: Khoanh nuôi phục hồi rừng trên đối tượng đất trống có cây gỗ rải rác (đất trống Ic) có đủ mật độ cây tái sinh phục hồi rừng để áp dụng phương thức khoanh nuôi tái sinh tự nhiên.
+ Công tác khai thác, sử dụng rừng: Được phép khai thác những diện tích rừng trồng đã đến tuổi thành thục, rừng tự nhiên theo Quy phạm hướng dẫn của Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành.