PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG PHÂN BIỆT
CHỦ ĐỘNG TIẾP THU NGAY TỪ NHỮNG BƯỚC ĐẦU TIÊN
Một phần bí quyết làm nên thành công của Bruce chính là ý thức của ông, ngay từ những ngày còn rất nhỏ. Khi Bruce mới hai tuổi, bà Doris mẹ ông đã dặn ông không được băng qua đường vì một chiếc xe có thể sẽ đâm vào ông. Ngày nào cậu bé Bruce cũng băng qua đường và ngày nào bà Doris cũng phát vào mông cậu. “Nó đã táo bạo từ lúc mới sinh ra,” Doris vẫn nói với các bạn của bà như thế.
Lúc lên tám, chỉ với một hào, Bruce đã mua một cuộn dây trong một gian hàng đồ cũ, cắt nó ra và bán lại từng đoạn nhỏ với giá năm xu mỗi đoạn. Lúc lên mười, cậu đi giao báo. Mười một tuổi cậu có thêm nghề nhặt bóng tại sân gôn. Vào lúc mười hai tuổi, với 30 đô-la dành dụm được, cậu lẻn qua cửa sổ phòng ngủ từ trước bình minh cùng một chiếc vali trống rỗng và vẫy một chiếc xe để đi nhờ 400km đến Aberdeen, Nam Dakota. Cậu mua và tàng trữ pháo Black Cats, bom sơ ri, pháo hoa, những thứ bất hợp pháp ở Minnesota và vẫy xe về nhà trước bữa tối. Suốt cả tuần sau đó, Doris không thể tìm ra nguyên nhân vì sao tất cả các cậu bé giao báo đều dừng lại trước cửa nhà mình vài phút rồi mới rời đi. Công việc kinh doanh của Bruce phát đạt nhưng người giám sát các cậu bé giao báo đã phát hiện ra và mách cha của Bruce. Ông đã cảnh cáo Bruce rằng nếu như cậu còn làm như thế một lần nữa, ông sẽ đánh cậu một trận nhừ tử. Bruce vẫn tiếp tục hành trình mua bán đó một lần nữa vào mùa hè sau đó và nhận được trận đòn như đã được cảnh báo trước. “Điều đó là xứng đáng,” Bruce nói. Khi đó ông mới chỉ 13 tuổi và đã học được một bài học về thừa cầu và thiếu cung.
Bruce nhận ra rằng, những người thành đạt có lẽ không thông minh hơn ông, họ chỉ có những hiểu biết mà ông không có. Quá trình ông tìm kiếm những kiến thức mà ông cần có thể minh họa cho những điểm khác biệt quan trọng trong sự tiếp thu của mỗi cá nhân. Tất nhiên, điều đầu tiên là tự học, tự giáo dục chính mình là một thói quen Bruce đã nuôi dưỡng từ tuổi lên hai và duy trì nó bền bỉ một cách đáng kinh ngạc qua nhiều năm. Còn một số thói quen khác nữa của ông cũng minh chứng cho điều đó. Sau khi một kế hoạch kết thúc, ông rút ra những bài học và dấn thân vào một kế hoạch mới. Điều đó hoàn thiện khả năng đưa ra nhận định và định hướng mục tiêu của ông. Ông kết nối chặt chẽ những gì đã học hỏi được trong một mô hình tư duy nhằm phục vụ mục đích đầu tư, sau đó ông áp dụng mô hình này để vạch ra nhiều cơ hội phức hợp, tìm ra đường đi của riêng mình, nắm bắt những quan điểm đúng đắn giữa hàng loạt những thông tin không phù hợp để đạt tới phần thưởng cuối cùng là sự thành công. Các hành vi đó là những gì mà các nhà tâm lý học vẫn gọi là “học hỏi theo các quy luật” hay “xây dựng những cơ chế tiếp thu”. Những người có thói quen đúc rút những nguyên tắc hay quy luật cơ bản sau những trải nghiệm mới thường thành công hơn những người chỉ tiếp thu kinh nghiệm trên bề mặt mà không thể nhận thức được những bài học hàm ẩn trong đó, những bài học có thể được áp dụng trong những tình huống tương tự sau này. Giống như vậy, những người biết sàng lọc các khái niệm nổi bật ra khỏi những thông tin kém quan trọng hơn trong những tài liệu mới mà họ được tiếp xúc và những người biết liên kết những ý tưởng chủ chốt thành một cơ chế tư duy sẽ là những người học thành công hơn những cá nhân không thể phân biệt tốt xấu, hay dở cũng như không biết cách biến những kiến thức hữu ích thành kết quả trong thực tiễn.
Khi còn là một thiếu niên, Bruce đã nhìn thấy một tờ rơi quảng cáo về các lô đất gần hồ ở trung tâm Minnesota. Khi nhận được lời khuyên rằng chưa ai từng thua lỗ khi đầu tư vào bất động sản, cậu đã mua một lô. Vài mùa hè sau, cùng sự giúp đỡ hiếm hoi từ người cha, cậu đã xây dựng một ngôi nhà trên đó, đương đầu với từng bước một trong toàn bộ quá trình, tự mình khám phá hoặc tìm kiếm sự chỉ dẫn từ một ai đó có thể. Để đào móng, cậu mượn một chiếc xe
moóc và móc nó vào sau chiếc xe hiệu 49 Hudson của mình. Cậu trả các bạn mình 50 xu cho mỗi đống đất họ đào được, và sau đó cậu yêu cầu người chủ mảnh đất bên cạnh trả 1 đô-la cho mỗi đống đất họ cần để đắp nền. Cậu đã học được cách lát gạch từ một người bạn có cha kinh doanh xi măng rồi tự mình xây móng nhà. Cậu học cách lên khung cho những bức tường từ người bán hàng ở bãi xẻ gỗ. Cậu tự lắp đặt đường ống nước và mạng dây điện cũng theo cách như vậy. Một cậu bé hiếu kỳ luôn tìm tòi, học hỏi cách làm mọi thứ. Bruce nhớ lại: “Viên thanh tra điện lực không đồng ý cho tôi làm thế. Lúc đó tôi nhận ra rằng đó là vì họ muốn một người trong hiệp hội làm điều này, bởi thế tôi để cho một người như thế từ thành phố tới và làm lại toàn bộ mạng lưới dây điện của tôi. Nghĩ lại, tôi chắc chắn rằng mình đã làm một việc thực sự nguy hiểm.”
Năm 19 tuổi và đang là một sinh viên đại học, ông cho thuê lại ngôi nhà với hình thức trả tiền trước làm bốn kỳ ở Minneapolis. Một phép tính đơn giản: bốn căn hộ mang về bốn tấm séc hàng tháng. Không lâu sau, ngoài việc học tập ở trường đại học, ông đảm nhiệm việc quản lý ngôi nhà cho thuê, thanh toán khoản đặt cọc, trả lời những cuộc điện thoại lúc nửa đêm, sửa đường ống nước hỏng, nâng giá nhà và bị mất khách thuê, rồi lại cố gắng tìm người lấp chỗ trống và kiếm thêm nhiều tiền hơn. Ông đã học được cách biến một mảnh đất trống thành một ngôi nhà, và một ngôi nhà thành một tổ hợp bốn căn hộ. Nhưng rốt cuộc bài học có được cũng song hành cùng quả đắng, nó mang tới cho ông những cơn đau đầu còn nhiều hơn là phần thưởng mang lại. Ông đã bán khu nhà và dừng việc kinh doanh bất động sản trong vòng 20 năm sau đó.
Tốt nghiệp đại học, Bruce trở thành một nhân viên kinh doanh phim cho hãng Kodak. Đến năm thứ ba làm việc tại đây, ông lọt vào top năm nhân viên kinh doanh giỏi nhất trên toàn quốc. Đó cũng chính là năm ông khám phá ra hiệu suất làm việc của giám đốc chi nhánh nơi ông làm việc còn thấp hơn cả ông. Mức lương cao hơn nên thuộc về người giỏi hơn chứ không phải người quản lý. Đó là một bài học khác, một bước tiến lên trên những bậc thang xoắn ốc của Bruce. Ông nghỉ việc để chuyển sang bán chứng khoán trong một công ty môi giới.
Từ công việc mới này, ông gặt hái được thêm nhiều bài học: “Nếu tôi đầu tư một đô-la vào một doanh nghiệp kinh doanh ủy thác hoa hồng, một nửa sẽ được trao cho doanh nghiệp và một nửa trong số nửa còn lại do Sở Thuế vụ giữ. Để tạo ra lợi nhuận thực tế, tôi đã phải chú trọng nhiều hơn vào việc đầu tư bằng tiền của chính mình và giảm bớt việc kinh doanh ủy thác hoa hồng.” Chà chà, lại thêm một bài học khác: đầu tư cổ phiếu đồng nghĩa với rủi ro. Số tiền ông thua lỗ khi đầu tư bằng tiền của bản thân nhiều ngang với số tiền hoa hồng các khách hàng trả cho ông khi bán lại các khoản đầu tư. “Bạn không kiểm soát được mặt trái của quá trình này. Nếu một cổ phiếu rớt giá 50 xu, nó phải tăng lên 100 xu chỉ để hòa vốn. Mà mất 50 xu thì dễ chứ kiếm được 100 xu thì khó hơn nhiều!” Ông đã tích lũy được nhiều kiến thức. Ông đầu tư thời gian, tìm cách xoay xở để đạt được kết quả mình đang theo đuổi.
Sam Leppla xuất hiện.
Theo lời kể của Bruce, trong những ngày đó Leppla chỉ là một gã trai suốt ngày nhảy việc, chuyển hết công ty đầu tư này sang công ty đầu tư khác, bàn chuyện làm ăn và đưa ra lời khuyên. Một ngày nọ anh ta nói với Bruce về trái phiếu của một công ty sắp phá sản. Mỗi trái phiếu trị giá 1 đô-la đang được bán với giá 22 xu. “Những trái phiếu này có 22 điểm lợi tức không hoàn lại,” Bruce nhớ lại, “do đó khi công ty này phá sản, bạn sẽ thu hồi lại lợi tức của công ty - hay nói cách khác là 100% vốn đầu tư - mà bạn vẫn được sở hữu một trái phiếu sẽ được chi trả. Nó rốt cuộc sẽ trở thành tiền được cho không.” Bruce nói: “Tôi đã không mua bất kỳ trái phiếu nào trong số đó nhưng tôi theo dõi, và nó xảy ra chính xác như những gì Sam đã dự đoán. Bởi vậy, tôi gọi cho anh ta và nói: ‘Anh có thể ghé qua và nói chuyện với tôi về việc anh đang làm được không?’”
Leppla giảng giải cho Bruce một mớ kiến thức về các mối tương quan giữa giá cả, cung cầu và giá trị phức tạp hơn nhiều so với những gì ông đã học được kể từ ngày ông khởi đầu cùng chiếc vali đầy pháo hoa. Phương thức làm việc của Leppla được đúc rút từ những quy tắc sau đây. Khi một công ty rơi vào khó khăn, đối tượng đầu tiên được hưởng quyền với tài sản của công ty không phải là những người chủ sở hữu, hay các cổ đông mà chính là các chủ nợ: những nhà cung cấp và trái chủ - người nắm giữ trái phiếu. Có một trình tự phân hạng áp dụng cho trái phiếu. Những trái phiếu được chi trả đầu tiên gọi là trái phiếu cao cấp. Tất cả phần tài sản còn lại sau khi chi trả hết cho các trái phiếu cao cấp mới được dùng để thanh toán các trái phiếu thứ cấp. Trái phiếu thứ cấp của một công ty đang gặp khó khăn thường rẻ vì các nhà đầu tư lo ngại rằng sẽ không có đủ tài sản còn lại để bù đắp cho giá trị của các trái phiếu, nhưng chính mối nghi ngại, lười biếng và thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư có thể làm rớt giá trái phiếu xuống dưới mức giá trị thực của các tài sản cơ bản. Nếu bạn có thể xác định được giá trị thực đó và nắm được giá mua trái phiếu, bạn có thể an tâm đầu tư với tỷ lệ rủi ro rất thấp.
Đây chính là kiểu kiến thức mà Bruce vẫn tìm kiếm.
Vào thời điểm đó, các công ty đầu tư bất động sản ở Florida đang lâm vào cảnh khó khăn, do vậy Sam và Bruce bắt đầu để mắt đến những công ty này, mua trái phiếu ở những nơi họ có thể thấy rằng mức giá bán tháo đang hạ thấp giá trị thực của tài sản cơ bản một cách trầm trọng. “Chúng tôi đã mua chúng chỉ với 5 đô-la và bán lại với giá 50 đô-la. Mọi thứ chúng tôi mua đều sinh lời.” Công việc kinh doanh của họ vận hành tốt đẹp, nhưng giá cả thị trường đã bắt kịp các giá trị thực và chẳng bao lâu họ lại cần một ý tưởng mới.
Lúc đó, các xí nghiệp đường sắt ở phía đông sắp rơi vào cảnh phá sản và chính quyền liên bang đang mua lại tài sản của các xí nghiệp này để thành lập các công ty vận tải Conrail và Amtrak. Bruce kể: “Một ngày nọ Sam nói: ‘Cứ mỗi 50 năm, các xí nghiệp đường sắt lại phá sản và chẳng ai biết gì về chúng. Chúng thực sự rất phức tạp và cần nhiều năm để tìm hiểu.’ Bởi vậy chúng tôi tìm một chuyên gia hiểu biết về đường sắt tên là Barney Donahue. Barney nguyên là người đại diện của Sở Thuế vụ và cũng là một người say mê nghiên cứu về đường sắt. Nếu bạn đã từng gặp một người thực sự say mê đường sắt, bạn sẽ thấy họ nghĩ về nó, họ hít thở cùng nó, họ có thể nói cho bạn biết trọng lượng của đầu máy và cả các con số ghi trên những động cơ. Ông ấy chính là một trong số họ.”
Nguyên lý trọng tâm trong mô hình đầu tư của họ là thu thập nhiều thông tin hơn những nhà đầu tư khác về lượng tài sản còn dư và trật tự chi trả các trái phiếu. Nhờ được trang bị những hiểu biết chuẩn xác, họ có thể chọn lựa những trái phiếu thứ cấp với mức giá dưới giá trị thực mà lại có khả năng được chi trả cao. Donahue rà soát các công ty vận tải đường sắt khác nhau và quyết định rằng công ty tốt nhất để đầu tư vào là Erie Lackawanna, vì khi công ty này đệ đơn xin phá sản, nó có những thiết bị hiện đại nhất. Hendry, Leppla và Donahue đi sâu vào xem xét tỉ mỉ hơn. Họ đã đi xuyên suốt chiều dài tuyến đường ray của công ty Erie để kiểm tra tình trạng của nó. Họ kiểm kê các thiết bị còn lại, xem xét tình trạng của chúng và đối chiếu với các bản ghi chép về ngành vận tải của công ty xếp hạng tín dụng Moody để tính toán các giá trị. “Bạn chỉ cần làm phép tính: Một động cơ đáng giá bao nhiêu? Tương tự với một toa hàng? Một đoạn đường ray dài 1,6km?” Erie đã phát hành 15 trái phiếu khác nhau trong 150 năm hoạt động, và giá trị của mỗi trái phiếu phụ thuộc một phần vào xếp hạng thâm niên của công ty này so với các công ty khác. Bruce đã tìm ra một số văn bản trong đó các tổ chức tài chính đã thống nhất về trình tự thanh toán các trái phiếu khi tài sản bị thanh lý. Nhờ xác định được giá trị của các tài sản, khoản nợ và cơ cấu trái phiếu, họ biết giá trị của mỗi hạng trái phiếu. Những người cầm giữ trái phiếu chưa từng tính toán thì không thể nhận thức được điều đó. Trái phiếu thứ cấp bị bán ra ở mức giá tụt dốc thảm hại bởi lẽ chúng đã chìm quá sâu xuống đáy chuỗi thức ăn đến mức các nhà đầu tư ngờ rằng họ sẽ không thể thu hồi lại tiền của mình được nữa. Những tính toán của Bruce lại đề xuất điều ngược lại và ông đã mua vào.
Đó là một câu chuyện dài hơi mà chúng tôi khó có thể kể hết trong phạm vi cuốn sách này. Phá sản của một công ty vận tải đường sắt là một việc phức tạp đến mức đáng kinh ngạc. Bruce quyết tâm rằng mình phải thông hiểu về toàn bộ quá trình đó hơn bất cứ ai khác. Ông đến gõ cửa từng nhà, yêu cầu sự tác động từ những người bạn đang ở vị trí quản lý các thủ tục và cuối cùng ông cũng được tòa án bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch ủy ban đại diện cho lợi ích của những trái chủ trong quy trình phá sản. Khi Erie vượt lên khỏi bờ vực phá sản hai năm sau đó, ông đã là chủ tịch và giám đốc điều hành của công ty. Ông thuê Barney Donahue quản lý công ty. Hendry, Donahue và ban giám đốc cùng hướng công ty vượt qua những vụ kiện tụng còn lại. Và khi lượng tiền của công ty được ổn định, giá trị danh nghĩa của những trái phiếu Bruce đang nắm giữ tăng lên gấp đôi, tức là gấp 20 lần mức giá ông đã trả để mua một số trái phiếu thứ cấp.
Công ty Erie Lackawanna, cùng với tất cả sự phức tạp và những bứt phá phi thường như câu chuyện về David đánh bại người khổng lồ Goliath4, chính là điển hình về cách Bruce Hendry biến một đống hỗn độn thành một mối sinh lời: tìm kiếm một công ty đang lâm vào khó khăn, nghiên cứu các tài sản và khoản nợ, đọc chi tiết về các nghĩa vụ thanh toán nợ, xem