TƯ DUY CẦU TIẾN

Một phần của tài liệu Bí quyết học đâu nhớ đó (Trang 137 - 140)

PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG PHÂN BIỆT

TƯ DUY CẦU TIẾN

khơi gợi ký ức.

TƯ DUY CẦU TIẾN

Hãy cùng xem lại một câu châm ngôn: “Nếu nghĩ mình có thể hay không thể làm gì đó thì bạn đều đúng.” Nếu thế thì chắc hẳn ở đây có nhiều chân lý hơn là trí khôn. Quan điểm đóng một vai trò rất quan trọng. Những nghiên cứu của nhà tâm lý học Carol Dweck đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm khi chỉ ra mức độ tác động của một kết luận đơn giản lên quá trình tiếp thu và thực hành: đó là niềm tin rằng trình độ tư duy của bạn không phải là bất biến mà phụ thuộc phần nhiều vào sự kiểm soát của chính bạn.

Dweck và các đồng nghiệp của bà đã tái hiện và nhân rộng những kết quả đã thu được của mình trong rất nhiều nghiên cứu. Ở một trong những thử nghiệm đầu tiên, bà tiến hành một nhóm thảo luận dành cho những học sinh lớp 7 có kết quả học tập yếu kém của trường trung học cơ sở New York. Tại đây bà giảng giải cho các em về não bộ và những phương pháp học tập hiệu quả. Phân nửa nhóm được tiếp cận một bài thuyết trình về trí nhớ, nhưng phần còn lại được nghe giải thích về quá trình biến đổi của não bộ nhờ sự nỗ lực học hỏi: đó là khi bạn cố gắng hết sức và học được một điều mới mẻ, bộ não sẽ thiết lập những mối tương quan, và dần dần những mối tương quan này sẽ khiến bạn trở nên khôn ngoan hơn. Nhóm này được dạy rằng sự phát triển trí tuệ không phải là sự bộc phát tự nhiên của trí thông minh mà là kết quả

của những mối liên hệ được hình thành thông qua quá trình nỗ lực và học hỏi. Sau buổi thảo luận, cả hai nhóm đều được sàng lọc lại trong các bài tập trên lớp. Giáo viên của các em không hề biết rằng một số học sinh của mình đã được dạy rằng nỗ lực học tập có thể biến đổi não bộ, nhưng khi bước vào năm học, những học sinh thực hiện điều mà Dweck vẫn gọi là “tư duy cầu tiến” tin tưởng rằng mình có thể kiểm soát được phần lớn trí tuệ của mình, và các em trở thành những học sinh năng nổ hơn cũng như đạt kết quả tốt hơn hẳn so với nhóm thứ nhất, tập hợp những em tiếp tục duy trì quan điểm thông thường của mình, điều vẫn được Dweck gọi là “tư duy bảo thủ” khi cho rằng khả năng tư duy của mình đã được định sẵn từ lúc mới ra đời bởi những năng khiếu tự nhiên bẩm sinh.

Dweck luôn băn khoăn tìm hiểu tại sao một số người trở nên bất lực khi họ đối mặt với thử thách và thất bại trong khi số khác phản ứng lại với sự thất bại bằng cách áp dụng những chiến lược mới và nhân đôi nỗ lực. Điều đó đã gợi ý tưởng cho những nghiên cứu của bà. Bà đã phát hiện rằng sự khác biệt căn bản giữa hai cách phản ứng này nằm trong chính cách họ nhìn nhận nguyên nhân của những thất bại: những người quy kết thất bại là do sự thiếu năng lực của bản thân – “Tôi không đủ thông minh” – sẽ bỏ cuộc. Những người lý giải thất bại là hậu quả của sự thiếu nỗ lực hay một chiến lược thiếu hiệu quả sẽ tiếp tục đào sâu nghiên cứu và thử nghiệm các phương pháp khác nhau.

Dweck khám phá ra rằng một số sinh viên đặt mục tiêu dựa trên những thành tích thu được từ quá trình thực hiện, trong khi số khác gắng sức đạt tới mục đích gặt hái kiến thức. Trong trường hợp thứ nhất, bạn học tập để chứng tỏ năng lực của mình. Trong trường hợp thứ hai, bạn học tập để thu nhận những kiến thức hay kỹ năng mới. Những cá nhân chú trọng vào thành tích thường vô tình tự hạn chế tiềm năng của mình. Nếu mục đích của bạn là chứng tỏ hay bộc lộ năng lực của mình, bạn sẽ lựa chọn những vấn đề mà bạn tự tin rằng mình có thể vượt qua. Bạn muốn tỏ ra thông minh, do đó bạn sẽ lặp đi lặp lại kỳ công đó. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là nâng cao khả năng của mình, bạn sẽ lựa chọn những thử thách với độ khó không ngừng gia tăng, và bạn nhìn nhận thất bại như nguồn thông tin hữu ích mà nhờ đó bạn có thể gia tăng khả năng tập trung, trở nên sáng tạo và nỗ lực hơn nữa. Dweck cho rằng: “Nếu muốn liên tục chứng minh một điều gì đó nhiều lần, bạn sẽ cảm thấy ‘năng lực’ giống như một điều gì đó tĩnh tại ẩn sâu ngay bên trong bạn, trong khi nếu bạn muốn cải thiện năng lực của mình, bạn phải cảm thấy nó là một điều gì đó năng động và có thể rèn giũa.” Mục tiêu tiếp thu tri thức làm nảy sinh những suy nghĩ và hành động hoàn toàn khác với mục tiêu gặt hái thành tích.

Nghịch lý thay khi sự chú trọng thành tích đôi khi lại nhấn chìm một số vận động viên nổi tiếng. Được khen ngợi nhờ tài năng “bẩm sinh”, họ tin rằng thành quả họ có được là kết quả của thiên khiếu. Nếu đó là những phẩm chất tự nhiên thì họ chẳng cần phấn đấu nhiều để trở nên thuần thục và thực sự nhiều người trong số họ nghĩ như vậy. Họ hạn chế rèn luyện, vì coi nhu cầu rèn luyện là một bằng chứng để công chúng thấy rằng họ không đủ thiên khiếu để trở

thành ngôi sao. Quá chú trọng vào thành tích thay vì tập trung vào mục tiêu phát triển và gặt hái kiến thức khiến người học do dự trước việc chấp nhận rủi ro hay mạo hiểm hình ảnh của bản thân vào sự nhạo báng của dư luận khi tự đặt mình vào một tình huống mà trong đó họ phải toát mồ hôi trước những tác động của dư luận.

Công trình của Dweck đã tiếp tục nghiên cứu sự khen ngợi và tác động của nó tới việc con người định hình phương thức phản ứng trước các thử thách. Sau đây là một ví dụ. Một nhóm học sinh lớp 5 được yêu cầu giải một câu đố. Một số học sinh được khen ngợi là thông minh vì đã tìm ra đúng đáp án; một số khác được khen ngợi vì đã cố gắng chăm chỉ. Sau đó các học sinh này được phép chọn một câu đố khác: một câu đố với độ khó tương tự hoặc một câu đố khó hơn. Nhưng nhờ đó các em có thể tiếp thu thêm được kiến thức bằng cách nỗ lực giải đáp chúng. Phần lớn những học sinh đã từng được tán dương vì sự thông minh của mình đều chọn câu đố dễ hơn, và 90% học sinh đã được khen ngợi vì sự cố gắng chọn câu hỏi khó hơn.

Cuộc khảo sát thay đổi khi các học sinh nhận được các câu đố từ hai người là Tom và Bill. Các học sinh có thể giải những câu đố Tom đưa ra bằng sự cố gắng, nhưng những câu hỏi Bill mang đến thì lại vô phương giải đáp. Tất cả các em đều nhận các câu hỏi từ cả Tom và Bill. Sau khi nghiên cứu các câu hỏi, một số em được khen ngợi là thông minh và số khác được khen nhờ đã cố gắng. Trong lượt hai, các em phải giải đáp nhiều câu hỏi hơn từ cả Tom và Bill, và lần này tất cả đều nằm trong khả năng giải đáp của các em. Và một điều ngạc nhiên là: rất ít học sinh trong số những em đã được tán dương vì sự thông minh khi giải được những câu hỏi của Bill mặc dù chúng chẳng khác gì những câu hỏi mà các em này đã giải được khi chúng được đưa ra bởi Tom. Đối với những học sinh được công nhận là cực kỳ thông minh, trải nghiệm thất bại khi giải các câu đố của Bill trong vòng một đã định hình trong các em ý thức về sự bất lực.

Khi bạn khen ngợi trí tuệ của trẻ, chúng sẽ nhận được thông điệp rằng mục đích trọng yếu là được công nhận như một đứa trẻ thông minh. “Sự đề cao nỗ lực đặt ra cho trẻ một biến số hiếm có mà chúng có thể kiểm soát,” Dweck nói, “nhưng đề cao trí thông minh bẩm sinh sẽ khiến trẻ mất kiểm soát, và nó chẳng mang lại cách thức tốt đẹp nào để phản ứng với sự thất bại.”

Trong cuốn sách vừa xuất bản mang tên Điều gì làm nên thành công của trẻ?5 (How children succeed), Paul Tough đã rút ra một kết luận từ những công trình khoa học của Dweck và các nhà nghiên cứu khác rằng chúng ta thành công phần nhiều là nhờ sự rèn giũa bền bỉ, lòng ham hiểu biết và sự kiên định hơn là chỉ số thông minh. Một gia vị không thể thiếu trong công thức dẫn tới thành công là đối mặt với những nghịch cảnh ngay từ tuổi ấu thơ và học cách vượt qua chúng. Tough viết rằng những đứa trẻ sinh ra từ những tầng lớp đáy cùng xã hội bị bủa vây bởi quá nhiều thử thách và thiếu thốn điều kiện đến mức các em không có nổi một cơ

hội để trải nghiệm sự thành công. Nhưng chính ở đó lại nảy sinh một nghịch lý. Có những đứa trẻ được sinh ra trong những gia đình bao gồm những thành viên là các cá nhân dẫn đầu trong xã hội, được nuôi dưỡng trong một môi trường sung túc, được khen ngợi vì trí tuệ xuất chúng, được cha mẹ bao bọc và nâng đỡ khỏi mọi khó khăn, không bao giờ được phép tự mình trải nghiệm sự thất bại hay thành công trong những tình thế khó khăn. Các em này không có được phẩm chất cần có – trau dồi những kinh nghiệm thiết yếu để có thể gặt hái thành công trong tương lai. Một cô bé sinh ra trong một gia đình sung túc và lớn lên với sự kiêu ngạo ít khi nắm bắt được những thử thách mà nhờ đó em có thể khám phá hết khả năng của mình. Quá chú trọng tới sự công nhận của người khác về trí tuệ của mình khiến con người do dự không dám chấp nhận những rủi ro trong cuộc sống, những điều nhỏ nhoi nhưng chắp cánh cho họ bay tới những khát vọng của mình, cũng như những bước tiến táo bạo tới sự thành công. Sự thất bại, theo như cách Dweck đã đề cập với chúng ta, mang tới cho bạn nguồn thông tin hữu ích và cơ hội để bạn khám phá ra bạn có thể làm được gì khi bạn thực sự quyết tâm.

Kết luận chúng ta có thể rút ra từ những nghiên cứu của Dweck, Tough và các đồng nghiệp của họ trong lĩnh vực này là ngoài chỉ số thông minh, chính tính kỷ luật, sự táo bạo và tư duy cầu tiến mới là điều khiến con người thấm nhuần ý thức về tiềm năng và sức sáng tạo cùng sự kiên trì bền bỉ, những phẩm chất không thể thiếu để vươn tới những nấc thang nhận thức và thành công cao hơn. “Chỉ khi bị thúc đẩy bởi một thành phần tích cực, các kỹ năng nghiên cứu và học tập mới được giải phóng khỏi sự trì trệ,” Dweck khẳng định. Thành phần tích cực này là một nhận thức đơn giản nhưng lại vô cùng sâu sắc: sức mạnh tăng cường các khả năng của bạn phần lớn nằm trong tầm kiểm soát của chính bạn.

Một phần của tài liệu Bí quyết học đâu nhớ đó (Trang 137 - 140)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)