Anh Năm Năng (Trần Văn Triệu), Giám đốc Công an Bà Rịa - Vũng Tàu bảo tôi là cuốn sách “Võ Thị Sáu - con người và huyền thoại” có tác dụng tốt, nhưng bây giờ mới biết, Võ Thị Sáu chưa được phong anh hùng. Ta phải làm thủ tục đề nghị phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Võ Thị Sáu để xây dựng truyền thống của lực lượng.
Ý kiến của anh Năm Năng phù hợp với chủ trương của Ban Bí thư, theo công văn chỉ đạo rà soát lại các trường hợp còn tồn đọng trong chiến tranh, phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc. Hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Võ Thị Sáu được Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình ký, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngày 2-8-1993, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Quyết định số 149 KT/CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Võ Thị Sáu1.
Buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Liệt sĩ Võ Thị Sáu được tổ chức trọng thể tại quê hương Đất Đỏ. Trong tiệc liên hoan, một cán bộ huyện nêu ý kiến: theo sự tôn vinh của nhân dân, Võ Thị Sáu đương nhiên là anh hùng rồi, điều đó quan trọng và có ý nghĩa lớn hơn sắc phong hôm nay.
Anh Năm Năng trao đổi lại: Nhân dân đã ngưỡng mộ và tôn vinh Võ Thị Sáu thì cơ quan nhà nước càng phải có trách nhiệm làm đúng chức trách của mình.
Với tôi, hành trình đi tìm lại ngày hy sinh của Võ Thị Sáu cho đến việc xây dựng hồ sơ truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho người thiếu nữ anh hùng không chỉ là lòng ngưỡng mộ mà còn là trách nhiệm của một người cầm bút: trung thực với lịch sử - trung thực với cuộc đời.