Thực hiện chủ trương của Đảng về việc xây dựng và phát huy vai trò của đội doanh nhân, trong những năm 2006 đến năm 2015 Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và doanh nhân của tỉnh. Sự tăng nhanh về quy mô và số lượng của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân, thể hiện tính năng động, sáng tạo của thành phần KTTN.
Thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị ngày 09/12/2011 về việc
xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành đã ban hành nhiều văn bản phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành thuế thực hiện chính sách tạm hoãn, dãn và miễn thuế đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn theo chủ trương của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng chính sách tỉnh xem xét xử lý nợ xấu, cũng như điều chỉnh trần lãi suất cho vay hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với doanh nghiệp. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tạo điều kiện cho các tổ chức và doanh nghiệp đăng ký sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2011 đến năm 2015, UBND tỉnh quán triệt phương châm chỉ đạo là "đoàn kết phát triển và 3 thân thiện" (3 thân thiện là: thân thiện với doanh nghiệp, thân thiện với nông dân và thân thiện với môi trường). Yêu cầu các sở, ban, ngành, hội các doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực hợp tác, đối thoại, tạo cơ chế thông tin hiệu quả xây dựng bộ máy quản lý chính quyền thân thiện và đồng hành cùng doanh nghiệp. Thực hiện công khai, minh bạch các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử của tỉnh và của từng
đơn vị. Thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhằm khắc phục tình trạng hoạt động mang tính chất đơn lẻ của các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp của các doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.
Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập trên cơ sở tự nguyện của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và giữ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo các cấp chính quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan đến doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Ban hành Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 về việc xét, tôn vinh danh hiệu "Doanh nhân xuất sắc" và "Doanh nhân tiêu biểu" tỉnh Thái Nguyên. Các cấp chính quyền thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham khảo ý kiến của các doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát để đảm bảo tính minh bạch trong quan hệ giữa cơ quan, công chức nhà nước với doanh nghiệp và doanh nhân.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (2006), lần thứ XVIII (2010) và Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã triển khai rộng khắp chương trình đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, đảm bảo các doanh nhân được trang bị những kiến thức cần thiết về kinh doanh, pháp luật và trách nhiệm đối với xã hội.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao và cập nhật kiến thức cho các doanh nhân. Đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh ở các trường đại học, cao đẳng, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc và cộng đồng đối với doanh
nhân. Đề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm của doanh nhân đối với xã hội, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Xây dựng những chuẩn mực của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hướng tới các phẩm chất quan trọng như: có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, có khát vọng kinh doanh, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng xã hội và văn hóa tuân thủ pháp luật. Nêu cao ý thức của doanh nhân đối với môi trường, trách nhiệm với xã hội cũng như thân thuộc với người lao động.
Như vậy, những chủ trương và chính sách trên của tỉnh Thái Nguyên đã dần hình thành lên một đội ngũ các doanh nhân có đầy đủ năng lực và phẩm chất lãnh đạo được các doanh nghiệp. Nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như có tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.