Nguyên nhân gián tiếp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính đa dạng thực vật bậc cao có mạch tại khu bảo tồn thiên nhiên bình châu phước bửu, tỉnh bà rịa vũng tàu​ (Trang 83 - 86)

4.3.2.1. Sự đói nghèo

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đói nghèo của các cộng đồng đang sinh sống ở các xã ven Khu BTTN BC-PB không chỉ vì thiếu đất canh tác, mà còn do điều kiện đất canh tác xấu, đất bị bạc màu, đa số dân tộc thiểu số chưa có kinh nghiệm áp dụng những thành quả tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất còn thấp, đất đai nhanh nghèo kiệt dinh dưỡng, làm cho đời sống người dân khó khăn. Việc phát triển các mô hình kinh tế trang trại, nông lâm kết hợp, các mô hình kinh tế rừng, các mô hình kinh tế cộng đồng, kinh tế gia đình chưa được nhà Nước quan tâm hỗ trợ. Vì thế việc nâng cao thu nhập bền vững cho người dân để thay thế các hoạt động thu nhập từ việc khai thác lâm sản và buôn bán động vật hoang dã là rất cần thiết để ngăn chặn việc suy giảm ĐDSH tại KBT.

4.3.2.2. Áp lực dân số

Nhìn chung đời sống của người dân các xã ven rừng Khu BTTN BC-PB vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao. Theo báo cáo tham vấn xã hội của BQL Khu BTTN BC-PB qua điều tra 4 xã ven rừng (xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang và Phước Thuận) cho thấy tổng số dân cư trong bốn xã là 39.755 người với 8.438 hộ gia đình và số người trung bình trong một hộ gia đình là

4,71 người/hộ. Diện tích đất nằm trong KBT chiếm tới 45,14% diện tích đất của các xã, trong đó dân tộc thiểu số với 284 hộ chiếm 3,37% tổng số hộ gia đình toàn xã, các hộ nghèo chiếm 18,45%, hộ trung bình chiếm 75,64 % và hộ giàu chiếm 5,91 %. Thu nhập bình quân trên đầu người của các 4 xã trên là 350.000 đồng/người/tháng, mức thu nhập lại không đồng đều, thu nhập tập trung chủ yếu ở các hộ người kinh buôn bán và làm dịch vụ. Các hộ gia đình nghèo thường vào rừng lấy củi, lấy măng, khai thác các loại cây thuốc, đốt hầm than, săn bắt thú. Thêm vào đó, một số hộ gia đình nghèo thuộc nhóm dân tộc thiểu số di cư từ các vùng khác tới do không có đất canh tác nên càng lệ thuộc hơn vào tài nguyên rừng. Một số hộ gia đình (kể cả hộ gia đình người kinh và hộ dân tộc thiểu số) đã khai phá đất rừng để chuyển đổi sang trồng cây nông nghiệp. Việc chăn thả gia súc trong rừng của một số người cũng gây ảnh hưởng tới tài nguyên rừng. Vào mùa khô, khi không có cỏ non cho gia súc, người chăn nuôi thường đốt cỏ khô để kích thích cỏ non mọc. Cả nhóm người kinh và nhóm người dân tộc thiểu số đều khai thác lâm sản ngoài gỗ để bán và một ít để dùng trong gia đình. Một số hộ khai thác gỗ trái phép để bán và để sửa chữa ghe tàu hoặc làm nhà.

4.3.2.3. Năng lực quản lý và thi hành pháp luật còn hạn chế

Chính quyền địa phương ở một số xã ven Khu BTTN BC-PB chưa thực sự vào cuộc, còn phó mặc cho lực lượng chức năng, coi vấn đề bảo vệ và phát triển rừng là của Kiểm lâm và BQL Khu BTTN BC-PB.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng BQL Khu BTTN BC-PB mỏng, trình độ năng lực còn hạn chế về cả kiến thức chuyên môn và trình độ nghiệp vụ, thiếu các trang thiết bị, phương tiện để thi hành nhiệm vụ có hiệu quả, nên không thể kiểm soát được hết các hoạt động khai thác tài nguyên rừng của Khu BTTN BC-PB.

Công tác tuyên truyền giáo dục đã được cán bộ BQL và Hạt Kiểm lâm triển khai cho người dân về bảo vệ tài nguyên rừng nhưng hiệu quả không cao, chưa lồng ghép được vấn đề bảo vệ tài nguyên rừng đồng thời với việc phát triển kinh tế, phương thức làm ăn, xóa đói giảm nghèo

Việc ký kết bảo vệ rừng của người dân sống xung quanh rừng chưa được các cấp chính quyền và các ngành chức năng triển khai.

4.3.2.4. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường

Kinh tế thị trường đã dẫn đến sự phân hóa xã hội sâu sắc, nhu cầu về vật chất ngày càng tăng thúc đẩy người dân xâm nhập vào rừng khai thác lâm sản để phục vụ nhu cầu của chính bản thân và gia đình. Mỗi khi các sản phẩm từ rừng có giá trị kinh tế cao thì đó là động lực kích thích sự khai thác của cộng đồng. Lợi nhuận từ việc khai thác lâm sản, đặc biệt là gỗ làm cho nhiều người bất chấp các hành vi vi phạm pháp luật để vào rừng khai thác trái phép nhằm thu lợi bất chính.

4.3.2.5. Ảnh hưởng hoạt động quản lý của Khu BTTN BC-PB.

Ban quản lý Khu BTTN BC-PB hiện nay dưới sự quản lý trực tiếp của Sở NN & PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nay Ban quản lý có tổng số lao động được giao là 70 người. (Trong đó: Trong chỉ tiêu biên chế là: 59 người, Hợp đồng theo nghị định 68/CP là 11 người), Lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý bảo vệ rừng là 45 người, còn lại là lực lượng văn phòng 25 người. Lực lượng quản lý rừng của BQL Khu BTTN BC-PB do không phải là lực lượng Kiểm lâm do đó không được trạng bị công cụ hỗ trợ như súng, dùi cui điện và các trang bị khác phục vụ cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng còn thiếu thốn, nghèo nàn và lạc hậu, cán bộ quản lý rừng còn trẻ, ít kinh nghiệm, do đó đã làm hạn chế hiệu quả của các hoạt động tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng của khu bảo tồn. Mặt khác, ngoài tiền lương ra cán bộ quản lý rừng ở đây không có hỗ trợ gì thêm, không có kinh phí bổ xung cho các hoạt động đầu tư và hỗ trợ từ các dự án, trong mấy năm gần đây tình trạng chống đối lực lượng quản lý rừng khu bảo tồn diễn ra mạnh như năm 2010 xảy ra 10 vụ, năm 2011 là 4 vụ, sự phối hợp xử lý của các ngành chức năng còn thiếu cương quyết, không kịp thời và không có tinh răn đe. Vì vậy, phần nào đã làm cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng Khu BTTN BC-PB bị giảm về ý thức và trách nhiệm tuần tra, bảo vệ của các cán bộ quản lý rừng nơi đây. Chính vì thế, các hoạt động

liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở đây còn nhiều hạn chế và chưa thực sự đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, trong 03 năm gần đây Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu có sự tài trợ của quỹ bảo tồn thế giới VCF đã có một số hoạt động, từng bước nâng cao ý thức của cộng đồng, trình độ cán bộ viên chức, chia sẻ lợi ích cho người dân để nhằm giảm áp lực vào rừng như:

+ Đã mở được các lớp tập huấn về nâng cao năng lực cán bộ quản lý cho cán bộ quản lý khu bảo tồn.

+ Đã tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng người dân trong các xã thuộc địa bàn Khu bảo tồn, từng bước nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng trong các cộng đồng địa phương.

+ Xây dựng mô hình kinh tế địa phượng như mô hình nuôi Nhông, trồng Sâm sâm, trồng Mai trên địa bàn địa bàn 3 xã ven rừng (xã Phước thuận, xã Bình Châu, xã Bưng riềng).

+ Đã mua được một số trạng thiết bị như máy định vị GPS, Máy ảnh...để phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ rừng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính đa dạng thực vật bậc cao có mạch tại khu bảo tồn thiên nhiên bình châu phước bửu, tỉnh bà rịa vũng tàu​ (Trang 83 - 86)