PHÁT TRIỂN CÁC KỸ NĂNG PHÂN BIỆT
NĂNG LỰC HẠN CHẾ VÀ SỰ THIẾU NHẬN THỨC VỀ ĐIỀU ĐÓ
Những cá nhân kém cỏi thường thất bại trong việc hoàn thiện các kỹ năng vì họ không thể phân biệt được khi nào mình đủ khả năng làm một điều gì đó và khi nào không. Hiện tượng này, đặc biệt thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của trường phái siêu nhận thức, và đã được biết đến như hiệu ứng Dunning-Kruger, đặt theo tên các nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger. Nghiên cứu của họ đã cho thấy những người có năng lực hạn chế thường đánh giá quá cao khả năng của mình. Họ thường không nhận thức được sự bất cân xứng giữa thành quả thực hiện và thành quả mong muốn của mình cũng như thấy được sự cần thiết phải nỗ lực cải thiện. (Nhan đề bài viết đầu tiên của họ về chủ đề này là “Năng lực hạn chế và sự thiếu nhận thức về điều đó.”) Dunning và Kruger cũng chỉ ra rằng, những người trình độ kém cỏi có thể được đào tạo để nâng cao năng lực bằng cách học các kỹ năng tự đánh giá quá trình thực hiện của mình một cách chuẩn xác hơn, nói tóm lại là cải thiện khả năng tự nhận thức của mình. Trong một loạt các công trình khảo sát minh chứng cho phát hiện này, các sinh viên được giao làm một bài kiểm tra logic và sau đó tự đánh giá kết quả của mình. Kết quả của thí nghiệm đầu tiên đã xác nhận những dự đoán là chuẩn xác: những sinh viên có kết quả kém nhất là những người ít hiểu biết nhất về năng lực thực hiện của chính mình: những người có điểm số trung bình đạt 12% lại tin rằng khả năng lý luận logic của mình đạt tới 68%.
Trong thí nghiệm thứ hai, sau khi làm bài kiểm tra đầu tiên và đánh giá thành quả của mình, các sinh viên được xem đáp án của nhau và được yêu cầu ước tính số câu hỏi họ đã trả lời đúng. Những sinh viên nằm trong nhóm có kết quả thấp nhất không thể đánh giá kết quả của mình chính xác hơn sau khi được xem đáp án của những bạn học xuất sắc hơn. Sự thực họ còn có xu hướng tiếp tục thổi phồng kết quả tự đánh giá năng lực vốn đã có phần tự mãn của mình.
Thí nghiệm thứ ba tiến hành khảo sát tỉ mỉ xem liệu những cá nhân kém cỏi có thể học hỏi để cải thiện năng lực đánh giá của mình hay không. Những sinh viên này được giao mười bài toán để kiểm tra khả năng suy luận logic. Sau bài kiểm tra họ phải tự đánh giá các kỹ năng suy luận logic và quá trình thực hiện của mình. Một lần nữa, những sinh viên có kết quả bài làm
thấp nhất là những người tự tin thái quá về năng lực thể hiện của mình. Tiếp đó, một nửa số sinh viên được rèn luyện cách lập luận trong vòng mười phút (làm thế nào để kiểm tra độ chính xác của một phép suy luận), nửa còn lại được giao một bài tập không liên quan. Sau đó tất cả cùng được yêu cầu đánh giá lại một lần nữa về quá trình làm bài kiểm tra của họ. Lần này những sinh viên có kết quả kiểm tra thấp sau khi được rèn luyện đã đưa ra sự ước tính chuẩn xác hơn hẳn về số lượng câu hỏi họ làm đúng và cách thức thực hiện của họ so với những sinh viên còn lại. Những người nằm trong nhóm kém nhất nhưng không được rèn luyện tiếp tục giữ niềm tin sai lầm rằng mình đã làm tốt bài kiểm tra.
Tại sao những cá nhân yếu kém hơn lại không thể nhận thức được sự hạn chế về trình độ của mình ngay cả khi đã trải qua những kinh nghiệm? Dunning và Kruger đưa ra một số lý thuyết. Một trong số đó cho rằng, trong cuộc sống hằng ngày con người hiếm khi nhận được những phản hồi tiêu cực về năng lực hay kỹ năng của mình từ người khác vì họ không thích đón nhận những tin xấu. Và nếu như có nhận được những nhận xét tiêu cực, họ phải đi đến một nhận thức chính xác vì sao thất bại lại xảy ra. Để đạt tới thành công, mọi thứ đều phải chuẩn xác, nhưng ngược lại bất kỳ một nguyên nhân ngoại cảnh nào cũng có thể gây nên thất bại: cái gì mà đôi tay không thể làm thì đều có thể dễ dàng đổ lỗi cho công cụ. Cuối cùng, Dunning và Kruger đưa ra ý kiến rằng một số người chỉ đơn giản không đủ khôn ngoan để nhìn nhận cách thức thực hiện của người khác và do đó họ ít có khả năng phát hiện đâu là năng lực ngay cả khi nó ở trước mắt, điều khiến cho họ không thể thực hiện những đánh giá có tính đối chiếu về thành quả hành vi của mình.
Những tác động này có thể xảy ra thường xuyên hơn trong một số hoàn cảnh hay đối với một vài kỹ năng. Trong một số lĩnh vực, sự bất tài của một cá nhân có thể bị tiết lộ một cách thẳng thắn đến mức tàn nhẫn. Các tác giả có thể nhớ lại tất cả những ký ức tuổi thơ khi cô giáo của họ chỉ định hai bạn trai được quyền chọn các thành viên khác cho đội bóng mềm của từng người. Những cầu thủ giỏi được chọn đầu tiên, và cuối cùng là những người tệ nhất. Bạn tiếp thu những nhận xét về khả năng chơi bóng mềm của mình từ các bạn học một cách công khai, do đó người được chọn cuối cùng khó có khả năng nghĩ rằng “Tôi thực sự giỏi chơi bóng mềm.” Tuy nhiên, hiếm có lĩnh vực nào trong cuộc sống lại đưa ra những nhận xét rành mạch quả quyết về khả năng của bạn như thế.
Tóm lại, phương tiện giúp chúng ta chèo chống qua thế giới này – hay chính là Hệ thống 1 và 2 mà Daniel Kahneman đã đề cập – phụ thuộc vào các hệ thống tri giác, trực giác, trí nhớ và nhận thức của chúng ta cùng với tất cả sự khuyết tật, lệch lạc, thiếu sót của chúng. Mỗi người trong chúng ta là một sự tổng hợp đáng kinh ngạc của rất nhiều những năng lực tri giác và nhận thức, cùng tồn tại song song với những mầm mống của sự tiêu cực. Trong quá trình học hỏi, cách thức chúng ta lựa chọn phương án thực hiện được chỉ đạo bởi nhận định của chúng ta về tính hiệu quả của chúng và chúng ta dễ dàng bị định hướng sai lầm.
Chúng ta hay có xu hướng sa vào những ảo tưởng và nhận định sai lầm. Điều đó vạch ra cho tất cả chúng ta một điểm dừng, đặc biệt là những người ủng hộ quan điểm “định hướng quá trình học tập theo cách nhìn nhận của học sinh” đang rất thịnh hành trong giới giảng dạy và các bậc phụ huynh. Theo lý thuyết này các học sinh là người hiểu rõ hơn ai hết họ cần chuyên tâm nghiên cứu vào những vấn đề gì để có thể tiến bộ trong một môn học, cũng như tiến độ và phương pháp nào là hiệu quả nhất. Trường công lập Manhattan ở khu East Harlem được thành lập năm 2008 là một ví dụ. Tại đây các học sinh “không bị xếp hạng, sát hạch hay làm bất kỳ điều gì mà các em không thích.” Năm 2004, trường công lập Brooklyn ra đời cùng với một loạt các gia đình ủng hộ phương pháp giáo dục tại nhà. Họ tự gọi mình là “những người không đến trường”, tuân thủ châm ngôn bất kỳ điều gì khơi gợi hứng thú ở người học đều mang lại kết quả học tập tốt nhất.
Mục đích của quan điểm này rất đáng tuyên dương. Chúng ta hiểu rằng các học sinh cần tự giám sát và điều chỉnh quá trình học tập của mình bằng cách áp dụng các phương pháp đã được thảo luận ở trên. Ví dụ, họ cần tiến hành tự kiểm tra, vừa để duy trì các lợi ích trực tiếp từ trí nhớ được tăng cường vừa để xác định xem họ nắm bắt được gì và chưa nhận thức được gì, trên cơ sở đó đánh giá sự tiến bộ một cách chính xác hơn và tập trung hơn vào kiến thức cần được củng cố. Nhưng hiếm có sinh viên nào tự giác thực hành những phương pháp này, và nếu ai có ý định áp dụng chúng một cách hiệu quả thì họ cũng cần nhiều hơn là sự khuyến khích: hóa ra ngay cả khi sinh viên hiểu rằng luyện tập theo hình thức gợi nhớ là một chiến lược tối ưu thì họ vẫn không thể kiên nhẫn duy trì nó đủ lâu để đạt được lợi ích bền vững. Giả dụ, khi sinh viên được tiếp xúc với một khối lượng kiến thức lớn, chẳng hạn như một bộ thẻ ghi từ vựng để học ngoại ngữ, và họ được tự do quyết định khi nào thì rút một tấm thẻ ra khỏi bộ thẻ vì mình đã thuộc nó, hầu hết các sinh viên bỏ một tấm thẻ sau khi họ tập trung vào nó một hoặc hai lần, trong khi như thế là quá sớm so với họ. Có một nghịch lý là những sinh viên áp dụng những phương pháp kém hiệu quả nhất lại chính là những người tự mãn nhất về khả năng tiếp thu của mình, và chính vì sự tự tin thái quá bị đặt nhầm chỗ đó mà họ không có xu hướng thay đổi thói quen của bản thân.
Một cầu thủ bóng đá đang chuẩn bị cho trận đấu vào thứ Bảy kế tiếp không hề phó mặc cho trực giác của mình. Anh thực hành các lối chơi và xáo trộn chúng để phát hiện ra những góc hiểm hóc và hóa giải chúng trên sân tập trước khi bước vào trận đấu lớn. Nếu các trường học cũng áp dụng các quy tắc tương tự cho các sinh viên, thì phương pháp học tập tự định hướng đã có thể thực sự phát huy hiệu quả. Nhưng tất nhiên cầu thủ bóng đá kia không tự định hướng cho mình, anh rèn luyện dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên. Tương tự như vậy, hầu hết các sinh viên sẽ gặt hái được kiến thức tốt hơn nếu có một người hướng dẫn biết được lĩnh vực nào cần được cải thiện cũng như xây dựng mô hình rèn luyện để đạt được mục đích đó.
Lời giải cho sự ảo tưởng và những nhận định sai lầm là thay thế những kinh nghiệm chủ quan vẫn đóng vai trò là nền tảng cho việc ra các quyết định bằng một hệ thống các công cụ khách quan, nhờ đó chúng ta có thể điều chỉnh để những đánh giá của mình thích hợp với thế giới xung quanh. Khi có những nguồn tham chiếu đáng tin cậy, như các thiết bị trong khoang lái và hình thành thói quen kiểm tra chúng, chúng ta có thể đưa ra những quyết định chính xác về phạm vi kiến thức nào mình cần tập trung cố gắng, nhận ra khi nào mình đã mất phương hướng và tìm ra con đường quay trở lại. Trên đây là một vài ví dụ minh họa cho điều đó.