tư nhân
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2005 KTTN Thái Nguyên có bước phát triển mẽ về số lượng và chất lượng cũng như trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy, những chủ trương, chính sách của tỉnh là phù hợp, thúc đẩy KTTN phát triển. Đây chính là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tiếp tục lãnh đạo, đưa ra các chủ trương nhằm thúc đẩy KTTN phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVII (1/2006) trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được và hạn chế, tồn tại trong quá trình lãnh đạo phát triển KTTN, Đại hội nêu rõ quan điểm: xóa bỏ mọi rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình kinh tế tư nhân, không hạn chế về quy mô, lĩnh vực sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội xác định:
Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án giải quyết việc làm. Khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, phát triển các ngành nghề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhằm tạo ra nhiều việc làm để thu hút lao động. Đầu tư mở rộng các cơ sở dạy nghề, nâng cao chất lượng lao động cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cơ cấu ngành nghề. Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân, cho lao động nông thôn, nhất là khu vực nhà nước thu hồi đất để xây dựng và phát triển công nghiệp [10, tr. 50].
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, ngày 18/7/2006 Tỉnh ủy Thái Nguyên thông qua Chương trình số 05-CTr/Tu phát triển thương mại và du lịch, giai đoạn 2006 - 2010. Chương trình đã đánh giá lại những kết quả thực hiện việc
phát triển thương mại và du lịch của tỉnh giai đoạn 2001 - 2005. Đối với giai đoạn 2006 - 2010, cần phải chú trọng đến các chủ thể kinh doanh, các thành phần kinh tế, phát triển các trung tâm thương mại. Đẩy mạnh phát triển các khu du lịch trọng điểm như: hồ Núi Cốc, khu du lịch ATK Định Hóa, trung tâm thành phố Thái Nguyên, khu du lịch Đồng Hỷ - Võ Nhai (hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà).
Ngày 30/10/2006 Tỉnh ủy Thái Nguyên thông qua Chương trình số 08-CTr/TU chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2006 - 2010. Chương trình đã nêu rõ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản cần phải gắn với quá trình CNH, HĐH và xây dựng nông thôn mới. Phải khai thác được các tiềm năng thế mạnh của tỉnh và ưu thế của từng vùng, áp dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phải huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, bền vững và an toàn môi trường sinh thái [107].
Ngày 2/5/2008 Tỉnh ủy Thái Nguyên thông qua Chương trình hành động số 21-CTr/TU về việc Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Nội dung chương trình xác định, cần phải đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất để các thành phần kinh tế, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Thực hiện nghiêm túc, nhất quán một mặt bằng pháp lý và điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế.
Ngày 6/5/2010 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 33-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo của của cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020. Chỉ thị nhấn mạnh việc rà soát,
bổ sung, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, trong đó quan tâm phát triển các cơ sở dạy nghề ở vùng nông thôn. Xác định nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp với từng lĩnh vực và từng địa phương.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa phát triển KTTN, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (12/2010) xác định:
Bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ; phát triển các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Có chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho nông dân. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, công tác quy hoạch chi tiết, bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh [11, tr. 31].
Quan điểm của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế nói chung và KTTN nói riêng là: Đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường và cơ chế thuận lợi để KTTN phát triển.
Triển khai Nghị quyết của Đại hội, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã xây dựng, ban hành cơ chế chính sách tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp. Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và khuyến khích phát triển doanh nhan ở khu vực nông thôn.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, đối thoại tạo cơ chế thông tin hiệu quả, góp phần xây dựng bộ máy quản lý nhà nước hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên nhằm khắc phục tình trạng hoạt động đơn lẻ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương. Triển khai thực hiện tốt công tác thủ tục
hành chính "một cửa" và "một cửa liên thông" trên tất cả các lĩnh vực. Tổ chức công khai minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp trên trang điện tử của tỉnh và của từng đơn vị.
Các cấp chính quyền cần phải thực hiện tốt cơ chế đối thoại, thẩm vấn ý kiến của các doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế vùng và địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước đối với các doanh nhân, doanh nghiệp.
Như vậy, chủ trương của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về phát triển KTTN giai đoạn 2006 - 2015 cơ bản thống nhất với những chủ trương của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và XVI, nhưng đồng thời cũng có sự bổ sung phát triển phù hợp với thực tiễn. Những chủ trương trên của Đảng bộ đã khẳng định, thành phần KTTN ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là cơ sở để Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đề ra những biện pháp và cơ chế cụ thể để phát triển KTTN.