Nguyên nhân trực tiếp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính đa dạng thực vật bậc cao có mạch tại khu bảo tồn loài và sinh cảnh nam xuân lạc tỉnh bắc kạn​ (Trang 57 - 61)

Sự đe dọa đối với mỗi loài bất kỳ là sự mất sinh cảnh do khai thác bất hợp lý, làm cho loài không còn nơi sống, thậm chí không còn khả năng tái sinh hoặc do sự chèn ép, xâm lấn của các yếu tố sinh vật…

Các nguyên nhân trực tiếp tác động gây suy giảm nguồn tài nguyên thực vật Khu BTLVSC Nam Xuân Lạc cụ thể như sau:

4.4.1.1. Khai thác gỗ, củi

 Hoạt động khai thác gỗ

Những người dân sinh sống bên trong và dọc ranh giới KBT luôn tạo ra các mối đe dọa trực tiếp đối với tài nguyên rừng, thể hiện bằng việc khai thác gỗ làm nhà ở và đóng đồ dùng gia đình. Đặc biệt nhiều nhóm người đã khai thác gỗ trong Khu bảo tồn phục vụ mục đích thương mại đã là nhiều loài cây gỗ quý: Đinh, Nghiến, Lát hoa…bị suy giảm mạnh, nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên khu vực.

Hoạt động khai thác gỗ diễn ra nhiều nhất trong lòng KBTLVSC Nam xuân Lạc tại các khu vực Khuổi Lịa và bên khu vực gần Lũng Cháy.

Việc chặt hạ những cây gỗ lớn kéo theo hàng loạt các cây gỗ nhỏ cây tái sinh bị chết; ảnh hưởng đến khả năng tái sinh của cây gỗ trong rừng. Khai thác gỗ còn làm cho trạng thái rừng bị biến đổi, môi trường sinh cảnh sống bị xáo trộn mạnh.

 Khai thác củi

Theo số liệu của ban quản lý KBTLVSC Nam Xuân Lạc, ước tính trung bình một năm, người dân trong các xã vùng đệm khai thác khoảng 109.520 ster củi, đây quả là một con số rất lớn. Do mức sống chưa cao, các hộ gia đình ở đây chủ yếu vẫn dùng củi để đun nấu, thay vì dùng bếp gas hay các nguồn năng lượng khác. Hơn nữa, đa phần các hộ nông dân đều chăn nuôi lợn, gà, một số hộ còn nấu rượu nên cần phải tiêu tốn lượng củi khá nhiều. Thế nhưng người dân sản xuất nông nghiệp là chính nên diện tích đất hầu hết là trồng lúa nước, hoa màu và vườn nhà trồng một số cây ăn quả. Khối lượng củi cần dùng trong một năm là rất lớn, trong khi đó khả năng cung cấp của vườn nhà lại có hạn (chỉ một phần rất nhỏ) nên buộc người dân phải vào rừng lấy củi. Bên cạnh đó, tuy diện tích đất lâm nghiệp chiếm đa số diện tích đất tự nhiên của các xã xung quanh KBT, nhưng đó chủ yếu là diện tích đất trống đồi trọc, chiếm tới 98%. Công tác giao đất giao rừng cũng làm chưa đến nơi, diện tích đất được giao cho các hộ gia đình để làm vườn rừng mới chỉ rất ít, ở nhiều nơi các hộ còn muốn nhận nhưng chưa có. Vậy người dân muốn có củi đun nấu chỉ còn cách vào rừng khai thác.

Việc người dân vào rừng lấy củi có mức độ tác động nhẹ hơn khai thác gỗ, tuy nhiên nó cũng phần nào gây ảnh hưởng đến tài nguyên thực vật ở khu vực.

4.4.1.2. Khai thác lâm sản ngoài gỗ

Đây là hoạt động diễn ra hàng ngày và cũng có thể là quanh năm của người dân địa phương. Các sản phẩm khai thác chính là: măng, giang, các loại Song mây, lá nón, cây thuốc, phong lan, rau rừng... Chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình và một phần để bán, tăng thu nhập. Khó có thể xác định chính xác được trung bình một năm người dân lấy ra từ rừng bao nhiêu lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên mức độ tác động, gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên rừng là rất lớn. Các loại sản vật thu hái quả hay cả thân cây sẽ làm suy giảm số lượng thực vật trong khu vực, đặc biệt là các loài quý hiếm, có giá trị. Vì vậy, nếu không có các biện pháp, giải pháp kịp thời có thể dẫn đến một số loài bị khai thác kiệt quệ, không có khả năng tái sinh, nguy cơ mất loài trong KBT là điều không thể tránh khỏi.

4.4.1.3. Phá rừng làm rẫy, lấn chiếm đất mở rộng diện tích canh tác

Tình trạng khai phá, lấn chiếm đất rừng trong mấy năm gần đây có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân là do mấy năm gần đây giá nông sản tăng cao như cây Sắn, Ngô, Đậu... Do đó có một số hộ dân ven rừng đang thiếu đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp đã vào Khu bảo tồn chiếm đất, phá rừng để lấy đất sản suất cây nông nghiệp.

Kết quả phỏng vấn người dân địa phương trong khu vực nghiên cứu kết hợp với khảo sát thực địa, chúng tôi nhận thấy: Nương rẫy có ở khắp nơi trong khu vực gần rừng. Nương rẫy được mở rộng cả chân, sườn và đỉnh núi để trồng lúa nương, ngô, sắn. Hoạt động canh tác nương rẫy làm ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của nhiều loài động thực vật. Sự thiếu ý thức của người dân trong phát nương làm rẫy còn dẫn đến nguy cơ cháy rừng đe dọa nghiệm trọng đến sự tồn tại của nhiều loài động thực vật và là nguy nhân làm suy giảm nhanh tróng đa dạng sinh học của khu vực (hình 4.10).

Hình 4.10: Phá rừng làm nương ở khu vực Khuổi Lịa

Hoạt động phá rừng làm nương rẫy không chỉ hủy hoại trực tiếp các loài mà còn làm biến đổi môi trường sống làm cho khả năng tái sinh của thảm thực vật suy giảm theo, đồng thời tạo điều kiện cho sự xâm lấn của các loài cây mọc hoang, cây dại vào rừng, đe dọa sự xâm lấn về sinh cảnh của các loài tự nhiên.

4.4.1.4. Khai thác quặng

Tiếng nổ mìn từ các khu vực khai thác ven KBTLVSC Nam Xuân Lạc như Lũng Cháy và Bình Chai có thể lan đến tận vùng trung tâm của Khu bảo tồn. Cách đây 3-4 năm, hoạt động khai khác quặng còn diễn ra ngay trong lòng KBT. Hoạt động khai thác quặng làm nhiều loài thực vật phân bố gần các mỏ quặng bị vùi lấp, dẫm đạp và chặt hạ làm suy giảm nguồn tài nguyên của khu vực.

4.4.1.5. Lửa rừng

Lửa rừng có ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên thực vật rừng. Trong đó phải kể đến sự ảnh hưởng của chúng tới quá trình sinh trưởng phát triển của tầng cây cao, sự tồn tại và phát triển của lớp cây tái sinh và vai trò giữ ẩm cho đất, bảo vệ và hạn chế xói mòn rửa trôi đất của tầng cây bụi thảm tươi. Lửa rừng do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Đốt nương làm rẫy mà không có sự kiểm soát của con người, thiếu ý thức khi mang lửa và sử dụng lửa trong rừng, do các điều kiện tự nhiên khác như: nắng nóng, khô hanh rất dễ gây ra cháy rừng.

4.4.1.6. Chăn thả gia súc

Đây cũng là một hoạt động có ảnh hưởng ít nhiều đến sự sinh trưởng phát triển của rừng, đặc biệt là lớp cây tái sinh, cây bụi và thảm tươi của rừng, hay nói cách khác là làm giảm sự ổn định và tính đa dạng của rừng.

Qua điều tra cho thấy hiện nay hầu hết các hộ trong vùng có tập quán chăn thả gia súc tự do (thả rông), không có bãi chăn thả. Trong khi đó thức ăn chủ yếu của Trâu, Bò, ăn Rễ, lá của các loài thực vật, các loài rau, cỏ, củ... Trên thực tế thức ăn cho gia súc mà người dân sản xuất ra thì không nhiều, vì vậy hầu như thức ăn chủ yếu dựa vào cây có sẵn trong tự nhiên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính đa dạng thực vật bậc cao có mạch tại khu bảo tồn loài và sinh cảnh nam xuân lạc tỉnh bắc kạn​ (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)