MỘT VÍ DỤ VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP CÓ TÍNH NĂNG SUẤT

Một phần của tài liệu Bí quyết học đâu nhớ đó (Trang 73 - 77)

PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG PHÂN BIỆT

MỘT VÍ DỤ VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP CÓ TÍNH NĂNG SUẤT

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, quá trình nỗ lực giải quyết một vấn đề mà không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ hình thức hướng dẫn nào được gọi là quá trình học tập có tính năng suất,

trong đó người học coi trọng việc tự “sản xuất” ra câu trả lời hơn là nhớ lại nó. Việc sản xuất này là một tên gọi khác của phương pháp thử và sai cổ điển. Tất cả chúng ta đều không xa lạ gì với các câu chuyện về những đứa trẻ còi cọc trong các gara ô tô ở thung lũng Silicon cùng những trò tào lao bên chiếc máy tính để rồi trở thành những nhà tỷ phú. Chúng tôi muốn trình bày ở đây một kiểu ví dụ khác, về Bonnie Blodgett ở Minnesota.

Bonnie là một nhà văn, một chuyên gia bài trí sân vườn không được đào tạo bài bản, đồng thời cũng là người luôn bị ám ảnh bởi một giọng nói thường trực không ngừng vang lên trong tâm trí về một ý thích nhất thời nào đó từng khiến bà bị bẽ mặt. Trong khi Bonnie là một phụ nữ với khiếu thẩm mỹ vượt trội, bà cũng là một người của những hoài nghi khác thường. “Phong cách học hỏi” của bà có thể được gọi là nắm-lấy-trước-khi-bạn-thấy-vì-nếu-bạn-thấy- trước-thì-có-thể-bạn-sẽ-không-thích-thứ-bạn-nhìn-thấy. Cuốn sách về làm vườn của bà ra mắt với cái tên The Blundering Gardener (tạm dịch: Người làm vườn hay mò mẫm). Tên gọi này là một cách để bà xua đi những thanh âm hồ nghi trong đầu, vì dù ý tưởng bất chợt tiếp theo có dẫn tới hậu quả gì, bà vẫn sẽ gắng sức thực hiện nó. “Mò mẫm có nghĩa là bạn triển khai kế hoạch của mình trước khi bạn tìm ra cách thích hợp để thực hiện nó, trước khi bạn biết mình đang vướng phải điều gì. Đối với tôi, rủi ro của việc nhận thức được điều mình đang chuẩn bị bước vào chính là ở chỗ nó sẽ trở thành chướng ngại khủng khiếp ngăn bạn bắt đầu hành động.”

Thành công của Bonnie đã chỉ ra rằng quá trình vật lộn với một vấn đề có thể khiến việc tiếp thu trở nên mạnh mẽ như thế nào, sự cố gắng bền bỉ và tận tụy để vươn lên trong một lĩnh vực cụ thể thông qua những nỗ lực thử nghiệm và sai sót có thể mang lại sự thấu suốt về những vấn đề phức tạp và hiểu biết rộng hơn mối tương quan giữa các sự vật. Khi chúng tôi có cuộc trò chuyện cũng là lúc bà vừa trở về sau chuyến đi tới miền Nam Minnesota để gặp gỡ một nhóm nông dân. Những người này muốn tham vấn hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực làm vườn của bà về một loạt các vấn đề từ bố cục và thiết kế đến các biện pháp kiểm soát sâu bệnh và tưới tiêu. Kể từ khi bà bắt đầu công việc làm vườn, các tác phẩm về vườn tược của Bonnie đã được đông đảo công chúng trên cả nước đón nhận và có được sự ủng hộ rộng rãi của các đại lý tiêu thụ. Khu vườn của bà cũng trở thành điểm tham quan của nhiều chuyên gia làm vườn khác.

Bonnie đến với lĩnh vực trang trí sân vườn vào tuổi trung niên khi bà nhận thấy bản thân gặp vấn đề với nhãn cầu. Bà chưa từng được đào tạo trong lĩnh vực này, điều duy nhất bà có là một khát khao cháy bỏng được dùng chính đôi bàn tay lấm bùn đất của mình để tạo nên những không gian thơ mộng trong từng góc của ngôi nhà ở khu phố cổ St. Paul, nơi bà chung sống cùng người chồng.

một quá trình khám phá đầy khắc nghiệt. Bà đã từng là một nhà văn và sau vài năm dấn thân vào lĩnh vực làm vườn, bà bắt đầu xuất bản một ấn phẩm hàng quý với tựa đề Garden Letter (tạm dịch: Tác phẩm trong vườn), trong đó bà ghi chép lại những khám phá, thất bại, những bài học và cả thành công của mình. Bà sáng tác và làm vườn theo cùng một phong cách, với cả sự táo bạo lẫn đức tính khiêm nhường, mang đến một sự kết hợp thú vị cũng như cái nhìn thấu đáo đáng ngạc nhiên, điều chắc chắn là thành quả của nhiều năm kinh nghiệm. Khi tự gọi mình là một “người làm vườn hay mò mẫm”, bà đang cho phép bản thân và cả chúng ta, những độc giả, được mắc sai lầm và tiến bộ từ chính sai lầm đó.

Chúng ta cần lưu ý rằng, trong khi đang tìm tòi kinh nghiệm của mình, ngoài hành vi làm vườn, Bonnie còn đang thực hiện hai quá trình học tập hiệu quả. Bà đang hồi tưởng lại từng chi tiết và câu chuyện về mỗi khám phá của mình – như một thí nghiệm trong việc ghép giống hai loài cây ăn quả chẳng hạn – và sau đó bà diễn giải sâu thêm cho người đọc bằng những kinh nghiệm của mình, tạo nên mối quan hệ nhân quả giữa thành quả đó với những gì liên quan mà bà đã học hay biết.

Sự thôi thúc thực hiện các đột phá liều lĩnh đã đưa bà băng qua những vùng thám hiểm rộng lớn trong kinh đô vườn tược, và tất nhiên, là cả thế giới của ngôn ngữ La-tinh hay các tác phẩm kinh điển về vườn tược. Chúng cũng thu hút bà đến với lĩnh vực thẩm mỹ học về không gian và cấu trúc, cũng như những kỹ thuật nảy sinh từ đó: xây dựng tường đá; đặt đường ống dẫn nước; lắp đặt một mái vòm trên nóc gara; thiết kế lối đi, bậc thang và cổng; dỡ toang một hàng rào cọc nhọn phong cách Gothic, rồi tái tạo chỗ gỗ đó để đảm bảo thông thoáng với những thanh ngang chắc chắn hơn nhằm níu ngôi nhà ba tầng sừng sững theo lối kiến trúc Victoria xuống và kết nối nó với những khoảnh vườn xung quanh. Nó giúp tạo ra những không gian ngoài trời thoáng đãng có thể quan sát dễ dàng từ ngoài phố đồng thời vẫn được bao bọc xung quanh, nhằm mang lại cảm giác riêng tư không thể thiếu, giữ cho khu vườn vẫn là không gian của chính nó. Những không gian đầy cá tính và bất cân xứng của bà mang đến hình dung về một sự tiến hóa tự nhiên nhưng vẫn thống nhất nhờ sự lặp lại của các họa tiết, đường nét và hình khối.

Một ví dụ đơn giản về phương pháp bà tiến dần tới sự tinh thông về một lĩnh vực ngày càng phức tạp là cách bà nắm bắt những kiến thức về phân loại thực vật và tên gọi La-tinh. “Khi tôi bắt đầu, thế giới thực vật hoàn toàn là một ngôn ngữ xa lạ với tôi. Tôi thường xuyên đọc sách về làm vườn và chẳng hiểu chúng một chút nào. Tôi không hề biết tên gọi của những loài cây, dù là ngôn ngữ phổ thông hay tiếng La-tinh. Trước đó tôi cũng chưa từng nghĩ đến việc học những thứ này. Đã có lúc tôi nghi hoặc: Sao mình lại muốn làm điều đó? Sao không chỉ đơn giản bước là ra ngoài kia, đào một cái hố và đặt thứ gì đó vào bên trong nó?” Thứ ưa thích của Bonnie là những bức vẽ mang đến cho bà những ý tưởng và thông điệp, mà trong đó các nhà thiết kế sử dụng lối diễn đạt như “phương pháp của tôi” để mô tả cách thức họ đạt tới những hiệu quả mong muốn. Đó là một đại từ sở hữu, phương pháp của tôi, thứ mà thông qua hành

động của mình Bonnie vẫn luôn tự quả quyết trong cuộc dấn thân liều lĩnh để tiếp thu kiến thức. Quan điểm ở đây là mọi phương pháp của mỗi người làm vườn đều chỉ thuộc về duy nhất cá nhân họ. Trong phương pháp của Bonnie, không xuất hiện những chỉ dẫn từ các chuyên gia và càng hiếm hoi hơn nữa những hiểu biết về hệ thống phân loại Linnaeus hay những cái tên La-tinh của các loài cây mà bà vẫn trồng trong hốc và kéo vòi dẫn nước vào. Nhưng khi bà vùng vẫy xoay xở trong thế giới đó, trong lúc lao động để sáng tạo nên những không gian diệu kỳ từ trong bùn đất, chúng liên tục nhảy múa trong đầu bà. Và bà đã đến với ngôn ngữ La-tinh và hệ thống Linnaeus theo cách mà bà không hề trông đợi.

“Bạn bắt đầu khám phá ra rằng những cái tên La-tinh rất hữu ích. Chúng có thể chỉ cho bạn con đường ngắn hơn để đến với những kiến thức về bản chất của các loài thực vật và chúng cũng giúp bạn ghi nhớ. “Tardiva” là tên của một giống thực vật, được đặt sau tiền tố “hydrangea” (tú cầu). Tiền tố “hydrangea” này là tên của một họ mà “tardiva” là một loài nằm trong số đó.” Bonnie đã học tiếng La-tinh tại trường trung học, cùng với tiếng Pháp, và tất nhiên là cả tiếng Anh. Và những manh mối về những ký ức bắt đầu được đánh thức. Sau “hydrangea” xuất hiện rất nhiều tên các loài hoa khác nhau, do đó bạn có thể nhận biết họ thực vật là “hydrangea” (tú cầu) rồi đến loài tú cầu là “tardiva”. Và giờ bạn còn biết rằng loài thực vật cụ thể này là một loài hoa nở muộn. Từ đó, bạn bắt đầu nhận ra rằng những danh pháp La- tinh là một cách để giúp bạn ghi nhớ và bạn thấy mình sử dụng chúng ngày càng nhiều hơn. Trí nhớ của bạn về các loài cây tốt hơn, nhờ tư duy kiểu như “procumbus” là tiền tố mang nghĩa là sự nằm trên, bò trên mặt đất. Nhờ thế, bà không còn thấy khó khăn để nhớ tên một loài cây cụ thể khi nó được gắn với một họ. Thông thuộc những danh pháp La-tinh cũng rất quan trọng vì sau đó bạn có thể hiểu biết rành mạch, cụ thể về một loài cây nào đó. Các loài thực vật có những tên gọi chung và tên gọi chung đó có tính khu vực, vùng miền. “Actaea raccemosa” là tên gọi chung của cây rắn đen (black cohosh), nhưng nó cũng được biết đến như cây chữa rắn cắn (snakeroot), và những tên gọi “blach cohosh” và “snakeroot” này thường được sử dụng cho cả những loài cây khác. Song chỉ có duy nhất một loài cây được gọi là “actaea racemosa”. Bất chấp khuynh hướng phản kháng của mình, Bonnie dần nắm bắt hệ thống phân loại cổ điển về các loài cây trang trí cũng như đánh giá cao cách phân loại của Linnaeus trong cách sắp xếp các mối quan hệ và truyền đạt các thuộc tính.

Bonnie cho biết những người nông dân bà vừa gặp rất thích thú kiến thức của bà về lợi thế của phân ủ và giun đất so với phân hóa học trong việc cung cấp dưỡng chất và thông khí trong đất, cũng như phương pháp phát triển và tăng cường bộ rễ trong điều kiện nước hạn chế bằng cách sử dụng một hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt tự chế. Giữa chừng câu chuyện chi tiết về cuộc gặp với họ, bà ngừng lại, ngẫm nghĩ về quá trình tất cả những kiến thức đó tự nhiên đến với mình. Đó chưa bao giờ là lĩnh vực bà từng có ý định chinh phục. “Hãy nhìn xem, mò mẫm thực sự không phải là một điều xấu. Đó là một điều tốt mà nhờ nó bạn có thể hoàn thành mọi thứ. Rất nhiều người bỏ cuộc khi họ dự liệu trước được tầm cỡ lớn lao của công việc cũng như những yêu cầu phát sinh từ đó.”

Tất nhiên, trong một số trường hợp – như học cách nhảy ra khỏi máy bay và mạo hiểm với mạng sống của mình – thì mò mẫm không phải là một chiến lược tối ưu.

Một phần của tài liệu Bí quyết học đâu nhớ đó (Trang 73 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)