Qua nghiên cứu những công trình về phát triển kinh tế nói chung và KTTN nói riêng, tác giả luận án rút ra nhận xét như sau:
Thứ nhất, KTTN là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều tác giả. Đến nay, đã có nhiều các sách báo, bài viết, công trình
nghiên cứu về thành phần kinh tế này. Các công trình nghiên cứu trên đã cho thấy sự năng động của thành phần KTTN ở Việt Nam. Dưới góc độ nghiên cứu, các tác giả đều khẳng định KTTN là loại hình kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Trong đó các chủ thể của nó tự chủ tiến hành sản xuất kinh doanh vì lợi ích trực tiếp của cá nhân hay tập thể cá nhân hoạt động dưới những hình thức kinh tế khác nhau, dù có thuê hay không thuê lao động. KTTN bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thế và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân. Việc phát triển KTTN là vấn đề chiến lược trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN ở Việt Nam. Bộ phận này, được Đảng và Nhà nước coi trọng và chỉ đạo phát triển, góp phần tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội thực hiện CNH, HĐH đất nước.
Thứ hai, KTTN là bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp ngày càng nhiều vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy xuất khẩu và các thành phần kinh tế khác phát triển, bồi dưỡng và thu hút nhân tài. Tuy nhiên, KTTN cũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc như: quy mô còn nhỏ bé, vốn ít, cơ sở vật chất - kỹ thuật lạc hậu, năng lực quản lý chưa cao, hiệu quả kinh tế không ổn định, việc tuân thủ pháp luật còn chưa tốt, khả năng hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế.
Thứ ba, các công trình nghiên cứu trên cũng chỉ ra những kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo phát triển KTTN. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh của KTTN, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hạn chế những mặt tiêu cực của KTTN.
Thứ tư, các công trình trên, đã cung cấp một nguồn tư liệu phong phú, đa dạng nhiều góc độ khác nhau về KTTN, tạo nên bức tranh sinh động, nhiều mặt về thành phần kinh tế này. Từ đó, giúp cho việc nghiên cứu về KTTN được thuận lợi trên bình diện cả nước cũng như từng địa phương cụ thể.
Thứ năm, qua các công trình, đã cung cấp những phương pháp nghiên cứu khoa học (phương pháp lịch sử, phương pháp lôgíc, phân tích, so sánh,
thống kê, điều tra thực tế…) khi nghiên cứu về KTTN, giúp cho tác giả luận án thuận lợi hơn khi thực hiện đề tài.
Như vậy, qua tìm hiểu tác giả thấy rằng, cho đến nay chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống, chuyên sâu về Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo phát triển KTTN từ năm 1997 đến năm 2015 như đề tài luận án mà tác giả đã chọn. Các công trình nghiên cứu trên là nguồn tư liệu quan trọng để tác giả thực hiện đề tài luận án.