7. Bố cục của đề tài
2.1.1. Hoạt động khai thác thủy hải sản
Sau khi phường được thành lập, mặc dù được tăng cường lực lượng lao động từ các địa phương khác trong tỉnh sơ tán về Trà Cổ, nghề khai thác thủy hải sản có nhân lực để phát triển nhưng do thiếu sự chuẩn bị nên nghề cá phải mất một thời gian sau mới dần khởi sắc.
Trước đây, các làng cá ở Trà Cổ được tổ chức đi biển theo đội với hình thức du thủy của tập hợp dòng họ hay có quan hệ thông gia cùng đánh trên một ngư trường. Những làng cá nghiệp dư này thường đi đánh với các trang bị thủ công thô sơ. Do ít kinh nghiệm khai thác, đi biển và lợi ích trước mắt, họ dùng nhiều ngư cụ bất hợp pháp huỷ diệt môi trường. Một hình thức tổ chức khác trong cộng đồng cư dân đánh bắt thủy hải sản chính là hợp tác xã. Tuy nhiên, hiện nay còn rất ít hợp tác xã tồn tại theo đúng thể thức của nó, tuy tàu thuyền mang danh nghĩa là tài sản chung của hợp tác xã nhưng đã khoán cho các đội hoạt động. Mỗi thuyền thường là tài sản chung của một nhóm góp vốn đầu tư, họ cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi và chịu lỗ. Thông thường thuyền trưởng và máy trưởng do chủ thuyền đảm nhận. Trên thuyền thường có 4 -10 thợ bạn đi ghép. Với những thuyền lớn, sản phẩm làm ra được bán và thường chia tứ lục: 6 phần cho tài sản và 4 phần cho công lao động đánh cá, với những thuyền nhỏ thường chia ngũ - ngũ, tức là 5 phần cho tài sản và 5 phần cho công lao động đánh cá. Vài năm gần đây, một số địa phương đã tổ chức các chi hội nghề cá, tập hợp những ngư dân trong 1 hội. Chi hội làm nhiệm vụ tập hợp ngư dân, giới thiệu kinh nghiệm sản xuất tiên tiến, giải hoà các mâu thuẫn nội bộ và thông tin thị trường. Ngoài
ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Hội đồng nhân dân, Phường lập Ban Hải sản do một uỷ viên phụ trách. Ban này chịu trách nhiệm chung về tình hình sản xuất như đăng ký, thống kê sản xuất và nắm nhu cầu của ngư dân để phản ánh với chính quyền. Ban Hải sản còn tham gia với tổ tư pháp của uỷ ban xã giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ ngư dân.
Những năm đầu sau khi thành lập Phường, sản lượng thủy hải sản chủ yếu là do đóng góp của nghề lộng ven bờ như lưới rê ba lớp, giã thủ công. Sản lượng khai thác năm 1998 chỉ đạt 378 tấn với 62 hộ ngư dân tham gia (bảng 2.1). Do vậy, để phục hồi và phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản, trong những năm qua lãnh đạo địa phương đã có những chủ trương tăng cường đầu tư cho ngành đánh bắt cá ngoài khơi. Đại hội Đảng bộ Trà Cổ lần thứ XXI (2000) đã đề ra chỉ tiêu sản lượng khai thác hải sản đạt 600 - 700 tấn/năm [2; tr.130], đồng thời khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển ngành nghề, mạnh dạn vay vốn mua sắm phương tiện, ngư cụ đánh bắt tuyến khơi, gắn đánh bắt hải sản với việc giữ gìn an ninh trên biển và lãnh hải của Tổ quốc.
Bảng 2.1. Thống kê số liệu khai thác thủy sản tại phường Trà Cổ (1998 - 2018)
Chỉ tiêu ĐVT 1998 2000 2005 2010 2015 2018
Sản lượng Tấn 378 450 550 1300 2580 3251
Số hộ tham gia đánh bắt Hộ 62 78 145 269 468 613
(Nguồn: Tác giả tổng hợp số liệu dựa trên báo cáo hằng năm của Đảng ủy Phường)
Nhờ sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương nên ngư nghiệp được duy trì và bước đầu mang lại thành quả. Từ năm 2000 đến năm 2005, sản lượng đánh bắt hải sản hàng năm thu hoạch đạt từ 450 - 550 tấn. Nhưng do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, giá cả không ổn định, phương tiện đánh bắt gần bờ là chủ yếu và phụ thuộc vào sức mua của ngư dân Trung Quốc, vì vậy sản lượng đánh bắt có chiều hướng chững lại [2; tr.134]. Để khắc phục tình trạng này, Đại hội Đảng bộ Phường lần thứ XXII (2005 - 2010) đã đặt ra chỉ tiêu ngư nghiệp phải tăng 5-10% trong nhiệm kỳ [2; tr.146]. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời nên ngay trong năm 2005, số hộ có phương tiện đánh bắt là 145 hộ, sản lượng đánh bắt đạt 550 tấn tăng 30 tấn so với năm 2004 [17]. Nhưng sang năm 2006, do thời tiết không thuận lợi, ngư trường đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến nguồn lợi đánh bắt hải sản. Sản lượng chỉ đạt 450 tấn [18]. Tuy nhiên, bước sang năm 2008, ngành ngư nghiệp lại phát triển với 262 hộ đánh bắt
khai thác hải sản bằng bè máy và hơn 150 hộ khai thác hải sản bãi bồi chiếm 31,74% số hộ trong phường. Phương tiện đánh bắt cá hiện đại được nhiều hộ gia đình đầu tư. Năm 2002 chỉ có 150 chiếc bè máy, thì đến năm 2008 tăng lên 262 chiếc [2; tr.151]. Đến năm 2009, tổng số hộ làm nghề ngư là 404 hộ, trong đó 269 hộ đánh bắt hải sản bằng thuyền bè có gắn máy động cơ, 135 hộ làm nghề khai thác bãi bồi. Tổng sản lượng đánh bắt hải sản các loại đạt 1800 tấn, bao gồm: Ghẹ, sứa, tôm, cá, ngao, sò, giá trị sản lượng đạt trên 20 tỷ đồng [19]. Năm 2010, toàn phường có 269 hộ đánh bắt hải sản bằng thuyền bè có gắn động cơ, cùng với hơn 185 hộ làm nghề khai thác bãi bồi. Sản lượng đánh bắt đạt 1300 tấn [20]. Ngành đánh bắt hải sản thường xuyên đem lại nguồn thu nhập cho hơn hai trăm hộ [21].
Năm 2011, hoạt động khai thác hải sản được duy trì đều đặn. Tổng số hộ làm nghề ngư là 433 hộ, giảm 21 hộ so với năm 2010 (nguyên nhân do các hộ đánh bắt bằng bè máy đã chuyển đổi nghề) trong đó: 253 hộ khai thác, đánh bắt hải sản bằng phương tiện bè máy, 180 hộ làm nghề khai thác bãi bồi. Sản lượng đánh bắt hải sản đạt 250 tấn, với giá trị đạt 31 tỷ đồng [22]. Bước sang năm 2013, các hộ đánh bắt hải sản cơ bản ổn định. Tổng sản lượng đánh bắt các loại hải sản bằng 132% so với năm 2012 với giá trị đánh bắt đạt 35 tỷ đồng [23]. Năm 2014, sản lượng đánh bắt thủy sản bằng 110% kế hoạch, tăng 2% so với năm 2013, giá trị đạt 43,5 tỷ đồng [24].
Năm 2015, ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản thường xuyên đem lại nguồn thu nhập cho trên 8 trăm hộ của địa phương, trong đó, làm nghề đánh bắt, khai thác hải sản 468 hộ, khai thác bãi bồi 356 hộ [25]. Đến năm 2018, tổng sản lượng đánh bắt và khai thác thủy hải sản tại địa phương đạt kết quả khả quan với 3.251 tấn với 613 hộ gia đình tham gia đánh bắt (37% số hộ gia đình tại địa phương) [26].
Về phương tiện đánh bắt, ngư cụ truyền thống của cư dân Trà Cổ phục vụ cho khai thác thủy hải sản có nhiều loại, song căn cứ vào nguyên lý đánh bắt chủ động hoặc thụ động có thể chia ra thành 6 họ nghề: lưới kéo, lưới vây, lưới rê, lưới vó, nghề đáy và nghề câu. Họ lưới kéo còn gọi là nghề giã hoặc nghề cào, đánh bắt chủ động nhưng tốn nhiên liệu. Đối tượng đánh bắt chủ yếu là các loại cá đáy như cá phèn, cá lượng, cá mối, cá hồng, cá nục, tôm...Họ lưới vây (lưới bao hay lưới rút), đánh bắt chủ động, đối tượng đánh bắt chủ yếu là: mực, các loại cá cơm, cá lầm, cá trích, cá ngừ, cá bạc má...Họ lưới rê là nghề đánh bắt thụ động, lưới trôi theo dòng chảy, cá đi vướng vào
mắt lưới. Họ lưới vó gồm các nghề vó, mành, rớ, đáng chú ý là nghề vó kết hợp ánh sáng có năng suất khá cao, đối tượng đánh bắt chủ yếu là cá trích, cá nục, cá cơm, cá bạc má...Họ nghề đáy gồm đáy hàng rạo, đáy song cầu, đáy sáu, đáy hàng khơi. Họ nghề câu gồm những dạng câu giàn, dạng câu đơn, dạng câu giăng, câu chùm…là nghề có chi phí sản xuất ít, năng suất cao, đối tượng đánh bắt chủ yếu là cá thu, cá ngừ, cá hồng, cá dưa, cá trích, cá mập, mực. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi vào tháng 2/2019, ở Trà Cổ, phân chia theo quá trình phát triển nghề và chức năng đánh bắt hải sản, có những loại ngư cụ chủ yếu sau:
Bảng 2.2. Những ngư cụ chủ yếu của ngư dân Trà Cổ hiện nay
STT Tên ngư cụ Phương tiện để hoạt động
1 Rẻo đôi
2 Lưới chân Đòn bổ (1 ống tre để gánh lưới)
3 Lưới bén Bè tre
4 Lưới nghẹo Thuyền nghẹo
5 Rùng đón Xuồng
6 Lưới mòi Bè tre
7 Rê Thu Bè tre
8 Rê Chim Bè tre
9 Bóng Mực Thuyền mủng (thúng)
10 Câu (các loại) Bè tre
11 Tưng cần Tạo rừng giả cho cá ẩn nấp để đánh bắt
12 Tưng Rút Tạo rừng giả cho cá ẩn nấp để đánh bắt
13 Te xúc tép
(Nguồn: Tác giả khảo sát tại địa phương, tháng 2/2019)
Các công cụ (bao gồm cả lưới và thuyền, bè) đề cập ở trên cho thấy ở vùng biển Trà Cổ, người dân chỉ khai thác, đánh bắt cá biển ở các khu vực gần bờ. Nếu so sánh với các vùng biển khác từ miền Trung trở vào thì nghề đánh cá biển ở Trà Cổ ít phát triển hơn.
Ngoài ra, hầu hết các làng nghề cá đều có cơ sở đóng thuyền vỏ gỗ phù hợp với ngư dân trong làng. Theo nhu cầu tăng lên, các cơ sở đóng vỏ tàu gỗ cũng phát triển rất mạnh. Công việc sửa chữa ngư cụ, ghép lưới, sửa chữa máy tàu nhỏ đều do ngư dân và gia đình họ tự đảm nhận. Các thành viên trong gia đình ngư dân từ 5-7
tuổi đến 70-80 tuổi đều tinh thông và tham gia đan lưới, vá lưới, ghép lưới. Chỉ các công việc đóng vỏ các tàu lớn trên 100CV, sửa chữa trung tu và đại tu máy, lên đà… ngư dân mới phải đưa tàu thuyền của họ đến các cơ sở chuyên môn để sửa chữa.
Nhìn chung, thời gian qua nghề khai thác hải sản của dải ven bờ ở vùng đất Trà Cổ đã khai thác được nhiều sản phẩm có giá trị, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhân dân địa phương góp phần cải thiện đời sống của ngư dân. Các công trình giao thông thôn làng đang được bê tông hoá, phong trào cải tạo giếng nước và nhà tắm, nhà vệ sinh được chính quyền quan tâm tới từng cộng đồng dân cư ven biển, làm cho cuộc sống của cư dân bớt phần lạc hậu đi nhiều.
Song, từ kết quả điều tra thực tế đời sống của nhiều ngư dân tại Trà Cổ, chúng tôi nhận thấy bối cảnh phát triển kinh tế biển ở Trà Cổ đang nảy sinh một số vấn đề đáng quan tâm về sự phát triển bền vững của nghề biển, liên quan đến các khía cạnh kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Tại khu Đông Thịnh, những ngư dân được hỏi đều cho chúng tôi biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác nghề biển: 57,4% số hộ cho rằng thời tiết không thuận tiện; 42,6% số hộ thừa nhận do nguồn tài nguyên dần cạn kiệt ít ra từ 2-3 lần so với cách đây 20 năm; 41,2% cho rằng do thiếu vốn [105]. Tựu chung lại, chúng tôi cho rằng nhưng thách thức đó là:
Thứ nhất, cơ cấu nghề nghiệp có qui mô nhỏ vẫn chiếm khoảng 65% số đơn vị thuyền nghề. Chính vì thế nên khai thác thủy hải sản ở Trà Cổ hiện nay chỉ tập trung chủ yếu ở tuyến gần bờ, các phương tiện hiện đại, đảm bảo an toàn để khai thác ở tuyến khơi còn thiếu đồng bộ, chủ yếu vẫn là tàu công suất nhỏ.
Thứ hai, do người dân từ lâu đã quen khai thác tự phát với quan niệm “chim trời cá nước”, không có khái niệm “trách nhiệm” với biển nên nhiều thuyền đánh bắt t không có chọn lọc đã làm cạn kiệt tài nguyên biển. Nhiều ngư dân dùng phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt như xung điện, chất nổ, dùng các loại lưới có cỡ mắt nhỏ để đánh bắt thủy hải sản. Công tác bảo vệ hệ sinh thái và nguồn lợi hải sản chưa được quan tâm thường xuyên. Nhiều loại cá quý ở Trà Cổ như cá dìa, cá mòi, cá cánh diều, cá song lớn…hầu như cạn kiệt.
Thứ ba, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, mực nước biển dâng cao ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt nhiệt độ tăng làm cho nguồn lợi thủy hải sản bị phân tán, các loài cá nhiệt đới kém giá trị kinh tế tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh
tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn và cá ở các rạn san hô đa phần bị tiêu diệt, từ đó làm thu hẹp ngư trường đánh bắt và sản lượng đánh bắt.
Nhiều ngư dân đánh cá ven bờ ở khu Đông Thịnh do kinh tế khó khăn nên trang bị ngư cụ đánh bắt hải sản còn thô sơ như lưới cào, lưới bén, te xiệp… nên sản lượng thu được ít. Để mưu sinh, họ kết hợp làm nông nghiệp hoặc làm thuê, làm mướn. Nhiều người có vốn và sức lực thì đóng thuyền lớn ra khơi xa
Như vậy, để hoạt động khai thác thủy hải sản bền vững, ngư dân ở Trà Cổ cần có ý thức bảo vệ tài nguyên biển, không nên chỉ dừng lại ở con số sản lượng khai thác được mà còn phải nhìn vào cách khai thác trong bao lâu sẽ cạn kiệt tài nguyên. Do đó, một chiến lược biểnđể thành công, hiệu quả, đạt được sự phát triển bền vững cần được các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức ở Trà Cổ nói riêng và cả nước nói chung quyết tâm thực hiện, có tính giao truyền, kế thừa đồng bộ. Đã đến lúc những cư dân ven biển như ở Trà Cổ cần nhìn nhận lại vấn đề biển một cách toàn diện mới có thể đưa Việt Nam trở thành quốc gia “giàu từ biển, mạnh lên từ biển”.