HỌC TẬP DỰA THEO CÁC QUY LUẬT VÀ TIẾP THU THÔNG QUA CÁC VÍ DỤ

Một phần của tài liệu Bí quyết học đâu nhớ đó (Trang 119 - 128)

PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG PHÂN BIỆT

HỌC TẬP DỰA THEO CÁC QUY LUẬT VÀ TIẾP THU THÔNG QUA CÁC VÍ DỤ

Một điểm khác biệt quan trọng là liệu bạn nghĩ mình là “người học theo những quy luật” hay là “người tiếp thu qua các ví dụ” và dấu hiệu đặc trưng này là một điều gì đó tương tự như những gì chúng ta vừa thảo luận. Khi nghiên cứu những dạng bài tập khác nhau trong lớp hóa học, hay những mẫu vật với chủ đề là các loài chim và cách thức nhận dạng chúng, những học viên ưa thích các nguyên tắc có xu hướng đúc rút các nguyên lý cơ bản hay các “quy luật” để phân biệt các ví dụ đang được nghiên cứu. Sau này, khi họ gặp một bài tập hóa học hay một mẫu chim mới, họ áp dụng những quy luật này như một phương tiện để phân loại bài tập hay vật mẫu đó và chọn lựa cách giải phù hợp hay chuồng nuôi vật mẫu chính xác. Những người tiếp thu qua các ví dụ thường hay hồi tưởng lại các ví dụ thay vì các nguyên lý cơ bản. Khi họ đối mặt với một tình huống xa lạ, họ không nhận thức được các quy luật cần thiết để phân loại hay giải quyết vấn đề, do vậy họ thực hiện khái quát hóa từ một ví dụ gần nhất họ có thể nhớ, ngay cả khi nó không thực sự liên quan tới trường hợp mới. Tuy nhiên, những người học bằng

các ví dụ có thể nâng cao khả năng đúc rút các quy luật nền tảng khi họ bị yêu cầu so sánh hai ví dụ khác nhau thay vì tập trung vào nghiên cứu lần lượt mỗi lần một ví dụ. Tương tự, họ dễ khám phá ra giải pháp chung cho các vấn đề khác nhau nếu ban đầu họ phải so sánh các vấn đề và cố gắng tìm ra những điểm tương đồng cơ bản.

Hãy cùng xem xét hai trường hợp khác nhau mà người học phải giải quyết. Đây là các ví dụ được lấy từ một nghiên cứu về phương pháp học tập dựa theo các quy luật. Trong trường hợp thứ nhất, đội quân của một vị tướng được bố trí để tấn công một lâu đài. Lâu đài này được bảo vệ bởi một chiến hào. Những người hoa tiêu báo rằng những chiếc cầu bắc qua hào nước đã được người quản lý lâu đài gài mìn. Mìn được bố trí để chỉ những nhóm nhỏ mới có thể đi qua những chiếc cầu, nhờ đó cư dân của lâu đài có thể lấy thức ăn và nhiên liệu. Vậy làm thế nào mà vị tướng có thể đưa một lực lượng đông đảo qua cầu mà mìn không nổ?

Trường hợp thứ hai liên quan đến một khối u ác tính. Khối u này có thể được chữa trị bằng bức xạ cường độ cao. Tuy nhiên tia bức xạ cũng sẽ phải xuyên qua các tế bào khỏe mạnh. Một chùm bức xạ với cường độ đủ mạnh để tiêu hủy một khối u sẽ làm tổn thương phần mô khỏe mạnh mà chúng xuyên qua. Vậy làm thế nào để tiêu diệt khối u mà không làm tổn hại các mô khỏe mạnh?

Trong quá trình nghiên cứu, sinh viên sẽ gặp khó khăn trong việc tìm ra giải pháp cho cả hai loại vấn đề trừ khi họ được hướng dẫn tìm kiếm các điểm tương đồng giữa chúng. Khi tìm kiếm các điểm tương đồng, nhiều sinh viên để ý thấy (1) cả hai vấn đề đều đòi hỏi một lực lượng đủ mạnh nhắm vào một mục tiêu, (2) không thể tập trung toàn bộ sức mạnh và dẫn truyền theo một lộ trình duy nhất mà không gây ra tác dụng phụ và (3) những lực tác động nhỏ hơn có thể tiến tới mục tiêu nhưng lại không đủ mạnh để giải quyết vấn đề. Bằng cách phát hiện ra những điểm tương đồng, các sinh viên thường áp dụng chiến lược chia nhỏ tổng lực thành các lực tác động nhỏ hơn và dẫn truyền chúng thông qua những lộ trình khác nhau để hội tụ chúng vào phá hủy mục tiêu mà không làm kích hoạt mìn hay phá hủy những mô khỏe mạnh. Và đây là phần thưởng của việc đó: sau khi tìm ra phương pháp nền tảng chung, các sinh viên có thể quy nhiều vấn đề khác nhau về cùng một số dạng thức chủ yếu và xử trí chúng.

Tương tự như những gì chúng ta biết về sự chênh lệch trong khả năng tiếp thu giữa những cá nhân giỏi xây dựng kết cấu tư duy với những cá nhân không có lợi thế này, nhận thức của chúng ta về sự khác biệt trong hiệu quả giữa việc học theo các quy tắc và học thông qua các ví dụ mới chỉ dừng lại ở mức độ sơ khai. Tuy nhiên, chúng ta ý thức được rằng những học viên có khả năng thiết lập các mô hình tư duy và đúc rút các nguyên lý gặt hái được nhiều thành quả kiến thức hơn những sinh viên chỉ học qua các ví dụ và không thể xây dựng các kết cấu tư duy. Có thể bạn sẽ băn khoăn liệu khả năng tư duy theo kết cấu có liên hệ gì với xu hướng học tập theo các quy luật cơ bản hay không. Tiếc rằng các nghiên cứu hiện nay chưa thể đưa ra câu trả

lời cho vấn đề này.

Bạn có thể quan sát quá trình phát triển khả năng thiết lập tư duy cấu trúc và kỹ năng học hỏi trong cách một đứa trẻ kể một câu chuyện đùa. Có lẽ một cậu bé ba tuổi không thể diễn tả trò chơi cốc cốc cốc vì em không thể hiểu cấu trúc của trò chơi. Nghe tiếng gõ cửa, người anh đáp lại “Ai đó?” và cậu bé vội vàng đi ngay tới điểm nút của trò chơi: “Cửa khóa rồi, em không vào được!” Em không hề biết phải trả lời “Doris” sau câu hỏi “Ai đó?” để bắt đầu trò chơi. Nhưng cậu nhanh chóng trở thành bậc thầy trong trò chơi này trước khi lên năm: cậu đã có thể nhớ được kết cấu của nó. Tuy nhiên, cậu bé năm tuổi vẫn chưa thể thành thạo mọi trò chơi vì cậu chưa nắm bắt đủ những yếu tố cần thiết của mỗi trò chơi. Luôn có một quy tắc tất yếu: mọi trò chơi đều cần đến một nút thắt, hiển hiện rõ ràng hoặc được ngụ ý ám chỉ.

Nếu bạn xem xét lại bài học đầu tiên của Bruce Hendry về giá trị thu được từ một vali đựng đầy những loại pháo hoa khó kiếm, bạn có thể hiểu được cách ông xây dựng cán cân cung-cầu trong công việc kinh doanh sau đó nhiều năm khi ông bắt gặp những toa xe chở hàng. Chỉ có điều đó là một mô hình tư duy phức tạp hơn nhiều và đòi hỏi áp dụng những kiến thức về rủi ro tín dụng, chu kỳ kinh doanh, quy trình giải quyết phá sản mà ông đã bồi đắp suốt hàng năm trời. Tại sao những toa hàng lại rơi vào tình trạng dư thừa? Vì những chính sách thuế đã khuyến khích các nhà đầu tư đổ quá nhiều tiền vào quy trình sản xuất các toa xe chở hàng. Và đâu là giá trị của một chiếc toa hàng? Để làm ra và duy trì một chiếc luôn trong tình trạng như mới người ta đã phải tiêu tốn đến 42.000 đô-la vì chúng là vài trong số những chiếc toa hàng cuối cùng được sản xuất. Hendry đã nghiên cứu tuổi thọ của một toa xe và giá trị phế liệu của nó (tính theo giá thị trường), cũng như nghiền ngẫm các hợp đồng cho thuê. Ngay cả nếu tất cả xe của ông đều để không, thì các khoản thanh toán từ những hợp đồng cho thuê vẫn mang lại cho ông chút ít lợi nhuận trong giai đoạn dư thừa và thị trường đang quay vòng.

Giả sử như chúng ta có mặt trong thời điểm đó, chúng ta cũng sẽ nghĩ đến điều đó hoặc mua lại những chiếc toa chở hàng. Nhưng nó không hề giống đầu tư vào một chiếc túi đựng đầy pháo hoa dù cho chúng ta áp dụng cùng một nguyên tắc cung cầu cơ bản cho cả hai trường hợp. Bạn phải mua những chiếc toa hàng có giá trị xứng đáng và biết làm thế nào để bắt tay vào việc, điều mà chúng tôi vẫn gọi bằng một thuật ngữ đời thường là các kỹ năng. Kiến thức chưa thể trở thành kỹ năng cho đến khi bạn có thể nắm bắt được những nguyên lý nền tảng và phối hợp chúng nhuần nhuyễn trong một kết cấu lớn hơn. Kỹ năng là những hiểu biết biến tri thức của bạn thành hành động.

Với những điều chúng ta đã biết về sự khác biệt của mỗi cá nhân trong quá trình học tập, đâu là điều cần đúc rút và ghi nhớ?

Hãy tự chịu trách nhiệm với chính quá trình học tập của mình. Có một chân lý từ lâu vẫn được lưu truyền trong giới kinh doanh là bạn không thể cứ ngồi trong lều mà bắn một con hươu. Trong quá trình học tập cũng vậy: bạn phải bước ra thế giới bên ngoài, thích nghi với nó và tìm ra điều mình muốn theo đuổi. Sự tinh thông trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là đối với những kiến thức phức tạp, các kỹ năng và thao tác là một cuộc tìm kiếm. Đó không phải là vấn đề thứ hạng trong một kỳ thi, một yêu cầu được đặt ra bởi huấn luyện viên, hay một việc đến với bạn đơn giản và dễ dàng như tuổi già và tóc bạc.

Nắm bắt kiến thức cần thiết để tạo dựng thành công. Hãy gạt bỏ mọi phân biệt và thành kiến: đừng khư khư bám lấy phong cách học tập bạn vẫn ưa thích, mà hãy thích nghi với điều kiện và nguồn tài liệu bạn có, cũng như huy động tất cả “các dạng thức trí tuệ” mà bạn có để nắm vững tri thức hay kỹ năng mà bạn muốn làm chủ. Hãy hình dung ra điều bạn muốn biết, muốn làm hay muốn chinh phục. Rồi bạn liệt kê những kỹ năng thiết yếu, những điều cần học và nơi bạn có thể thu nhận tri thức và rèn luyện kỹ năng. Sau đó bạn mới tiến hành.

Lưu ý duy trì sở trường của bạn trong trạng thái phát triển liên tục, thực hiện các bài kiểm tra năng động một cách hệ thống để phát hiện ra những nhược điểm của bạn trong quá trình học tập và tập trung vào cải thiện những nhược điểm này. Phát huy ưu điểm của mình là một phương pháp khôn ngoan, nhưng bạn có thể nâng cao năng lực và sự linh hoạt hơn nữa nếu như cùng lúc bạn áp dụng cả hệ thống kiểm tra, phương pháp thử nghiệm và sai sót nhằm hoàn thiện những lĩnh vực mà kiến thức cũng như quá trình thực hiện của bạn chưa phát huy đến mức tối đa.

Áp dụng những chiến lược học tập chủ động như ôn luyện thường xuyên, ngắt quãng và lồng ghép các nội dung kiến thức. Bạn phải trở nên tháo vát và năng nổ. Một số người mắc chứng khó đọc vẫn có thể trở thành những cá nhân cực kỳ thành đạt. Tương tự như thế, bạn có thể trau dồi những kỹ năng thay thế hay bù đắp cho những hạn chế hay khuyết điểm trong năng lực của mình.

Đừng chỉ dựa dẫm vào những gì mà bạn cảm thấy là tốt nhất: giống như một phi công giỏi luôn kiểm tra những máy móc mà mình có, hãy sử dụng những bài kiểm tra, những nhận xét phê bình của bạn học và những công cụ khác đã được đề cập đến trong chương 5 để đảm bảo rằng nhận thức của bạn về kiến thức và khả năng của mình là chính xác, cũng như những mục tiêu chiến lược của bạn là đúng đắn.

Đừng nghĩ rằng mình đang làm điều gì đó sai lầm nếu như bạn cảm thấy khó khăn trong quá trình học tập. Bạn nên nhớ rằng những khó khăn bạn có thể vượt qua bằng cách nỗ lực tư duy hơn nữa sẽ mang lại cho bạn những kiến thức sâu sắc và lâu bền như một sự đền bù xứng đáng.

Nắm được những nguyên tắc nền tảng; xây dựng hệ thống cơ cấu tư duy. Nếu bạn thường học tập thông qua các ví dụ, hãy nghiên cứu hai hay nhiều ví dụ cùng một lúc thay vì từng ví dụ một, và tự hỏi chính mình xem chúng giống và khác nhau như thế nào. Liệu đó là những điểm khác biệt đòi hỏi những giải pháp khác nhau, hay những điểm tương đồng có thể được giải quyết theo cùng một cách?

Phân tích ý tưởng hay năng lực bạn mong muốn đạt tới thành những phần nhỏ hơn. Nếu bạn nghĩ mình không giỏi trong việc thiết lập những mô hình tư duy hay mình chỉ có thể tiếp thu kiến thức từ những ví dụ, hãy đặt ra những chu kỳ trong quá trình nghiên cứu một tài liệu mới để có thể ngừng lại và tự hỏi đâu là những tư tưởng và quy tắc chủ đạo. Mô tả cụ thể từng ý tưởng đó và nhớ lại những quan điểm có liên quan. Trong số đó, ý tưởng nào giữ vai trò trung tâm và ý tưởng nào có tính hỗ trợ? Giả dụ như bạn đang tự kiểm tra chính mình về những ý chính này thì bạn sẽ diễn đạt chúng như thế nào?

Bạn có thể hình dung ra loại mô hình hay khuôn khổ nào để kết nối và phối hợp những tư tưởng chủ đạo đó? Nếu chúng ta mượn hình ảnh chiếc cầu thang xoắn ốc như một phép ẩn dụ về kết cấu mô hình đầu tư của Bruce Hendry, chúng ta cũng có thể áp dụng nó trong trường hợp này. Những chiếc cầu thang xoắn ốc luôn có ba phần: một cột trụ ở vị trí trung tâm, những bậc cầu thang và các ván đứng giữa hai bậc cầu thang. Hãy tưởng tượng cột trụ trung tâm như một thứ kết nối chúng ta từ vị trí hiện tại (dưới thấp) tới vị trí mong muốn (trên cao): đó là một cơ hội đầu tư. Mỗi bậc cầu thang là một yếu tố trong quy trình kinh doanh để bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ thua lỗ hay sa sút và mỗi ván đứng là một sức mạnh nâng chúng ta lên một mức cao hơn. Những cơ hội kinh doanh hấp dẫn, cũng giống như những chiếc thang, không thể vận hành nếu không có các bậc thang và ván đứng. Hiểu biết về giá trị của những toa xe chở hàng là một bậc thang, điều giúp Bruce ý thức được rằng lợi nhuận ông thu về sẽ không ít hơn khoản đầu tư của mình. Một bậc thang khác là thu nhập được đảm bảo chắc chắn từ việc cho thuê lại những toa xe này trong lúc ông gặp khó khăn về nguồn vốn. Còn đâu là những ván đứng? Nguy cơ khan hiếm luôn thường trực sẽ nâng cao giá trị thị trường của những toa hàng. Tình trạng như mới của những chiếc toa hàng mới quyết định giá trị tiềm ẩn của chúng. Một thương vụ mà thiếu đi những bậc thang và ván đứng như thế thì không thể tránh khỏi những bất lợi.

Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh ẩn dụ của một nhà thơ về các kết cấu trong tất cả những sự vật hiện hữu xung quanh. Một cái cây với rễ, thân và nhánh. Một dòng sông. Một thị trấn với

những con phố, tòa nhà, căn hộ, cửa hàng và văn phòng. Cấu trúc của thị trấn lý giải cách thức các yếu tố được liên kết với nhau mà nhờ đó cộng đồng có thể tồn tại, điều không thể xảy ra nếu như các yếu tố cấu thành chỉ được bố trí rải rác một cách ngẫu nhiên trên một vùng đất trống trải.

Những gì bạn đạt được nhờ nắm vững các nguyên lý cơ bản và kết hợp chúng nhuần nhuyễn trong một kết cấu không chỉ là kiến thức mà còn là những kỹ năng. Đó mới chính là ưu thế giúp bạn tiến bộ.

Chương 7. Phát triển các khả năng của bạn

Trong một nghiên cứu nổi tiếng từ thập niên 1970, một nhà khoa học đã tiến hành lần lượt

đưa từng em nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo vào một căn phòng. Trong đó không hề có một phương tiện giải trí hay điều gì thú vị ngoại trừ chiếc kẹo dẻo đặt trên một chiếc khay trên bàn. Khi nhà nghiên cứu rời phòng, ông bảo cậu bé rằng cậu có thể ăn kẹo dẻo ngay lúc đó, nhưng nếu cậu đợi thêm 15 phút, cậu sẽ được thưởng thêm một chiếc kẹo thứ hai.

Thông qua một chiếc gương, Walter Mischel cùng những sinh viên của mình quan sát quá trình các em nhỏ đối mặt với tình huống khó xử đó. Một số nhét kẹo dẻo vào miệng ngay khi

Một phần của tài liệu Bí quyết học đâu nhớ đó (Trang 119 - 128)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)