PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG PHÂN BIỆT
SỰ NỖ LỰC GIÚP BẠN TÁI CỦNG CỐ TRÍ NHỚ NHƯ THẾ NÀO?
Sự khôi phục kiến thức một cách khó khăn, như những gì diễn ra trong quá trình luyện tập bị gián đoạn, đòi hỏi bạn phải “nạp lại” hay xây dựng lại những yếu tố định hình các kỹ năng hay kiến thức đó một lần nữa từ trong trí nhớ dài hạn chứ không phải là lặp lại chúng một cách
vô thức qua các ký ức ngắn hạn. Trong quá trình hồi tưởng đòi hỏi sự nỗ lực và tập trung này, kiến thức lại được nhào nặn thêm một lần nữa: những khía cạnh quan trọng nhất trở nên rõ ràng hơn và sự tái củng cố tiếp theo đó gia tăng ý nghĩa cho nó, nuôi dưỡng các mối tương quan với những kiến thức trước đó, hỗ trợ quá trình nhớ lại sau này bằng các manh mối và xu hướng hồi tưởng, làm suy yếu những xu hướng đi ngược lại với chúng. Sự luyện tập cách quãng cho phép một chút lãng quên chen vào giữa các giai đoạn luyện tập. Phương pháp này củng cố cả khả năng tiếp thu và các manh mối cũng như giúp bạn hồi tưởng lại kiến thức một cách dễ dàng mỗi khi cần đến. Nó cũng giống như trường hợp người ném bóng cố gắng khiến cho người đập bóng bất ngờ với một cú ném bóng vòng sau vài cú ném nhanh. Càng nhiều sự cố gắng được huy động để nhớ lại một ký ức hay thực hiện một kỹ năng, miễn là cố gắng đó hiệu quả, thì hành vi hồi tưởng hay thực hiện đó càng mang lại nhiều lợi ích cho quá trình học hỏi.
Hình thức rèn luyện tập trung mang lại cảm giác yên tâm như thể chúng ta đã làm chủ kiến thức. Bởi lẽ chúng ta đang móc nối thông tin từ những ký ức tức thời chứ không phải xây dựng lại hiểu biết từ trí nhớ dài hạn. Nhưng cũng giống như những gì đã xảy ra khi ta áp dụng việc đọc lại tài liệu như một chiến lược học tập, sự nhuần nhuyễn trôi chảy đạt được nhờ rèn luyện tập trung chỉ mang tính tạm thời và cảm giác làm chủ kiến thức chỉ là ảo tưởng. Chính quá trình bồi đắp lại tri thức đầy khó khăn mới làm nên sự củng cố và tri thức sâu sắc hơn.
Thiết lập những mô hình tư duy
Nhờ những nỗ lực luyện tập, một chuỗi ý tưởng phức hợp có quan hệ với nhau hay một hệ thống kỹ năng vận động được hợp nhất lại, hình thành nên một mô hình tư duy, quá trình này có phần tương đồng với một “ứng dụng của não bộ”. Khi học lái xe chúng ta phải thực hiện đồng thời một loạt các thao tác. Những thao tác này đòi hỏi chúng ta phát huy tối đa sự tập trung và khéo léo trong quá trình học. Nhưng theo thời gian, sự kết hợp của nhận thức và các kỹ năng vận động – chẳng hạn như các hiểu biết và thao tác cần có để đậu xe song song hay gạt cần số – trở nên thâm căn cố đế như một mô hình tư duy và những mô hình như thế này được liên kết với hành động lái xe. Các mô hình tư duy là những dạng kỹ năng có hiệu quả cao và được củng cố chắc chắn (kỹ năng nhận biết và xử lý một cú ném bóng vòng) hay những cấu trúc kiến thức (một chuỗi các nước cờ được ghi nhớ). Những kỹ năng hay cấu trúc tri thức này, cũng giống như thói quen, có thể được điều chỉnh để thích ứng và áp dụng trong những trường hợp khác nhau. Màn trình diễn chuyên nghiệp được bồi đắp từ hàng ngàn giờ luyện tập của bạn trong lĩnh vực chuyên môn, dưới những điều kiện khác nhau, qua đó bạn tích lũy được một kho tàng phong phú các mô hình tư duy. Điều này cho phép bạn nhận thức chuẩn xác một tình huống được đưa ra cũng như ngay lập tức lựa chọn và thực hiện phương án phản ứng chính xác.
Luyện tập thông qua hồi tưởng là phương thức luyện tập mà bạn thực hiện tại những thời điểm khác nhau, trong những tình huống khác nhau và có sự đan xen, lồng ghép của nhiều tài liệu học tập. Do đó, nó có lợi thế của sự kết nối giữa những liên tưởng mới với tài liệu. Quá trình này thiết lập nên các mạng lưới tri thức có mối liên hệ với nhau, những mạng lưới có tác dụng hỗ trợ và nâng cao trình độ trong lĩnh vực chuyên môn của bạn. Luyện tập khả năng ghi nhớ giúp bạn bổ sung thêm các dấu hiệu khơi gợi lại kiến thức cũng như tạo nền tảng cho bạn ứng dụng chúng linh hoạt hơn trong tương lai.
Thử hình dung về một vị bếp trưởng dày dạn kinh nghiệm với nguồn kiến thức đa dạng và phong phú về sự tác động qua lại của hương vị và cách bài trí món ăn; sự biến đổi hình thái của các nguyên liệu dưới tác dụng của nhiệt; những kết quả khác nhau thu được khi bạn sử dụng một cái xoong so với một cái chảo, hay dụng cụ nấu nướng bằng đồng so với bằng gang. Thử hình dung về một chuyên gia câu cá bằng ruồi; một người có thể cảm thấy sự xuất hiện của một con cá hồi và nhận định chính xác những con có khả năng là cá hồi; chọn loại mồi câu thích hợp trong các loại ruồi giả, nhộng hay bọ; xác định hướng gió, biết phải thả mồi thế nào và đến đâu để câu được cá hồi. Thử nghĩ về một cậu bé trên chiếc xe đạp trình diễn BMX, cậu có thể thực hiện những động tác bunny-hop (di chuyển đặc biệt nhanh như lướt trên mặt đất), động tác tail whip (xoay mình trên không) và những cú wall tap (trượt trên bề mặt dốc) trên những địa hình đường phố không hề quen thuộc. Sự lồng ghép và đa dạng hóa làm xáo trộn các tình huống luyện tập, tạo mối liên kết giữa các kỹ năng và kiến thức đã có với tri thức mới đang được tiếp thu. Điều đó khiến những mô hình tư duy của chúng ta trở nên linh hoạt hơn, cho phép chúng ta áp dụng hiểu biết của mình vào nhiều tình huống hơn.
Bồi đắp những hiểu biết về mặt nhận thức
Con người nắm bắt các khái niệm như thế nào? Chẳng hạn trong trường hợp tìm hiểu sự khác nhau giữa loài chó và mèo, ta tình cờ bắt gặp những ví dụ khác nhau như chó Chihuahua, mèo mướp, chó Great Dane, sư tử (trong sách tranh), mèo tam thể, chó sục Welsh. Sự tiếp xúc bị gián đoạn và đan xen là đặc tính của hầu hết những trải nghiệm thông thường của con người. Đó là một phương pháp học hiệu quả, vì dạng thức tiếp xúc này góp phần củng cố các kỹ năng phân loại – nhận biết các chi tiết đặc thù (một con rùa ngoi lên để thở nhưng một con cá thì không) – và các kỹ năng suy luận: phỏng đoán các quy luật chung (cá có thể thở dưới nước). Sự hồi tưởng lại quá trình nghiên cứu lồng ghép, đan xen giữa các loài chim trong một tình huống với các tác phẩm hội họa trong một tình huống khác giúp người học có thể phân biệt các loài chim hay các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ khác nhau. Đồng thời giúp họ có thể xác định những đặc điểm tương đồng cơ bản của các mẫu vật trong cùng một loài chim hay các tác phẩm của cùng một nghệ sĩ trong cùng một thời điểm. Khi chúng tôi hỏi những người học về phương pháp học tập họ yêu thích hay điều họ tin tưởng về vấn đề này, họ cho rằng kinh
nghiệm trong việc tìm hiểu nhiều mẫu vật thuộc một loài chim trước khi nghiên cứu về một loài chim khác giúp quá trình học hỏi trở nên hiệu quả hơn. Nhưng phương pháp lồng ghép, một phương pháp khó khăn và dễ gây ra cảm giác nặng nề, bất tiện hơn, lại khiến kỹ năng phân biệt điểm khác nhau giữa các loại hình trở nên vượt trội, mà không hề gây trở ngại đến quá trình phát triển khả năng tiếp thu các đặc tính tương đồng trong cùng một loại hình. Cũng giống như những gì đã được minh chứng qua quá trình rèn luyện kỹ năng đập bóng của các cầu thủ bóng chày, việc nghiên cứu đan xen gây ra những trở ngại trong việc khơi gợi lại những ví dụ trong quá khứ về một loài chim cụ thể, nhưng chính điều này lại gia cố chắc chắn hơn hiểu biết về các giống chim đại diện cho loài đó.
Những trở ngại gây ra bởi sự đan xen mang đến cho quá trình học tập một dạng thúc đẩy thứ hai. Luyện tập trong sự đan xen những vật thể có dạng hình học khác nhau nhưng có liên hệ với nhau đòi hỏi bạn phải chú ý tới các điểm tương đồng cũng như khác biệt. Nhờ thế bạn mới có thể chọn ra công thức chuẩn xác để tính toán thể tích. Sự nhạy bén trước các điểm giống và khác nhau được tăng cường trong quá trình luyện tập có tính lồng ghép. Điều này được cho rằng sẽ khiến tài liệu học tập được mã hóa thành những dạng thức phức tạp và đa sắc thái hơn – một vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc hơn về những đặc tính làm nên sự khác biệt của các vật mẫu hay các loại vấn đề và vì sao chúng lại yêu cầu một sự cắt nghĩa hay giải pháp khác; chẳng hạn tại sao một con cá chó miền Bắc sẽ giật mồi câu hình thìa (spoon) hay mồi hình cá trích (crankbait) trong khi một con cá pecca (bass) sẽ tung tăng buộc bạn chờ cho đến khi bạn nhận ra thứ thích hợp để ném cho nó là một con dòi hay mồi phễu.
Cải thiện sự linh hoạt
Những khó khăn trong việc hồi tưởng gây ra bởi sự gián đoạn, đan xen và đa dạng hóa nội dung luyện tập. Chúng ta có thể vượt qua chúng bằng cách áp dụng những quy trình tư duy tương tự với những gì sẽ được sử dụng sau này trong việc áp dụng những hiểu biết đã thu được vào các tình huống thường nhật. Bằng cách mô phỏng những thử thách của kinh nghiệm thực tiễn, những chiến lược học tập này sẽ thích nghi được với tôn chỉ “luyện tập như thể bạn đang thi đấu và bạn sẽ thi đấu như lúc bạn luyện tập” đồng thời cải thiện quy trình vẫn được các nhà khoa học gọi là sự chuyển giao kiến thức, hay chính là khả năng áp dụng những gì đã học vào các tình huống mới. Trong cuộc thí nghiệm về bài tập đập bóng của đội Cal Poly, hành vi khắc phục những chướng ngại đến từ các lối ném bóng ngẫu nhiên đã thiết lập nên một “vốn từ” phong phú hơn về những quy trình tư duy giúp người học nhận thức bản chất của các chướng ngại (ví dụ, người ném bóng đang sử dụng lối ném nào) và lựa chọn giữa các phương án phản ứng tiềm năng so với những quy trình tư duy hạn hẹp chỉ đủ để giúp chúng ta nắm bắt kỹ năng nhờ sự ôn luyện tập trung thiếu vắng những kinh nghiệm đa dạng mà có. Hãy cùng nhớ lại những học sinh đã tỏ ra thành thạo hơn trong việc ném các bao đựng đậu vào những chiếc rổ ở cự ly 0,9m sau khi tập ném ở cự ly 0,6m và 1,2m so với những học sinh chỉ tập với những chiếc rổ cách xa 0,9m. Hoặc nhớ lại mức độ khó khăn và phức tạp ngày càng gia tăng
của khóa đào tạo mô phỏng tại trường dạy nhảy dù, hay mô hình mô phỏng khoang lái trong chiếc máy bay thương mại của Matt Brown.
Trau dồi tư duy trước quá trình học hỏi
Khi được chỉ dẫn cách thức giải quyết một vấn đề mà trước đó bạn đã chật vật đối diện, giải pháp đưa ra sẽ được tiếp thu tốt hơn và ghi nhớ lâu hơn. Khi bạn mua một chiếc thuyền câu và cố gắng buộc một cái dây neo, khả năng tìm hiểu và ghi nhớ cách buộc nút dây thừng của bạn sẽ cao hơn nhiều so với lúc bạn đứng trong công viên theo dõi nút buộc đó thành hình trong tay người hướng đạo sinh, người nghĩ rằng tiết mục trình diễn cách tạo ra nhiều nút buộc sẽ giúp ích nhiều hơn cho cuộc sống.