Kinh tế nông nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đời sống kinh tế văn hóa của cư dân phường trà cổ thành phố móng cái tỉnh quảng ninh (1998 2018) (Trang 58 - 64)

7. Bố cục của đề tài

2.3. Kinh tế nông nghiệp

Trồng trọt

Mặc dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng không cao trong cơ cấu kinh tế nhưng luôn được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phường Trà Cổ đã được tỉnh đầu tư nguồn vốn để xây dựng, sửa chữa, kiên cố hóa kênh mương, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp đầy đủ giống mới có năng suất cao. Ngay từ năm 2000, Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ phường Trà Cổ đã đề ra chỉ tiêu sản lượng lương thực quy thóc 130 - 140 tấn/năm. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch. Trồng và nuôi các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu diện tích gieo trồng hàng năm đạt 55ha [2; tr.130].

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khoá IX về đẩy mạnhcông nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010và Nghị quyết số 01-NQ/TU về việc tổ chức triển khai các mô hình đã thành công vào sản xuất đại trà, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ trong nông nghiệp của Thị uỷ, Đảng bộ phường tập trung chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổng diện tích gieo trồng từ 65,6ha năm 2001 tăng lên 69,6ha vào năm 2004. Năng suất lúa tăng từ 25 tạ/ha năm 2001 lên 45 tạ/ha năm 2004. Sản lượng lương thực tăng từ 50 tấn năm 2001 lên 80 tấn năm 2004. Với chính sách “dồn điền, đổi thừa” nhiều nông dân đã phát triển kinh tế trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao [2; tr.134].

Đến Đại hội Đảng bộ phường Trà Cổ lần thứ XXII (2005) lại xác định trong nhiệm kỳ tới giá trị nông nghiệp phải tăng 5%/năm. Đại hội quyết định chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Do đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Các cấp chính quyền tăng cường công tác khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai Đề án cánh đồng 30 triệu đồng/ha/năm. Diện tích trồng lúa năm 2005 đạt 18,65ha, diện tích rau màu đạt 20ha, sản phẩm chủ yếu phục vụ tiêu dùng địa phương [17]. Tuy nhiên, quy mô trồng trọt này đã không được duy trì trong năm 2006, diện tích gieo trồng năm này chỉ đạt 24ha, sản lượng lương thực quy thóc đạt 64 tấn. Việc triển khai thí điểm cánh đồng 30 triệu

đồng/ha/năm chưa đem lại hiệu quả kinh tế, do chưa có hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu [18]. Đến năm 2007 giá trị sản lượng cánh đồng 30 triệu đồng/ha/năm đạt gần 30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cánh đồng 30 triệu đồng/ha/năm gặp nhiều khó khăn do diện tích đất nông nghiệp của phường không có hệ thống thuỷ lợi, không chủ động được nguồn nước tưới tiêu, do đó chỉ canh tác ở những vùng đất thấp và chỉ canh tác được 2 vụ/năm [2; tr.151].

Năm 2009, diện tích gieo trồng cả năm đã tăng lên đáng kể, đạt 68,9 ha, trong đó lúa chiếm 32,2 ha. Bình quân năng suất 3,5 tấn/ha. Tổng sản lượng là 112,7 tấn với giá trị là 676 triệu đồng. Diện tích khoai lang là 6,7ha, tổng sản lượng đạt 53,6 tấn với giá trị là 134 triệu đồng. Diện tích trồng lạc là 5 ha, năng suất bình quân là 6 tạ/ha với giá trị 18 triệu đồng. Diện tích trồng rau các loại là 14ha, năng suất bình quân 8 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 1,1 tấn với giá trị là 55 triệu đồng. Diện tích trồng dưa hấu 11ha, năng suất là 10 tấn/ha, giá trị là 220 triệu đồng. Tổng giá trị thu nhập của các hộ nông nghiệp đến năm 2009 là 1,1 tỷ đồng [19]. Kể từ đây, sản lượng và giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của Trà Cổ đã duy trì mức tăng ổn định.

Bảng 2.5. Giá trị sản xuất nông nghiệp của Trà Cổ (2009 - 2015)

ĐVT: Tỷ đồng

Năm 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018

Giá trị 1,1 1,076 2,5 3,1 3,6 3,8 3,93 4,03 4,2 4,37

(Nguồn: Báo cáo hàng năm của Đảng ủy phường Trà Cổ)

Năm 2010, Đảng ủy chỉ đạo đẩy mạnh chuyến dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm tận dụng và sử dụng hiệu quả tối đa diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn. Diện tích gieo trồng cả năm thực hiện 36,2ha. Tổng giá trị ngành nông nghiệp đạt 1 tỷ 076 triệu đồng, giảm 24 triệu so với năm 2009. Việc triển khai đề án cánh đồng 30 triệu đồng/ha/năm bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Năm 2011, tổng diện tích gieo trồng trong năm là 39,76 ha, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 2,5 tỷ đồng, tăng 1,5 tỷ đồng so với năm 2010 [22]. Năm 2012, giá trị sản xuất nông nghiệp có bước nhảy vọt khi đạt 3,1 tỷ. Năm 2013, tổng diện tích gieo trồng tăng lên đạt 54,5ha, và giá trị ngành nông nghiệp đạt 3,6 tỷ đồng [23]. Từ năm 2015 đến năm 2018, hàng năm, gieo trồng đạt trung bình 54 ha, sản lượng lương thực quy thóc bình quân đạt 104 tấn/năm. Nhiều năm qua, mặc dù rất chú trọng sản xuất lương thực nhưng do điều kiện tự nhiên,

khí hậu, đất đai còn nhiều hạn chế nên sản lượng lương thực bình quân đầu người của phường tăng không đáng kể.

Biểu đồ 2.4. Sản lượng lương thực bình quân đầu người của phường Trà Cổ

(Nguồn: Số liệu báo cáo hàng năm UBND phường Trà Cổ)

Qua biểu đồ có thể thấy sản lượng lương thực bình quân đầu người của phường Trà Cổ tăng chậm và không ổn định qua các giai đoạn. Có thể nói rằng kinh tế trồng trọt ở Trà Cổ trong thời gian qua mặc dù có sự chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn là một lĩnh vực kinh tế nhỏ bé, chỉ đơn thuần phục vụ cho nhu cầu tự túc của nhân dân địa phương. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính là do cơ cấu chưa phù hợp, còn quá coi trọng sản xuất lúa trong khi thế mạnh của Trà Cổ là cây thực phẩm các loại. Người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chưa tích cực đưa giống mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp còn thiếu, trình độ thâm canh chưa cao, sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu nên thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Do vậy, chúng tôi cho rằng trong sinh kế của người dân Trà Cổ, bên cạnh phát triển các loại cây trồng truyền thống, cần chọn lựa các loại cây trồng chịu được khô hạn trên vùng cát nhưng có giá trị kinh tế như hành, tỏi, chanh không hạt.

Chăn nuôi:Cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật, địa phương cũng đã lựa chọn giống gia súc, gia cầm, chất lượng cao đưa vào chăn nuôi. Năm 2004 đàn lợn có 1500 con, đàn trâu bò có 208 con, đàn gia cầm 3.326 con [2; tr.134]. Năm 2006, công tác tiêm phòng vắc xin, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tiếp tục được quan

0 20 40 60 80 100 120 140 160 180 1998 2000 2005 2008 2010 2015 2018 127.6 131.2 135.9 125.7 127.8 145.6 170.3 Sản lượng (kg)

tâm chỉ đạo, đảm bảo duy trì số lượng đàn gia súc, gia cầm. Đàn trâu, bò là 128 con, đàn lợn là 1015 con, đàn gia cầm là1370 con [17].

Năm 2009, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng trưởng khá.Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn là 2170 con, so với cùng kỳ năm 2008 tăng 329 con. Tuy nhiên do đặc thù của địa phương không có diện tích chăn thả do đó chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, không có mô hình tập trung, quy mô lớn [19]. Năm 2010, tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có trên địa bàn là 2350 con. Năm 2011, tổng số đàn gia súc, gia cầm là 2993 con, trong đó: đàn trâu là 48 con, đàn bò là 119 con, đàn lợn là 805 con, gia cầm là 2021 con. Trong năm đã tổ chức tiêm phòng vác xin cho đàn gia súc được 162 con, gia cầm 1300 con, 162 liều vacxin [22]. Năm 2013, tổng đàn gia súc, gia cầm là 4745 con, trong đó đàn gia súc là 642 con, gia cầm 4100, thực hiện tốt quy trình an toàn vệ sinh thú y, đảm bảo cung ứng nguồn thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân [23]. Năm 2014, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn 6650 con (chủ yếu tăng số lượng đàn gia cầm) [24]. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi có xu hướng giảm dần vì số lượng và diện tích đất đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bị giảm do làm sân golf Vĩnh Thuận. Tổng số gia súc, gia cầm trên địa bàn năm 2018 giảm xuống chỉ còn 3.998 con.

Bên cạnh các hoạt động kinh tế kể trên, tại Trà Cổ cũng có một số hoạt động kinh tế khác, là các tiểu thương buôn bán nhỏ, thợ hồ, thợ xây, công nhân viên chức…nhưng chỉ chiếm số lượng ít trong dân cư (khoảng 0,3% dân số). Ngoài ra nhiều hộ gia đình chuyên về khai thác thủy hải sản thường gắn với các hoạt động dịch vụ như đóng và sửa chữa tàu thuyền, sản xuất và cung cấp nước đá, cung cấp vật tư phục vụ cho sản xuất thuỷ sản như dầu nhớt, phụ tùng máy, hàng tạp hoá. Nhưng chỉ dừng lại ở việc phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân địa phương.

Tóm lại, phân tích hoạt động kinh tế của cư dân phường Trà Cổ giai đoạn 1998 - 2018, chúng ta nhận thấy trong quá trình thích nghi với môi trường, để sinh tồn, người dân nơi đây đã phát triển nhiều ngành kinh tế khác nhau. Mỗi lĩnh vực kinh tế không chỉ mang những giá trị đặc trưng, tạo nên nét riêng trong sản xuất và đời sống hằng ngày của cư dân vùng biên đảo nơi đây mà quan trọng hơn đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng cuộc sống của nhân dân. Qua khảo sát 50 hộ gia đình dân cư

tại địa phương, 100% số hộ gia đình cho rằng so với 10 - 20 năm trước đây, mức thu và chi của gia đình đã tăng lên rất nhiều, số liệu cụ thể như trong bảng:

Bảng 2.6. Phương tiện phục vụ đời sống trong gia đình ở Trà Cổ (2018)

ĐVT: %

Tên phương tiện Tỷ lệ Tên phương tiện Tỷ lệ

Tivi 98 Tủ lạnh 72

Dàn âm thanh 44 Bình nóng lạnh 23

Máy tính 31 Xe máy 96

Bếp ga 67 Máy giặt 11

Bếp điện 25 Oto 3

Điện thoại di động 100 Máy móc sản xuất 67

(Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả, tháng 12/2018)

Khảo sát cho thấy 80% số hộ gia đình điều tra có tivi, bếp ga, điện thoại di động, tủ lạnh, xe máy, máy móc sản xuất. Những phương tiện hiện đại như máy tính, bếp điện, máy giặt, ô-tô chiếm tỷ lệ ít nhưng đã xuất hiện trong đời sống cư dân nơi đây. Đó là minh chứng cho thấy đời sống vật chất cư dân phường Trà Cổ đã có sự chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn trước.

Tiểu kết chương 2

Từ năm 1998 đến năm 2018 đời sống kinh tế của cư dân Trà Cổ có sự khởi sắc. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, cùng với sự phát triển của kinh tế ngư nghiệp và nông nghiệp, kinh tế du lịch - dịch vụ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn được chú trọng phát triển. Do sự phát triển về kinh tế, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, số hộ khá, giàu tăng nhanh; số hộ nghèo, đói giảm. Từ một xã vào những năm 60 có đến gần 30-40% số hộ nghèo thì đến nay trên địa bàn phường chỉ còn 1,1% hộ nghèo [2; tr.16]. Sự phát triển kinh tế ở Trà Cổ đã phần nào phát huy được lợi thế của địa phương, từng bước đem lại khởi sắc theo hướng đô thị hóa cho Trà Cổ với hàng loạt các công trình được xây dựng như hạ tầng khu du lịch, trụ sở phường, điểm bưu điện văn hóa, nhà ghi dấu Bác Hồ về thăm Trà Cổ, trường học, điện thắp sáng, các dự án của các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn, các công trình phúc lợi công cộng và hàng trăm ngôi nhà cao tầng, hệ thống nhà hàng khách sạn của nhân dân dược xây dựng mới. Bộ mặt của Phường thay đổi nhanh chóng, hình thành vóc dáng của một phường đô thị.

Bên cạnh những thành tựu của quá trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân Trà Cổ giai đoạn 1998 - 2018 diễn ra cơ bản đúng hướng và có nhiều chuyển biến tích cực, song còn tồn tại một số hạn chế: Sự phát triển chưa phát huy hết tiềm năng của địa phương, quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành và thành phần kinh tế diễn ra theo xu hướng tích cực nhưng chưa thể hiện tính ổn định, bền vững. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng những thành tựu vẫn là cơ bản và mang tính nền tảng. Chính những chuyển biến trong đời sống kinh tế ở Trà Cổ trong 20 năm qua đã có tác động lớn đến đời sống văn hóa của địa phương.

Chương 3

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA CƯ DÂN PHƯỜNG TRÀ CỔ (1998 - 2018)

Ở nước ta thuật ngữ “Đời sống văn hóa” được đề xướng từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng cộng sản Việt Nam (1981). Văn kiện của Đại hội đưa ra chủ trương xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở: “Một nhiện vụ của cách mạng tư tưởng và văn hóa là đưa văn hóa thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Đặc biệt chú ý xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, bảo đảm cho mỗi nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, mỗi đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân, mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng, mỗi xã, hợp tác xã, phường, ấp, đều có đời sống văn hóa” [16; tr.101]. Từ năm 1981 đến nay, thuật ngữ đời sống văn hóa được sử dụng khá phổ biến trong các sách báo, trong đời sống thực tiễn, song chưa có một quan niệm thống nhất. Đời sống văn hoá là một phạm trù rộng và có nhiều cách tiếp cận khác nhau về thuật ngữ này, do vậy trong khuôn khổ một luận văn cao học, chúng tôi chủ yếu khảo sát đời sống văn hóa của cư dân Trà Cổ bao gồm những hoạt động văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần cơ bản nhất và mang tính đặc trưng của vùng, miền.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đời sống kinh tế văn hóa của cư dân phường trà cổ thành phố móng cái tỉnh quảng ninh (1998 2018) (Trang 58 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)