Quá trình luyện tập bằng cách tái hiện kiến thức hay kỹ năng mới từ trí nhớ là một công cụ tiềm năng hỗ trợ cho việc học tập và lưu giữ kiến thức. Ý tưởng này đúng trong mọi trường hợp khi mà bộ não phải ghi nhớ và sau đó tái hiện lại một điều gì đó – những sự kiện, quan niệm phức tạp, cách thức giải quyết vấn đề, kỹ năng vận động.
Sự hồi tưởng một cách khó khăn khiến hiệu quả tiếp thu và ghi nhớ trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta dễ dàng bị cám dỗ bởi niềm tin rằng quá trình tiếp thu dễ dàng hơn sẽ cho hiệu quả tốt hơn, nhưng các nghiên cứu lại chỉ ra điều ngược lại: khi tư duy phải hoạt động, kiến thức sẽ được ghi nhớ tốt hơn. Bạn càng hao tổn nhiều công sức để nhớ lại những gì đã học, miễn là bạn thành công, thì khả năng ghi nhớ và duy trì những hiểu biết đó của bạn càng trở nên tốt hơn. Sau một bài kiểm tra đầu tiên, sự trì hoãn trong quá trình tiếp tục thực hiện tập luyện thông qua hồi tưởng có tác dụng củng cố khả năng ghi nhớ hơn so với sự luyện tập tức thì, vì sự khôi phục kiến thức chậm trễ đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn.
Lặp lại quá trình hồi tưởng những gì đã học không chỉ gia tăng mức độ bền bỉ của trí nhớ mà còn giúp tri thức có thể được phục hồi dễ dàng hơn, trong nhiều tình huống đa dạng hơn và ứng dụng được cho nhiều loại vấn đề hơn.
Tuy phương pháp học tập trung nhồi nhét có thể mang lại điểm số tốt hơn trong một bài kiểm tra tức thì, nhưng lợi thế đó sẽ mờ nhạt nhanh chóng vì nếu chỉ đọc lại tài liệu thì sau đó người học sẽ dễ quên hơn hình thức luyện tập có tính gợi nhớ. Hình thức này mang lại những lợi ích dài hạn.
Đưa một bài kiểm tra (luyện tập có tính hồi tưởng) vào một lớp học một cách đơn giản có thể mang đến sự cải thiện lớn về điểm số của bài thi cuối kỳ và lợi ích tiếp tục gia tăng tỷ lệ thuận với tần suất các bài kiểm tra trên lớp.
Các bài kiểm tra không cần phải được khởi xướng bởi người hướng dẫn. Các bạn sinh viên có thể rèn luyện khả năng nhớ lại kiến thức của mình ở mọi nơi, không nhất thiết là qua các bài kiểm tra trên lớp. Thử nghĩ đến thẻ ghi chữ số, hay cách các học sinh lớp 2 học phép tính nhân,
những phương pháp này cũng có thể được áp dụng cho người học lớn tuổi để tự kiểm tra kiến thức của mình về nguyên tử, toán học hay pháp luật. Tự kiểm tra dường như không mấy hấp dẫn khi nó tốn công hơn đọc lại, nhưng như đã đề cập ở trên, càng nhiều nỗ lực hao tổn trong quá trình hồi tưởng, càng nhiều kiến thức sẽ được ghi nhớ.
Những sinh viên thực hiện các bài kiểm tra thực hành thâu tóm vấn đề tốt hơn những sinh viên chỉ đọc lại tài liệu. Tương tự, những bài thi như thế cho phép người hướng dẫn phát hiện những lỗ hổng kiến thức hay nhận thức sai lầm ở sinh viên và điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình để sửa chữa chúng.
Cung cấp cho sinh viên những nhận xét có tính điều chỉnh sau các bài kiểm tra ngăn họ ghi nhớ những ý tưởng thiếu chính xác mà họ đã hiểu sai về tài liệu và mang đến những kiến thức có giá trị thông qua những đáp án chính xác.
Các sinh viên tham gia các lớp học có kết hợp những bài kiểm tra không có tính quyết định hay không mang lại rủi ro dần dần trở nên hứng thú với việc luyện tập. Những người được kiểm tra thường xuyên cũng yêu thích khóa học của họ hơn.
Vậy còn những quan ngại ban đầu của hiệu trưởng Roger Chamberlain về các bài kiểm tra được áp dụng tại trường Trung học Columbia rằng chúng có thể chẳng giúp ích được gì hơn ngoài việc cổ xúy lối học vẹt?
Chúng tôi hỏi ông điều này sau khi cuộc khảo sát được hoàn tất. Ông ngẫm nghĩ giây lát rồi nói: “Điều tôi thực sự hài lòng là: một số học sinh có khả năng đánh giá, tổng hợp và áp dụng một khái niệm vào những mô hình khác nhau. Đối với nhóm này, khi các em có nền tảng từ kiến thức và khả năng ghi nhớ, những khả năng này sẽ trở nên hiệu quả hơn rất nhiều; nhờ đó các em sẽ không phải phí thời gian xem xét lại và tìm hiểu xem từ đó có ý nghĩa gì hay khái niệm kia nói về điều gì. Nó cho phép các em tiến tới một trình độ cao hơn.”