SỰ THẤT BẠI VÀ NHỮNG Ý TƯỞNG HOANG ĐƯỜNG VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP KHÔNG SAI SÓT

Một phần của tài liệu Bí quyết học đâu nhớ đó (Trang 70 - 73)

PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG PHÂN BIỆT

SỰ THẤT BẠI VÀ NHỮNG Ý TƯỞNG HOANG ĐƯỜNG VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP KHÔNG SAI SÓT

KHÔNG SAI SÓT

Trong những năm 1950 và 1960, nhà tâm lý học B. F. Skinner đã chủ trương tán thành trào lưu áp dụng phương pháp “học tập không sai sót” vào nền giáo dục. Ông tin rằng những sai lầm của người học có tác dụng không tốt và là hậu quả của hướng dẫn lệch lạc. Lý thuyết về học hỏi không sai sót là nguồn gốc của những phương pháp giảng dạy mà theo đó người học được

truyền thụ kiến thức từng chút một, và những kiến thức ít ỏi đó ngay lập tức bị kiểm tra mà chưa hề trải qua quá trình nhận thức đầy đủ, nói một cách khác, kiến thức vẫn còn tươi mới ở giai đoạn ký ức tức thời và dễ dàng được dẫn ra trong một bài kiểm tra. Khả năng sai sót trong trường hợp này gần như là bằng không. Từ đó đến nay, chúng ta đã dần đi đến thống nhất với quan điểm rằng khôi phục kiến thức từ trí nhớ ngắn hạn là một chiến lược học tập không hiệu quả và những sai lầm là một phần không thể thiếu trong quá trình nỗ lực nhằm nâng cao khả năng nắm bắt một tri thức mới. Tuy nhiên, ở văn hóa phương Tây, nơi thành tích vẫn được xem như dấu hiệu của năng lực, nhiều người học vẫn đánh đồng những sai lầm với sự thất bại và làm mọi điều có thể để tránh mắc phải chúng. Có lẽ mối ác cảm với sự thất bại được cổ xúy bởi một số người làm công tác giảng dạy, những người khổ công lao động với niềm tin rằng người học được phép mắc lỗi chỉ khi họ có thể học hỏi từ chính những lỗi đó.

Đó là một xu hướng sai lầm. Khi người học mắc lỗi và ngay lập tức được sửa chữa, họ sẽ không học được gì từ những sai sót này. Thậm chí những chiến lược dễ nảy sinh sai sót, như yêu cầu người học cố gắng giải quyết vấn đề trước khi chỉ dẫn họ phải làm thế nào, lại mang đến sự tiếp thu và lưu trữ thông tin mạnh mẽ hơn những phương pháp học tập thụ động, miễn là thông tin đó xuất phát từ những phản hồi có tính hiệu chỉnh. Hơn thế nữa, một số người được dạy rằng học tập là một cuộc tranh đấu mà trong đó những sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Những người đó sẽ dễ có khả năng bộc lộ thiên hướng trong giải quyết những thử thách gay go. Họ cũng có xu hướng nhìn nhận sai sót như là những bài học và bước ngoặt trên hành trình làm chủ tri thức chứ không phải những thất bại.

Nỗi lo ngại trước thất bại có thể đầu độc tiến trình nhận thức bằng cách tiêm nhiễm những ác cảm bằng các hình thức kiểm nghiệm và rủi ro, điều làm nên đặc trưng của quá trình đấu tranh trong tư tưởng, hay triệt tiêu khả năng hành động trong môi trường áp lực, ví dụ như trong một bài kiểm tra. Chẳng hạn trong trường hợp thứ hai vừa kể trên, những sinh viên lo ngại trước việc mắc sai lầm trong các bài thi có thể sẽ làm bài kiểm tra kém hơn trong thực tế. Chính nỗi lo lắng của họ là nguyên nhân của điều đó. Tại sao lại có thể như thế? Dường như một phần đáng kể năng lực ghi nhớ khả dụng được dùng để giám sát quá trình thực hiện của họ (Mình đang làm thế nào? Liệu mình có đang làm điều gì sai không?), vì thế để lại một phần ít ỏi hơn cho việc giải quyết vấn đề được đưa ra trong bài thi. “Trí nhớ khả dụng” hàm ý khối lượng thông tin bạn có thể lưu giữ trong đầu khi đang xử lý một vấn đề, đặc biệt là khi phải đối mặt với sự xao lãng. Trí nhớ khả dụng của mọi người đều rất hạn chế, một số tốt hơn số còn lại và năng lực ghi nhớ khả dụng tốt hơn đồng nghĩa với các chỉ số thông minh (IQ) cao hơn.

Để khám phá lý thuyết về ảnh hưởng triệt tiêu của nỗi lo ngại trước thất bại lên quá trình thực hiện bài kiểm tra, các học sinh lớp 6 tại Pháp được giao những bài tập đảo chữ hóc búa đến mức không em nào có thể giải được. Sau khi chật vật mà vẫn không giải được chúng, một nửa số học sinh được tiếp nhận một bài học trong vòng mười phút, qua đó các em được dạy rằng chướng ngại là phần trọng yếu trong quá trình học tập, việc mắc lỗi là đương nhiên và

nằm trong tầm dự đoán, cũng như các bài luyện tập giúp sửa chữa chúng, tương tự như khi ta tập đi xe đạp. Những học sinh còn lại chỉ đơn giản được hỏi các em đã cố gắng giải các phép đảo chữ như thế nào. Sau đó cả hai nhóm cùng tham gia vào một bài sát hạch khó khăn. Kết quả của bài sát hạch này sẽ cung cấp thước đo về trí nhớ khả dụng của các em. Những học sinh đã được dạy rằng sai lầm là một phần tự nhiên trong quá trình học hỏi sử dụng trí nhớ khả dụng tốt hơn đáng kể so với các em khác. Những em này không dồn hết năng suất ghi nhớ khả dụng của mình vào cố gắng một cách tuyệt vọng để giải quyết nhiệm vụ khó khăn. Lý thuyết này cũng đã được kiểm chứng rộng rãi trong rất nhiều hình thức nghiên cứu trước đó. Các kết quả đưa ra đều ủng hộ phát hiện rằng khó khăn có thể khơi dậy cảm giác về sự kém cỏi, chính cảm giác này làm nảy sinh lo lắng, và đến lượt lo lắng cản trở quá trình học hỏi. Một phát hiện nữa cũng được khẳng định là, “sinh viên sẽ học tốt hơn khi họ có cơ hội đương đầu với những khó khăn.”

Những công trình nghiên cứu đó chỉ ra rằng, không phải mọi khó khăn xảy ra trong tiến trình học hỏi đều đáng mong muốn. Nỗi lo sợ khi phải đối mặt với một bài thi có vẻ như là một điều không được mong đợi. Các nghiên cứu này cũng nhấn mạnh việc người học nhận thức được rằng những khó khăn trong học tập không chỉ có thể dự đoán trước được mà còn có thể mang lại lợi ích là điều rất quan trọng. Về điều này, cuộc khảo sát tại Pháp nói trên đã thêm một lần nữa xác thực một quan điểm đã được xây dựng trong rất nhiều nghiên cứu trước đó. Phải kể đến đầu tiên trong số đó là các công trình nghiên cứu của Carol Dweck và Anders Ericsson, cả hai sẽ được chúng tôi thảo luận tại chương 7 trong mối liên hệ với đề tài về phát triển những năng lực trí tuệ. Theo những gì được trình bày trong tác phẩm của Dweck, những người tin rằng năng lực trí tuệ của họ được ấn định từ khi mới ra đời và được đặt trong mối liên kết với gen di truyền của họ, thường cố lảng tránh những thách thức mà họ không thể đối phó; vì theo họ, thất bại dường như là dấu hiệu của năng lực bẩm sinh yếu kém. Ngược lại, một số khác được hướng đến nhận thức rằng sự nỗ lực và học hỏi sẽ thay đổi khả năng của não bộ, và rằng khả năng tư duy của họ phần nhiều nằm trong tầm kiểm soát của chính họ. Những người này có khả năng vượt qua những chướng ngại cam go và thường bền bỉ hơn. Họ coi thất bại là một dấu hiệu của sự cố gắng cũng như một bước chuyển trên con đường nhận thức hơn là thước đo của sự bất lực hay điểm kết của hành trình. Tác phẩm của Anders Ericsson về bản chất của sự thể hiện thành thạo chỉ ra rằng để đạt tới trình độ lão luyện, người học phải cống hiến hàng nghìn giờ chuyên tâm rèn luyện để phấn đấu vượt qua trình độ hiện tại của mình. Trong quá trình đó thất bại trở thành một trải nghiệm thiết yếu trên hành trình vươn tới sự uyên bác.

Cuộc khảo sát với các học sinh lớp 6 tại Pháp đã nhận được sự đồng tình của đông đảo công chúng. Nó cũng trở thành nguồn cảm hứng cho một trường đào tạo năng khiếu ở Pháp tổ chức một “Festival of errors” (Ngày hội của những sai sót) nhằm mục đích truyền tới các em học sinh thông điệp rằng, mắc sai lầm là một phần có tính tích cực trong quá trình học tập – đó không phải là thất bại mà là một dấu hiệu của sự nỗ lực. Theo quan điểm của các nhà tổ chức ngày hội, xã hội hiện đại ngày nay quá chú trọng vào việc phô diễn các kết quả, điều đó đã sản

sinh ra một nền văn hóa của những tư duy hèn yếu, trong khi đó một nền văn hóa đang rất cần những chất xúc tác trí tuệ và sự dũng cảm chấp nhận rủi ro, những điều đã từng làm nên các khám phá vĩ đại ghi dấu trong lịch sử nước Pháp.

Chúng ta không cần đến một bước nhảy quá lớn lao về mặt nhận thức để tiến từ “Festival of errors” của Paris đến “Failcon” (Nghiên cứu về thất bại) tại San Francisco, nơi các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ và những chuyên gia về đầu cơ họp mặt hằng năm để nghiên cứu về những thất bại của mình. Điều đó đã mang đến cho họ cái nhìn thấu đáo, đầy tính biện chứng mà họ rất cần phải chú trọng trong những chiến lược kinh doanh nhằm đạt tới thành công. Thomas Edison đã gọi thất bại là nguồn cảm hứng và mọi người đều biết tới câu nói nổi tiếng của ông: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ vừa tìm ra 10.000 cách không hiệu quả.” Ông kết luận rằng, sự kiên trì đối mặt với thất bại là bí quyết dẫn tới thành công.

Thất bại là nền tảng cho các phương pháp khoa học, những gì vẫn thúc đẩy sự tiến bộ trong hiểu biết của chúng ta về chính thế giới ta đang sống. Các phẩm chất kiên nhẫn và cần cù, những điều đã biến thất bại thành những thông tin hữu ích, đã đặt nền móng cho những phát kiến thành công ở mọi phương diện cũng như trở thành trọng tâm cốt lõi trong hầu hết những quá trình học tập thành công. Thất bại khiến chúng ta thấy được sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực gấp đôi, hay giải phóng cho chúng ta được tự do thử những phương pháp khác. Trong bài diễn thuyết của mình trước các cử nhân tốt nghiệp khóa 2005 tại Đại học Stanford, Steve Jobs đã chia sẻ về việc ông bị sa thải khỏi Apple Computer, nơi ông là nhà đồng sáng lập, vào năm 1985 khi ông ở tuổi 30: “Tôi đã không nhận thấy điều đó, nhưng rồi hóa ra việc bị sa thải khỏi Apple lại là điều tốt nhất từng xảy ra với tôi. Áp lực nặng nề của thành công đã bị thay thế bởi sự nhẹ nhõm của việc được trở lại làm tân binh một lần nữa, với hiểu biết ít chắc chắn hơn về mọi thứ. Tôi được tự do để bước vào một trong những thời kỳ sáng tạo đỉnh cao trong đời mình.”

Đó không phải là một thất bại đáng mong muốn hay là một nỗ lực đầy can trường bất chấp rủi ro; đôi khi chúng ta chỉ thực sự khám phá ra điều gì có hiệu quả, điều gì không sau khi đón nhận thất bại. Không nghi ngờ gì nữa, cố gắng tự mình tháo gỡ một vấn đề nan giải mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích hơn là được trao tận tay giải pháp, ngay cả khi chúng ta thất bại nhanh chóng từ trong nỗ lực tìm kiếm đáp án đầu tiên.

Một phần của tài liệu Bí quyết học đâu nhớ đó (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)