4.3.1.1. Nhu cầu sử dụng đất để canh tác lương thực
Nhu cầu sử dụng đất để canh tác lương thực tại các HGĐ trong khu vực rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo là một trong những nguyên nhân quan trọng gây sức ép lên tài nguyên rừng và đất rừng phòng hộ tại khu vực nghiên cứu. Trong tổng số diện tích 5.555,0 ha của bản Phì Cứ thì chỉ có 18,5% diện tích là đất nông nghiệp, tại bản Phiêng hoa với tổng diện tích đất là 4.460,0 ha thì cũng chỉ có 20,9% diện tích là đất nông nghiệp, bản Phiêng Hin có tổng diện tích đất nhỏ hơn so với 2 bản còn lại với tổng diện tích là 760,0 ha mà cũng chỉ có 13,2% diện tích là đất nông nghiệp (xem hình 4.3).
Diện tích đất canh tác tại các bản nghiên cứu tuy nhiều nhưng phần lớn là đất đồi núi, dốc có năng suất canh tác thấp nên khả năng đáp ứng nhu cầu
về lương thực là chưa cao. Qua điều tra thực tế thì hiện tượng thiếu lúa gạo vẫn còn xảy ra đối với một số HGĐ nghèo.
Hình 4.3. Tỷ lệ diện tích các loại đất tại các bản nghiên cứu
Số liệu điều tra về diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất vườn bình quân của các HGĐ tại các bản nghiên cứu cho thấy một thực tế khác biệt giữa các HGĐ người Mông tại các bản Phì Cứ và Phiêng Hoa so với các HGĐ người Thái ở bản Phiêng Hin về tập quán canh tác (xem bảng 4.10).
Từ số liệu tại bảng 4.10 cho thấy diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân của các HGĐ người Mông là cao hơn rất nhiều so với các HGĐ người Thái, nhưng chủ yếu lại là đất nương rẫy, trong khi người Thái lại sở hữu các diện tích đất canh tác lúa nước và hoa màu. Tình hình sở hữu đất vườn ở mỗi dân tộc cũng có điểm khác biệt nhỏ. Các HGĐ người Mông có diện tích đất vườn lớn hơn so với các HGĐ người Thái và vì vậy người Mông ngoài việc sở hữu một diện tích vườn nhà tương tự người Thái thì họ còn phát triển thêm một diện tích vườn rừng với khoảng từ 0,2 ha đến 0,3 ha bình quân mỗi HGĐ.
Bảng 4.10. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất vườn bình quân của các HGĐ tại các bản nghiên cứu
Đơn vị: ha TT Loại đất Bản Phì Cứ Bản Phiêng Hoa Bản Phiêng Hin 1 Đất sx nông nghiệp 5,50 6,50 0,31 1.1 Nương 5,50 6,50 - 1.2 Lúa 1 vụ - - 0,10 1.3 Lúa 2 vụ - - - 1.4 Hoa màu - - 0,21 2 Đất vườn 0,60 0,50 0,15 2.1 Vườn rừng 0,28 0,21 - 2.2 Vườn nhà 0,10 0,09 0,08
Tóm lại diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại các bản điều ra tuy khá lớn, nhưng chủ yếu lại là đất đồi, núi dốc, cơ bản phù hợp với phát triển canh tác nương rẫy, ngoài ra còn có một diện tích nhỏ đất ruộng nước, có thể canh tác lúa 1 vụ, năng suất không cao. Do đó, khả năng đáp ứng nhu cầu về lúa gạo của các HGĐ là chưa cao. Qua điều tra thì còn tồn tại hiện tượng thiếu lúa gạo phục nhu cầu đời sống tại một số HGĐ nghèo. Như vậy, hoạt động canh tác nương rẫy và xu hướng mở rộng thêm diện tích canh tác lương thực của các HGĐ tại khu vực nghiên cứu là một thực tế gây sức ép mạnh mẽ lên tài nguyên rừng và đất rừng phòng hộ trong thời gian tới.
4.3.1.2. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường
Trước đây khai thác gỗ là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân địa phương, việc khai thác gỗ rừng để sử dụng là một điều hiển nhiên do trước đây chưa được quản lý chặt chẽ. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm tài nguyên rừng một cách mạnh mẽ kể cả về chất lượng và
số lượng. Từ khi Ban QLRPH được thành lập, cộng đồng địa phương bị mất đi nguồn gỗ để phục vụ cho gia đình và mất đi nguồn thu nhập từ việc khai thác gỗ như trước. Dẫn đến việc khai thác gỗ bất hợp pháp trong rừng phòng hộ vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.
Theo kết quả điều tra cho thấy, do truyền thống, thói quen sử dụng các loại gỗ có chất lượng cao để làm nhà ở và đồ nội thất, mặt khác do trong những năm qua nhu cầu gỗ ngoài thị trường tăng cao, trong khi đó các loại gỗ tốt ngày càng khan hiếm đã đẩy giá gỗ lên cao, đặc biệt là giá gỗ rừng tự nhiên có chất lượng gỗ tốt, màu sắc và vân gỗ đẹp như Pơ mu, Nghiến, Gù hương, Giổi, Mạy phặng, Sến mật, Trai lý, Thị hồng, Xoan nhừ... đã kích thích người dân địa phương khai thác gỗ bất hợp pháp để bán ra thị trường. Như vậy, vì sức hút lợi nhuận từ việc khai thác gỗ bất hợp pháp nên cho dù biết là vi phạm pháp luật lâm nghiệp nhưng một số người dân vẫn tiến hành lén lút.
Tác động từ kinh tế thị trường cũng là một trong những động lực thúc đẩy người dân thay đổi cơ cấu sản xuất ở cấp HGĐ. Kết quả nghiên cứu cho thấy thu nhập từ chăn nuôi chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập của các HGĐ, khoảng trên 50% đối với các gia đinh người Mông và chiếm tới trên 90% đối với các gia đình người Thái, Do giao thương thuận lợi, sản phẩm chăn nuôi của đồng bào vùng cao có chất lượng dễ dàng tiếp cận với thị trường và đem lại nguồn thu bằng tiền mặt nhanh chóng. Thực tế cho thấy để trang trải những yêu cầu chi phí cần tiền mặt như học tập, chữa bệnh, mua sắm vật dụng phục vụ sinh hoạt... Sẽ không được đáp ứng từ nguồn tiền có được do bán lương thực, mà phải dựa vào nguồn tiền thu được từ chăn nuôi. Do vậy, việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng trở thành một sức ép mạnh mẽ lên tài nguyên rừng.
Tóm lại, kinh tế thị trường phát triển, cơ hội việc làm và sinh kế có tăng lên tại khu vực, nhưng do trình độ lao động thấp, không được đào tạo
nghề, nên người dân địa phương ít có cơ hội tìm kiếm được những công việc ổn định. Để đảm bảo cuộc sống hàng ngày họ buộc phải tìm kế sinh nhai từ việc tiếp cận ngày một mạnh mẽ đối với tài nguyên rừng.
4.3.1.3. Cơ hội phát triển sinh kế
Kinh nghiệm cho thấy, tại các cộng đồng dân cư thuộc khu vực qui hoạch rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng. Cơ hội tiếp cận phát triển sinh kế của người dân địa phương thường theo 3 xu hướng chính sau:
1) Các cộng đồng địa phương phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào các nguồn lực nội tại trong cộng đồng, nhưng có sự hỗ trợ từ bên ngoài (từ một số chương trình/dự án của Nhà nước và nước ngoài) như nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề...
2) Các cộng đồng địa phương phát triển kinh tế hướng ngoại, tức là dựa vào cơ hội sinh kế từ các vùng lân cận như đi làm thuê ở địa phương khác, đi buôn bán, làm dịch vụ...
3) Các cộng đồng địa phương phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có tại địa phương. Trong trường hợp này thì chủ yếu là từ tài nguyên rừng như khai thác các sản phẩm từ rừng, sử dụng đất rừng để canh tác, hay chăn thả gia súc...
Hiện nay, hướng tiếp cận sinh kế thứ ba là phổ biến ở nhiều nơi, gây nhiều bất lợi cho công tác QLBV tài nguyên rừng, song không thể nâng cao đời sống của các cộng đồng một cách bền vững. Vì vậy, nó là những hoạt động sinh kế tạm thời và vẫn chưa có một giải pháp nào để giải quyết triệt để vấn đề này.
Theo kết quả phỏng vấn các HGĐ cho thấy: Nguồn sinh kế của người dân trong khu vực cũng gồm 3 hướng tiệm cận như trên. Hiện tại, trong khu vực nghiên cứu, việc sản xuất nội tại chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân do diện tích canh tác lúa nước ít, sản xuất lâm nghiệp chậm phát triển và chưa được đầu tư đúng mức. Thị trường lao động hướng ra bên ngoài chưa
phát triển. Như vậy, các tiếp cận phát triển sinh kế theo xu hướng thứ 3 đó là phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên rừng và đất rừng tại địa phương. Do đó, xu hướng tiếp cận sinh kế của các cộng đồng địa phương đan là vấn đề nổi cộm gây tác động mạnh lên công tác QLBV tài nguyên rừng tại khu vực nghiên cứu.
4.3.1.4. Nhu cầu về chất đốt
Do thói quen từ lâu đời, gắn với văn hóa của các cộng đồng người dân vùng cao về sử dụng chất đốt là củi, tự thu hái từ rừng tự nhiên. Người dân coi hoạt động vào rừng lấy củi về nhà để sử dụng là một điều hiển nhiên, xảy ra hàng ngày, qua nhiều thế hệ. Mặt khác, do đời sống của cộng đồng người dân địa phương còn chưa cao, việc thay đổi từ củi đun sang các nguồn năng lượng khác là chưa khả dụng.
Thực tế cho thấy tại các bản trong khu vực nghiên cứu đều đã có qui chế cộng đồng, trong qui chế này đều thể hiện qui định về việc khai thác củi từ rừng tự nhiên, tuy nhiên rõ ràng rằng việc thực hiện qui chế này còn chưa nghiêm túc, thiếu kiểm soát. Mặt khác, khi việc khai thác củi khá thuận tiện, lại tiết kiệm được một nguồn chi phí bằng tiền mặt đáng kể, dẫn đến việc khai thác và sử dụng củi đun vẫn xảy ra và là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên rừng.
Phải thừa nhận rằng, ngoài thói quen sử dụng củi đun khai thác ngoài tự nhiên thì việc sử dụng củi không tiết kiệm với các loại bếp truyền thống, gây lãng phí năng lượng và tiêu hao một khối lượng củi nhiều hơn. Như vậy, trước thực tế tài nguyên rừng ngày càng hạn chế, nếu không có sự thay đổi trong việc khai thác và sử dụng củi đun sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tài nguyên rừng trên địa bàn nghiên cứu.