Để có thể nâng cao chất lượng công tác thanh tra, việc xây dựng một quy trình để áp dụng chung, thống nhất cho tất cả các đoàn thanh tra nhằm đánh giá đầy đủ các nội dung hoạt động, đưa ra các kết luận chính xác đánh giá đúng tình hình hoạt động tín dụng của các ngân hàng là hết sức cần thiết. Một số nội dung chủ yếu trong việc hoàn thiện quy trình thanh tra như:
- Hoàn thiện việc lập kế hoạch thanh tra, xây dựng đề cương thanh tra, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra.
Trước khi tiến hành một cuộc thanh tra, công tác khảo sát, nắm tình hình trước khi xây dựng kế hoạch thanh tra là một bước có vai trò rất quan trọng. Thực hiện tốt bước này sẽ đảm bảo nội dung cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và không bị kéo dài thời gian mà vẫn đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra đối với cuộc thanh tra.
Trưởng đoàn phải bao quát đề cương, tìm ra những vấn đề trọng tâm để tập trung làm rõ trong quá trình thanh tra. Nhất là đối với thanh tra hoạt động tín dụng
cần xác định rõ tập trung thanh tra khách hàng nào. Sau đó thành viên đoàn thanh tra phải tự nghiên cứu đề cương, đặc biệt nghiên cứu kỹ phần công việc được giao để xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc thực hiện thanh tra. Bên cạnh việc nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan, cán bộ thanh tra cần thu thập một cách chọn lọc các thông tin, số liệu từ các cơ quan pháp luật, từ trung tâm thông tin tín dụng, từ báo chí, từ các cuộc thanh tra trước...
- Hoàn thiện khâu nhận định, đánh giá tồn tại, sai phạm phát hiện trong giai đoạn tiến hành thanh tra trực tiếp.
Trong quá trình tiến hành thanh tra tại chỗ, cần đảm bảo việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Trưởng đoàn và các thành viên đoàn thanh tra tuân thủ đúng theo các quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành; bám sát đề cương, kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt. Việc thu thập, xác minh chứng cứ cần thực hiện một cách có chọn lọc bởi lẽ báo cáo của ngân hàng có thể không khách quan và không phản ánh một cách trung thực tình hình ngân hàng. Bên cạnh đó, chế độ thông tin báo cáo giữa người được giao nhiệm vụ kiểm tra tại chỗ với đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Khi kết thúc quá trình thanh tra, việc lập Báo cáo kết quả thanh tra là rất quan trọng. Báo cáo kết quả thanh tra thể hiện toàn diện nhất vai trò của đoàn thanh tra và công cụ thanh tra. Trong giai đoạn này, cần thực hiện kiểm tra, rà soát chứng cứ, đối chiếu với các quy định của pháp luật, để xác định những nhận định, đánh giá ban đầu của các cán bộ thanh tra đối với từng nội dung thanh tra đã chính xác hay chưa. Người lập báo cáo phải có trình độ và ý thức trách nhiệm cao để có thể xác định rõ được tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan, đồng thời đưa ra các căn cứ pháp lý rõ ràng, cụ thể giúp cho người ra quyết định thanh tra đánh giá được chính xác, khách quan việc thực hiện chính sách của đối tượng thanh tra từ đó có các kiến nghị hình thức xử lý cho phù hợp.
rõ ràng cụ thể về thời gian, không gian, đối tượng thực hiện và có tính thuyết phục đối với đối tượng thanh tra. Ngoài việc thể hiện tính đúng sai trong tình hình hoạt động của đối tượng thanh tra, kết luận thanh tra còn là cơ sở để tổ chức thực hiện những kiến nghị của Đoàn thanh tra. Hiện nay, hầu hết khi kết thúc cuộc thanh tra, đoàn thanh tra mới chỉ đưa ra được các kiến nghị sai sót về mặt tác nghiệp đơn thuần. Bởi vậy để nâng cao được chất lượng công tác thanh tra cần đưa ra các kiến nghị đề xuất với ngành, với Chính phủ về những bất cập trong cơ chế chính sách. Một kết luận thanh tra đúng pháp luật, có tính khả thi, được đối tượng thanh tra nghiêm túc chấp hành, tổ chức thực hiện kịp thời sẽ góp phần tăng cường kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
- Tăng cường công tác xử lý sau thanh tra. Để công tác thanh tra tại chỗ đạt hiệu quả cần quan tâm đến việc các đối tượng thanh tra có nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của đoàn thanh tra hay không. NHNN cần cử cán bộ kiểm tra, đôn đốc các NHTM trong việc tổ chức thực hiện sửa chữa các sai phạm theo yêu cầu và kiến nghị của đoàn thanh tra. Định kỳ yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo tình hình thực hiện các kiến nghị, đồng thời cần có các biện pháp xử lý thích hợp đối với trường hợp đối tượng thanh tra không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc các kiến nghị của thanh tra NHNN.