Nguồn đầu tư từ công ty mẹ.
Bản thân Vingroup cũng đã là một tập đoàn mạnh về tài chính, là một thành phần của tập đoàn này do đó Vinfast được sự hậu thuận lớn về mặt tài chính bởi dòng tiền tươi. Điều này được minh chứng qua báo cáo giao dịch với các bên liên quan của tập đoàn này. Ngoài quan hệ góp vốn, Vingroup còn rót tiền cho VinFast thông qua hình thức cho vay.
Cụ thể, 9 tháng từ đầu năm 2019, tập đoàn mẹ đã “bơm” 25.140 tỷ đồng tiền cho vay với VinFast để bổ sung vốn lưu động. Đây là số tiền cho vay lớn nhất giữa Vingroup và các công ty con của mình từ đầu năm đến tháng 09/2019. Xếp sau là các khoản cho
vay với Công ty CP Vincommerce (16.999 tỷ đồng) - đơn vị vừa được công bố nhượng cho Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, và Công ty NHH Nam Hà Nội (9.875 tỷ đồng)…
Đến cuối tháng 9, số tiền công ty sản xuất ôtô này tất toán cho tập đoàn mẹ là 15.780 tỷ nợ gốc. Số tiền VinFast còn nợ lại là 9.360 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền vay còn lại này là nợ vay ngắn hạn với lãi suất 9%/năm.
Cũng thông qua các khoản cho vay này, Vingroup đang có khoản lãi vay phải thu gần 400 tỷ đồng tại VinFast, nhưng tập đoàn chưa thu hồi. Ngoài các giao dịch cho vay thông thường, Vingroup còn giúp VinFast huy động trái phiếu thông qua các khoản bảo lãnh thanh toán.
Cuối tháng 11năm 2019, Vingroup đã thông báo bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của VinFast liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các khoản vay/tín dụng trong và ngoài nước mà công ty này dự kiến thực hiện trong năm 2019 và 2020. Tổng hạn mức bảo lãnh tối đa lên tới 30.000 tỷ đồng.
Hồi tháng 9 trước đó, tập đoàn mẹ cũng đã quyết định bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của công ty VinFast liên quan đến trái phiếu có tổng mệnh giá tối đa 5.000 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của VinFast qua các năm
Trong năm 2019 để tiến hành phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, lần đầu tiên nhà sản xuất ôtô này đã công bố số liệu tài chính của mình.
Cụ thể, VinFast cho biết đến cuối năm 2019, tổng vốn chủ sở hữu của công ty đạt 19.459 tỷ đồng. Với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 3,67 lần, nợ phải trả của doanh nghiệp ước khoảng 71.414 tỷ.
Như vậy, tổng tài sản cân đối tổng nguồn vốn của nhà sản xuất ôtô và xe điện này đến cuối năm 2019 là gần 91.000 tỷ đồng.
Báo cáo tóm tắt cũng lần đầu tiên công bố con số lợi nhuận của nhà sản xuất ôtô thương hiệu Việt. Trong đó, riêng năm 2019, công ty lỗ ròng sau thuế 5.702 tỷ, với tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) âm 29%.
Tới năm 2020, tình hình tài chính trong 6 tháng đầu năm 2020 có nhiều biến động VinFast lỗ sau thuế 6.591 tỷ đồng. Con số này gấp hơn 4 lần mức lỗ cùng kỳ năm 2019 là 1.570 tỷ đồng.
Việc VinFast thua lỗ là nằm trong dự tính bởi doanh nghiệp này vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, đòi hỏi phải giảm sâu giá bán và đặc biệt là chi phí khấu hao rất
lớn cộng thêm ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19 nên sản lượng bán ra sụt giảm kéo theo doanh thu và lợi nhuận cũng giảm.
Mặc dù lỗ nặng nhưng tính đến hết ngày 30/6/2020, vốn chủ sở hữu của VinFast vẫn tăng hơn 3.000 tỷ đồng, lên mức 28.116 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 2,81 lần, tương ứng nợ phải trả vào khoảng 79.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng nguồn vốn của VinFast tới tháng 06/2020 lên đến trên 107.000 tỷ đồng. Tổng tài sản theo đó ở mức tương tự.