Ngoài việc khai thác các LSNG chủ đạo nói trên, việc khai thác các LSNG khác cũng gây tác động đáng kể đến nguồn TNR ở khu vực nghiên cứu. Việc khai thác các LSNG này không chỉ được phản ánh bởi số lượng khai thác mà điều đáng nói hơn có khi lại là phương thức khai thác, phần nhiều trong đó là phương thức khai thác thiếu bền vững hay nói đúng hơn là khai thác hủy diệt đang được áp dụng phổ biến. Sau đây là một vài LSNG khác được khai thác đáng kể.
- Vỏ cây Bời lời đỏ, vỏ cây Ngũ gia bì, vỏ cây Đay (thuộc họ Du)…là các sản phẩm mà con buôn vãng lai thường tìm mua để bán ra các tỉnh phía Bắc. Việc khai thác này thường được áp dụng bằng việc đốn cây ngã xuống sau đó tiến hành bóc vỏ. Đối với cây Đay là dây leo thân gỗ cũng được áp dụng tương tự bằng việc chặt cây chủ của dây leo. Vì phương thức khai thác này mà thời gian gần đây các loại cây này hầu như cạn kiệt.
- Cây cảnh là đối tượng được tìm kiếm khai thác trong thời gian khoảng chục năm trở lại đây trong khu vực vùng đệm KBT. Thời gian đầu, các thương lái từ các địa phương khác đến tìm mua các cây cảnh cổ thụ như Lộc vừng, Nhội, Bằng Lăng…Mấy năm nay, khai thác cây cảnh tập trung vào các cây thuộc chi Ficus thuộc họ Dâu tằm bất kể lớn hay nhỏ.
- Cây thuốc để chữa bệnh tại chỗ cho người dân địa phương không được khai thác nhiều nhưng hoạt động khai thác đã làm khan hiếm hoặc gây tuyệt chủng một số loài nguy cấp, quý hiếm như Bảy lá một hoa, Sa nhân…
- Ngoài người dân địa phương, người từ các tỉnh khác thường đến khai thác nhựa Nhạ để bẩy chim và chưng cất tinh dầu Re. Khai thác nhựa Nhạ được thực hiện theo quy trình sau: đốn cây Nhạ có đường kính 20cm trở lên, lấy vỏ từ gốc cây đến độ cao 3m, dập vỏ và ngâm ủ lấy nhựa. Đối với dầu Re thì toàn bộ nửa thân cây trở xuống gốc rể được băm nhỏ và chưng cất. Việc
chưng cất đã tiêu tốn một lượng lớn gỗ tươi để làm củi vì họ thường phải chọn cây cho củi với nhiệt lượng cao.
- Phế liệu chiến tranh không phải là TNR nhưng việc khai thác nó bằng việc dò tìm bằng máy sau đó đào bới trong rừng lại gây thiệt hại đáng kể đến TNR. Đây là nguồn thu nhập có tỷ trọng đáng kể đối với các HGĐ sống trong và ven rừng.