KBT L&SC Mù Cang Chải
4.1.1.1. Người dân tham gia trồng rừng trong KBT
Từ năm 1995, với chủ trương xã hội hoá nghề rừng, BQL rừng phòng hộ Púng Luông chuyển dần từ trực tiếp trồng rừng sang vận động đồng bào dân tộc tham gia bảo vệ, phát triển rừng và làm dịch vụ giống. Qua các chương trình lớn của Chính phủ như: Chương trình 327, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, BQL đã tổ chức cho nhân dân học tập Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, các quy định của tỉnh, huyện về công tác quản lý bảo vệ rừng. Để làm tốt việc quản lý, bảo vệ rừng và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch trồng mới rừng, BQL thực hiện giao đất giao rừng tới các hộ và nhóm hộ nông dân trên cơ sở gắn quyền lợi, nghĩa vụ của người dân và thực hiện khoán đến từng khu đất, lô rừng được giao thông qua hợp đồng kinh tế. Với cách làm này, hàng ngàn hộ và nhóm hộ gia đình đều phấn khởi nhận khoán, thay đổi cơ bản thói quen từ đốt phá rừng trở thành người trồng, bảo vệ rừng và làm chủ những cánh rừng mới từ chính bàn tay lao động của mình.
Từ khi tổ chức triển khai thực hiện đến nay, BQL đã tổ chức nhân dân bảo vệ tốt gần 50 nghìn ha rừng hiện có; trồng mới 5.200 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh 20.400 ha; trồng mới 50 ha chè Shan và liên kết với một số đơn vị mở xưởng chế biến gỗ thông rừng trồng. Đặc biệt, BQL rừng phòng hộ Púng Luông còn tìm kiếm thị trường, tổ chức khai thác tỉa thưa 6.825m2 gỗ rừng trồng; khai thác 581,4 tấn nhựa thông; gần 1.000 tấn quả Sơn tra; thu mua, chế biến 40 tấn chè búp khô, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống và giảm tỷ lệ đói nghèo trong huyện từ 56% (năm 1999) xuống còn 21% năm 2009.
Với diện tích đất rừng được BQL giao cho, nhiều HGĐ đã đầu tư trồng bổ sung cây gỗ quý hiếm như Pơ mu, Lát, Giổi…và mạnh dạn đưa thêm cây Thảo quả vào trồng, hiện cây đã sinh trưởng và phát triển tốt. Thu nhập từ nghề rừng của gia đình ngày càng tăng lên.
4.1.1.2. Người dân tham gia khoanh nuôi, bảo vệ, tuần tra rừng
Bảng 4.1. Thống kê diện tích các hoạt động KNBVR ở KBT L&SC Mù Cang Chải
STT Hoạt động Diện tích (ha)
1 Bảo vệ rừng TN 50.123
Bảo vệ rừng trồng 20.153,4
2 KNTS 20.400
( Nguồn: Ban quản lý KBT L&SC Mù Cang Chải, năm 2009)
Nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng theo từng HGĐ: Các HGĐ nhận KNBVR có trách nhiệm bảo vệ diện tích được giao, được khai thác LSNG và nhận tiền hỗ trợ KNBV mỗi năm từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng cho mỗi HGĐ. Anh Sùng Vảng Phà, xã Chế Tạo cho biết “Bảo vệ rừng đem lại nhiều lợi ích kinh tế lắm. Trong bản tôi, hộ nào cũng tham gia bảo vệ rừng. Chẳng biết là bao nhiêu héc ta đâu, mỗi năm mỗi hộ được chia 3 - 5 trăm nghìn đồng. Những hộ nhận bảo vệ riêng còn được nhiều hơn. Việc bảo vệ rừng không khó như làm nương đâu. Nhận bảo vệ rừng còn được khai thác củi khô, các cây thuốc quý để chữa bệnh nữa, người dân hăng hái lắm. Có rừng, môi trường sinh thái trong lành, các khe suối, nước không bao giờ cạn. Người dân đi rừng kiểm tra, nhặt cành củi thỉnh thoảng vẫn bắt gặp vượn đen tuyền, gà lôi tía, niệc cổ hung, đồng bào về kể chuyện, ai cũng thấy mừng vì con sóc, con vượn có chỗ ở không phải trốn vì sợ bị bắt nữa”.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, Hạt Kiểm lâm KBT L&SC Mù Cang Chải phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Động thực vật hoang dã quốc tế Việt Nam (FFI) thành lập “Nhóm bảo tồn giám sát ĐDSH dựa vào cộng đồng - CBMG” thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có trong KBT; kiểm tra kiểm soát phát hiện hành vi vi phạm Luật bảo vệ phát triển rừng. Hiện nay, nhóm gồm 14 thành viên, chia thành 3 nhóm, các thành viên là người bản địa, có sức khỏe và kinh
nghiệm về tuần tra rừng ở địa phương nên được coi là “tai mắt” trong việc theo dõi rừng vùng sâu vùng xa mà Hạt Kiểm lâm đóng tại thị trấn không kiểm soát được.
4.1.1.3. Người dân tham gia tuyên truyền, giáo dục công tác quản lý bảo vệ rừng
Công tác tuyên truyền giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng làm thay đổi cách ứng xử của người dân tới tài nguyên rừng của KBT. Để giúp người dân hiểu và nắm rõ các quy định về bảo vệ và phát triển rừng, KBT đã cắm được 36 biến báo thông tin bảo tồn, phát 17.291 tờ rơi, kẻ vẽ hàng trăm pa nô, áp phích tại các khu dân cư và khu rừng trọng điểm. Người dân trong KBT có ý thức trong việc giữ gìn các bảng chỉ dẫn, bảng quy ước bảo vệ rừng, cột mốc… trong KBT. Hàng tháng các xóm tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa kết hợp với tuyên truyền giáo dục ý thức quản lý bảo vệ rừng.
Ngoài Quy ước quản lý bảo vệ rừng của KBT, các thôn đều có quy ước bảo vệ rừng riêng được lưu truyền từ lâu đời. Tất cả các bản thuộc KBT đều có Hương ước, trong đó đều có các quy định về việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư tại tất cả các xã thuộc KBT L&SC Mù Cang Chải đều tham gia ký vào Bản cam kết bảo vệ rừng.